Người ta gọi bức tượng Địa tạng vương bồ tát đặt trong khuôn viên Quan Âm tu viện (tọa lạc tại đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 3, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) là “ông Phật đen”. Xung quanh “ông Phật đen” có nhiều thắc mắc: Tại sao tượng lại được sơn phết toàn màu đen từ đầu đến chân? Lý do sao phải di dời bức tượng từ nghĩa trang Đô Thành Sài Gòn (cũ) về Quan Âm tu viện Biên Hòa?
Dựng tượng Địa tạng vương để trấn yểm ma quỷ?
Công viên Lê Thị Riêng (đường CMT8, Q.10, TP.HCM) là trung tâm vui chơi, giải trí quen thuộc của người dân TP.HCM. Tiền thân công viên là nghĩa địa Đô Thành (sau đổi tên thành nghĩa trang Chí Hòa) từ lâu đã “nổi tiếng” với những lời đồn đại đầy ám ảnh về ma quỷ.
Nghĩa trang Đô Thành trước năm 1975 có diện tích rộng gần 30 hec-ta. Theo các cụ lớn tuổi cư trú gần nghĩa trang, tại đây sau trận chiến khốc liệt tết Mậu Thân 1968, xác lính của cả hai bên (quân giải phóng và Việt Nam Cộng hòa) nằm la liệt mà hầu như không có thân nhân đến nhận. Chính quyền Sài Gòn không biết xử lý làm sao với hàng ngàn xác người sắp phân hủy, lo ngại ảnh hưởng môi trường sống nên cho đào một cái hố lớn trong nghĩa trang Đô Thành để chôn tập thể.
Dù hố đào rất sâu nhưng do chôn cùng lúc số lượng xác lớn nên mùi hôi thối vẫn bốc lên suốt cả tuần. Người dân xứ Bắc Hải – Chí Hòa năm đó phải đóng kín cửa nhà hoặc tạm lánh nơi khác, chờ mùi tử khí tan bớt mới dám trở về nhà.
Từ đó, lời đồn các oan hồn hiện về than khóc ngày càng rầm rộ và lan rộng khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Thấy sự việc như vậy nên hội Phật tử Long Hoa Sài Gòn mới xây một cái miếu nhỏ để thờ cúng và tụng kinh cầu siêu nhưng cũng không công hiệu. Người trong hội Long Hoa bắt đầu suy nghĩ và tìm người để đắp tượng Địa tạng. Hội Long Hoa mời ông Mai Lân, một nhà điêu khắc làm tượng Phật nổi tiếng ở Sài Gòn. Tượng được làm theo quy cách chiều ngang 0,75m, đế cao 3m, chất liệu là nguyên khối đá Italia đen nặng gần chục tấn.
Công việc làm tượng bắt đầu từ năm 1971 do ông Mai Lân cùng 5 thợ đắp. Đến ngày đem tượng ra ráp, ai cũng ngỡ ngàng vì toàn thân pho tượng láng bóng đen tuyền, cứ như có ai đó mài. Sau đó, tượng được đem về nghĩa trang Đô Thành chọn một chỗ để dựng. Chuyện lạ xảy ra mọi người đều chứng kiến: Khi xe cẩu đưa tượng đặt lên đế cao 3m, tượng tự xoay về hướng đông rồi đứng vững, mà không hề có bàn tay ai di chuyển.
Từ khi dựng tượng Địa tạng thì mọi chuyện về “người âm” quấy rầy người dương thế đều êm lặng và không còn rần rần nữa. Tuy nhiên, những lời đồn đại huyền bí lại bắt đầu dồn về bức tượng toàn thân màu đen. Cụm từ “ông Phật đen” cũng bắt đầu được gọi từ đây.
|
Tượng “ông Phật đen” nặng gần 10 tấn, có màu sắc đen tuyền từ đầu đến chân tượng. |
Hành trình di dời “ông Phật đen” từ Sài Gòn về Biên Hòa
Sau 30/4/1975, cư dân Sài Gòn dần trở nên đông đúc hơn nên việc tồn tại một khu nghĩa trang rộng lớn giữa lòng thành phố là bất cập. Bắt đầu từ năm 1980, UBND TP.HCM có chủ trương và kế hoạch giải tỏa nghĩa trang Đô Thành để xây dựng công viên Lê Thị Riêng, mang tên người chiến sĩ cách mạng hy sinh năm 1968, vì thi hài bà cũng được an táng tại nghĩa trang này.
Nhưng có một điều kỳ lạ là sau khi bốc hết các hài cốt và san bằng toàn bộ khu nghĩa trang mà bức tượng Địa tạng vương vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Điều này khiến cho người dân tiếp tục đồn thổi về sự linh thiêng của bức tượng đen “bí ẩn”. Người ta đồn nhau rằng, đơn vị thi công cho xe đến ủi hoặc đập cho bể tượng nhưng tất cả xe ủi đều bị “chết máy”, không chạy tới lui được. Có người bực mình lấy gạch, đá ném thẳng vào tượng, về nhà không bao lâu phát bệnh mà chết (?).
Vì sự linh ứng của bức tượng nên có rất nhiều chùa chiền khắp nơi muốn xin “rước” tượng Địa tạng về chùa mình nhưng chính quyền Quận 10 chỉ chấp thuận đơn của Quan Âm tu viện ở Biên Hòa. Quan Âm tu viện được xây dựng từ năm 1966, là trụ sở của Liên tông Tịnh độ non bồng, một pháp môn có hàng chục ngàn phật tử theo để tu học.
Được sự giới thiệu của sư trụ trì Quan Âm tu Viện, chúng tôi liên hệ bà Võ Thị Mười (vốn là phật tử của Quan Âm tu viện), người được sư bà trụ trì giao nhiệm vụ đi rước tượng “ông Phật đen” để tìm hiểu thêm thông tin về hành trình di dời bức tượng từ nghĩa trang Đô Thành về Biên Hòa. Bà Mười đã lớn tuổi, không thể nhớ cụ thể từng chi tiết, nhưng may mắn là khoảng năm 2006, bà Mười có đọc cho con cháu của bà ghi lại nội dung câu chuyện bà đi rước tượng tượng Địa tạng để sau này có ai cần tìm hiểu thì còn có tư liệu để tham khảo.
Theo hồi ký của bà Mười thì chiều tối ngày 23/8/1986, sau khi trình đầy đủ giấy tờ cần thiết cho chính quyền Quận 10, bà Mười cùng 5 ông thợ hồ, mang theo búa, đục tập trung đến nghĩa trang. Sau khi thực hiện nghi thức cúng kiến mãi đến 4 sáng mới bắt đầu khởi đục tượng từ đài sen xuống.
5 thợ hồ đục nháng lửa mà không thấm vào đâu. Người dân xung quanh thấy vậy cũng giúp một tay phụ bà Mười di dời tượng, người lo nước uống, người kêu gọi thêm các anh em phật tử và nhân dân thay phiên nhau đục, dần mới lộ ra cây sắt tròn đầu tiên 28 mm. Chính quyền cũng có mặt hỗ trợ tinh thần nhóm phật tử và giữ gìn an ninh, trật tự chung.
Sau khi cắt xong phần sắt chân tượng và thân tượng được cột dây kỹ càng thì xe cần cẩu nâng tượng đặt trên một chiếc xe khác.
Xe chở tượng bắt đầu lăn bánh di chuyển ra khỏi nghĩa trang thì sau lưng có rất đông người dân Sài Gòn chạy xe honda theo để “tiễn đưa” “ông Phật đen” về an tịnh ở Biên Hòa...
Mời quý độc giả xem video về thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):