Thông tin mới nhất vụ thai phụ bị chồng ở Hải Dương bạo hành dã man phải trốn về Kiên Giang, ngày 22/5, trao đổi với báo chí, chị Bùi Thị Tuyết Giao (SN 1987, trú tại xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho biết, đã nộp đơn ly hôn với chồng là Trần Văn Luân (SN 1986, trú tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) ra Tòa án nhân dân huyện Kim Thành. Công an huyện Kim Thành (Hải Dương) đã hỗ trợ chị Giao làm thủ tục ly hôn.
|
Chị Giao làm việc với cơ quan công an. |
Vào cuộc điều tra, Công an huyện Kim Thành xác định, chị Giao lấy Trần Văn Luân từ tháng 4/2021 và sinh sống tại thôn Quỳnh Khê 2, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành. Hai người đã có 1 con chung và hiện chị Giao đang mang thai con thứ 2 được 7 tháng.
Quá trình làm việc, Luân khai nhận do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, nghi ngờ chị Giao ngoại tình nên đã đánh đập, bạo hành vợ bằng nhiều cách khác nhau trong thời gian dài, kể cả khi vợ đang mang thai tháng thứ 7. Luân dùng lược, thắt lưng da… vụt vào người chị Giao, gây nên các vết thương trên khắp cơ thể.
Trao đổi về việc chị Giao đơn phương nộp đơn ly hôn chồng sau khi bị bạo hành, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo hành, bạo lực gia đình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, trong đó có vợ, chồng trong các cuộc hôn nhân
Do đó, hành vi bạo hành vợ của Trần Văn Luân trước tiên là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình (có hành vi bạo lực gia đình, không tôn trọng danh dự nhân phẩm, sức khỏe của vợ...), vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ra thương tích cho người vợ, có dấu hiệu hình sự. Hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm pháp luật hình sự cũng là căn cứ để người vợ có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn.
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, việc ly hôn có thể là đồng thuận (cả hai người đều đồng ý ly hôn) hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên (đơn phương ly hôn).
Trong trường hợp một bên yêu cầu ly hôn, phải xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì tòa án sẽ giải quyết cho đơn phương ly hôn.
Một trong những căn cứ để cho thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng là xảy ra bạo lực gia đình kéo dài, đã được khuyên can, hòa giải của gia đình, bạn bè hoặc cơ quan, đoàn thể hoặc chính quyền địa phương nhưng hành vi bạo lực vẫn diễn ra. Trường hợp vợ chồng đã sống ly thân, không quan tâm chăm sóc lẫn nhau, kinh tế riêng biệt, ốm đau bỏ mặc, mặc dù đã được hòa giải khuyên can nhưng sự việc vẫn diễn ra thì cũng được xác định là tình trạng hôn nhân trầm trọng, là căn cứ để tòa án giải quyết cho đơn phương ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành, Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn; Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Trong những vụ việc bạo hành nghiêm trọng, kéo dài, khi nạn nhân có đơn đề nghị xem xét giải quyết ly hôn, tòa án sẽ thụ lý và giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật. Khi giải quyết ly hôn, tòa án sẽ giải quyết vấn đề về quyền nuôi con và có thể giải quyết yêu cầu chia tài sản chung khi các bên không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung vợ chồng và đương sự có yêu cầu.
Đối với vấn đề nuôi con trong vụ việc này nếu người phụ nữ có đơn yêu cầu, tòa án sẽ giao con cho mẹ nuôi vì đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi, người đàn ông này còn có nhiều con riêng khác nên cuộc sống rất phức tạp, ngoài ra người đàn ông này có thể bị tạm giam, bị xử phạt tù vì hành vi cố ý gây thương tích đối với nạn nhân nên cũng không có điều kiện để chăm sóc đứa trẻ.
Nếu người đàn ông này có yêu cầu được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn, tòa án cũng sẽ không chấp nhận vì không đủ điều kiện đảm bảo cho đứa trẻ được phát triển tốt về thể chất, về tinh thần và điều kiện học tập.
Đối với vấn đề chia tài sản chung vợ chồng, pháp luật quy định tài sản chung vợ chồng sẽ chia đôi nhưng trên cơ sở nguyên tắc có tính đến nguồn gốc, công sức đóng góp, hoàn cảnh của mỗi bên và đặc biệt là có tính đến yếu tố lỗi khiến hôn nhân tan vỡ.
Theo quy định của pháp luật, người nào có lỗi, vi phạm nghĩa vụ vợ chồng sẽ phải chịu thiệt khi chia tài sản chung vợ chồng. Bởi vậy, nếu người phụ nữ này có đơn yêu cầu ly hôn mà vấn đề tài sản chung không thỏa thuận được cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng và đề nghị xác định lỗi của người chồng khiến cho việc ly hôn xảy ra để có lợi thế hơn khi yêu cầu tòa án phân chia tài sản.
Ly hôn là quyền của vợ, của chồng trong cuộc sống hôn nhân theo quy định của pháp luật. Bởi vậy trong vụ việc này nếu người vợ thấy rằng không thể tha thứ được cho người chồng, thấy bản thân mình không có hạnh phúc, không thể an toàn khi sống chung với người đàn ông này thì có thể làm đơn đề nghị tòa án xem xét cho ly hôn. Việc đề nghị ly hôn có thể được giải quyết đồng thời với việc tố giác tội phạm hoặc sau khi vụ việc có dấu hiệu hình sự được giải quyết.
Liên quan vụ việc chị Giao tố chồng bạo hành, hiện Công an huyện Kim Thành (Hải Dương) đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám định tỷ lệ thương tích và tiếp tục làm việc với những người có liên quan để làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xét xử vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong