Bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân không phải để ghi điểm

Google News

Bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân không phải để ghi điểm, ghi danh, mà để nghe người dân phản ánh vụ việc, vấn đề, từ đó ra chủ trương, biện pháp giải quyết.

Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nội dung được đưa ra báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tới đây và cũng là chuyên đề được Ủy ban Thường vụ giám sát trong thời gian tới. VietNamNet trao đổi với Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Hồng Điệp về vấn đề này.

Người dân còn kêu “khó gặp” chủ tịch tỉnh

Báo cáo giám sát của MTTQ về công tác tiếp dân cho thấy có nhiều Chủ tịch tỉnh không tiếp dân trong 18 tháng liên tục. Câu chuyện lãnh đạo “lười tiếp dân” cũng được nhiều lần nêu trước diễn đàn Quốc hội. Ông suy nghĩ sao về thực trạng này?

Tôi cho rằng nếu áp dụng “cứng” quy định thì năm 2021 tỷ lệ lãnh đạo địa phương tiếp dân định kỳ giảm rõ rệt. Một số địa phương theo như các đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, chủ tịch tỉnh không tiếp dân mà ủy quyền cho cấp phó, thậm chí cho giám đốc sở.

Kể cả cán bộ cấp sở cũng lười tiếp dân, tiếp dân không đúng, hình thức chỉ là để đủ báo cáo gửi Chính phủ. Như vậy là thiếu trách nhiệm với người dân.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: T.H

Bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân không phải để ghi điểm, ghi danh, mà để nghe người dân phản ánh vụ việc để ra chủ trương, biện pháp giải quyết.

Với khiếu nại, tố cáo, bí thư, chủ tịch tỉnh nào cũng mong giải quyết dứt điểm, nhưng có nơi ngại va chạm, sợ sửa sai, sợ giải quyết quyền lợi cho người dân thì “dắt dây” phát sinh vụ việc mới nên né tránh, không tiếp dân, đối thoại với dân.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều lãnh đạo không tiếp dân ở trụ sở mà xuống vùng dịch để giải quyết các bức xúc hàng ngày của người dân. Năm nay, tiếp dân phục vụ cho phòng, chống dịch phải ưu tiên.

Có bao giờ ông nghe người dân phàn nàn "gặp lãnh đạo tỉnh" khó quá?

Trong một lần Tổng Thanh tra tiếp dân, tôi nghe người dân phản ảnh “8 năm rồi mới được gặp phó chủ tịch”. Nếu không có cuộc tiếp của Tổng Thanh tra thì chắc người dân “khó gặp” chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh. 

Hay như khi tổ công tác của Thủ tướng khi đó là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng đến một địa phương làm việc, bí thư và chủ tịch hứa sẽ tiếp dân, giải quyết dứt điểm vụ việc. Thế nhưng nhiều lần người dân lên đây (Ban Tiếp dân Trung ương) đề nghị vẫn không được gặp chủ tịch, bí thư và đến giờ vụ việc vẫn chưa giải quyết xong.

Rất nhiều vụ việc mà Ban Tiếp công dân Trung ương có văn bản xuống đề nghị lãnh đạo địa phương đối thoại, tiếp dân nhưng tôi phải dùng từ “khó gặp” lãnh đạo địa phương. Người dân nói, sao lên đây gặp mấy ông dễ thế mà về địa phương gặp phó chủ tịch thôi cũng khó khăn. Những việc như thế khiến người dân bức xúc, gửi đơn thư vượt tuyến lên Trung ương.

Trong đợt dịch này, TP.HCM có cách tiếp dân theo hình thức trực tuyến “dân hỏi - TP trả lời”. Theo ông mô hình này có nên nhân rộng ra các tỉnh, thành khác?

Tôi cho cách làm này rất tốt! Nếu TP.HCM và các địa phương tiếp dân theo hình thức “dân hỏi - TP trả lời” cả trong ngày thường thì tốt biết mấy.

