Dư luận đặt câu hỏi: Tại văn bản 1702 ngày 5/8/2021, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh không đề cập đến việc xử phạt Công ty Bia Sài Gòn Đông Bắc, cũng như xử lý trách nhiệm của Giám đốc Hoàng Thế Bảo khi chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được phát hiện trong quá trình kiểm tra… như vậy, có phù hợp quy định của pháp luật hiện hành?
Nhận định về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, Công ty CPTM Bia Sài Gòn Đông Bắc không thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Bảng biểu, quy tắc 5K của Bộ Y tế không đầy đủ, việc kiểm soát người ra vào công ty không chặt chẽ, mang tính hình thức; chưa thực hiện xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên hàng tuần cho 20% số lượng người lao động của công ty. Cán bộ của công ty thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những biện pháp áp dụng để phòng chống dịch, đặc biệt là áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, trong khu công nghiệp để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh.
“Đối với hành vi vi phạm của Công ty Bia ia Sài Gòn Đông Bắc nêu trên, các cơ quan chức năng cần củng cố hồ sơ, xác định vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoàng Tùng nói.
Theo vị luật sư này, Nghị định 117/2020 quy định như sau: Điều 6. Vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm nêu rõ:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.
Điều 7. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;…
Do đó, để xác định rằng doanh nghiệp có vi phạm hay không, cơ quan chức năng có trách nhiệm làm rõ hành vi vi phạm và tiến hành xử phạt trong thời gian quy định.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh, phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của toàn xã hội theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như các quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, các quy định của chính quyền các địa phương.
“Hiện các địa phương cũng đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các mức độ khác nhau tùy theo tính chất của từng khu vực. Tất cả các tổ chức, cá nhân, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trong đó các cá nhân phải tuân thủ các quy định về khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, tuân thủ các quy định về khai báo y tế…
Đối với tổ chức, doanh nghiệp, phải đảm bảo an toàn trong phòng dịch, cụ thể phải đảm bảo không có ca lây nhiễm nào, phải thực hiện các biện pháp tuân thủ quy định về 5K, các biện pháp bảo vệ cá nhân với người lao động, thực hiện giãn cách giữa các công nhân, xét nghiệm ngẫu nhiên, ghi sổ theo dõi đầy đủ, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, phải đảm bảo an toàn cho người lao động…”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh, không đảm bảo an toàn sẽ không được phép hoạt động. Thực tế vẫn có một số cá nhân, đơn vị doanh nghiệp còn có sự chủ quan, lơ là, không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
“Nếu doanh nghiệp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh gây ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp buông lỏng các biện pháp phòng dịch tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Đối với trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, phải có trách nhiệm quản lý, tuyên truyền, phát hiện xử lý, duy trì trật tự kỷ cương ở doanh nghiệp sản xuất của mình.