Người dân gọi điện, nhắn tin mà lãnh đạo nghe, trả lời thì họ tin tưởng lắm, dù chưa biết kết quả giải quyết ra sao. Như thế, khiếu nại, tố cáo và bức xúc của người dân sẽ giảm rõ rệt bởi họ thấy mình được tôn trọng.

Mang quyền lực áp đặt, cưỡng chế thì hệ quả khó giải quyết

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Tổng thanh tra Chính phủ dự báo, trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng tăng cao sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội? Vậy theo ông, làm sao để ứng phó với thực tế này, tránh những vụ việc phức tạp?

Do đại dịch nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng bị giãn cách, chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Đi cùng với đó là kết quả không được như mong muốn kể cả phía người dân và cơ quan Nhà nước.

Chỉ tính riêng các vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, cả nước có trên 900 vụ đã và đang tiến hành rà soát.

Khiếu nại, tố cáo của người dân hiện như “lò xo” đang bị nén, nếu không có kịch bản ứng phó sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp, có thể bùng lên và các cơ quan ở Trung ương sẽ đón nhiều đoàn công dân lên khiếu kiện hơn.

Trên cơ sở kết quả rà soát này, tới đây, vụ việc nào đã giải quyết đúng thì các cơ quan thống nhất trả lời, giải thích, vận động người dân thực hiện. Vụ việc nào chưa giải quyết đúng thì địa phương tự xem lại, hoặc Thanh tra Chính phủ báo cáo kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ trì xem xét lại…

Ngoài ra, theo tôi, nếu công tác phòng, chống dịch không thực hiện tốt sẽ xuất hiện các khiếu nại, tố cáo mới liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ không công bằng, thiếu minh bạch…

Vì thế, Tổng Thanh tra đã giao Ban Tiếp công dân Trung ương, các cục địa bàn nắm chắc tình hình và xây dựng phương án. Riêng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã xây dựng phương án để đón tiếp người dân sau dịch, cũng như phối hợp với địa phương rà soát các vụ việc.

Chúng tôi đã kiến nghị Tổng Thanh tra xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để tránh chuyển đơn lòng vòng, gây khó khăn cho người dân, cơ quan giải quyết, làm phức tạp thêm tình hình.

Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Thanh tra chỉ đạo tăng cường tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương phía Nam; đề xuất tiếp dân trực tuyến.

Là cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm?

Quan điểm của tôi, để khiếu nại, tố cáo tiếp tục giảm thì các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương phải thống nhất “4 đến cùng”.

Đầu tiên là giải quyết đến cùng. Tức là, phải tập trung giải quyết đến cùng vụ việc chứ không phải chỉ hết thẩm quyền.

Thứ hai là giải thích đến cùng. Tiếp dân, giải quyết đúng pháp luật, thấu lý đạt tình rồi mà người dân vẫn tiếp khiếu thì giải thích đi, giải thích lại. Đừng bắt người dân phải hiểu biết như cán bộ.

Thứ ba là hỗ trợ đến cùng. Như khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, khiến họ không có công ăn việc làm... thì hỗ trợ đến cùng, bảo đảm an sinh cho người dân.

Thứ tư là xử lý vi phạm đến cùng. Người dân làm sai thì xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải xử lý đến cùng cán bộ vi phạm. Không thể cán bộ vi phạm chỗ này thì chuyển sang vị trí khác tương đương, thậm chí lên cao hơn.

Để làm tốt căn cơ, ngoài hoàn thiện pháp luật thì công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Nhà nước rất quan trọng như công khai dự án, quy hoạch…

Khi thực hiện những dự án phát triển kinh tế - xã hội, người dân bị ảnh hưởng quyền lợi mà chưa đồng tình cao thì phải biết chờ đợi, lắng nghe, vận động để người dân ủng hộ. Còn mang quyền lực của Nhà nước để áp đặt, cưỡng chế thì hệ quả sẽ như những vụ việc phức tạp mà đến giờ chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Theo Thu Hằng/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)