Giải mã bí ẩn tượng Phật Lồi ở Quy Nhơn

Google News

Mặt sau lưng bức tượng Phật Lồi ở ốc đảo Hải Giang (Xã Nhơn Hải, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định), được xem chứa đựng bí ẩn của 11 dòng minh văn Chăm Pa.

Hải Giang rộng 1,2 km2 có địa thế một bên là núi cao, một bên là biển xanh. Ốc đảo có ngôi cổ tự nằm trên một triền núi bằng phẳng trong dãy núi Phương Mai, tục gọi là Phật Lồi Tự. Dân địa phương chỉ biết nó đã tồn tại ở đây từ rất lâu chớ không biết chính xác chùa được xây dựng từ khi nào. Hiện trong gian chính diện đang thờ pho tượng một Tu sĩ Hời (Chăm). Toàn thân tượng bằng đá màu đen tạo cảm giác kỳ bí, lạ lẫm và thiêng liêng.
Con đường thảm nhựa chạy ven đầm cùng với chiếc cầu vượt biển Thị Nại hiện nối liền Thành phố Quy Nhơn với ba xã bán đảo gồm Nhơn Lý, Nhơn Hội, và Nhơn Hải.
Ðường ra đảo Nhơn Hải hiện rất đẹp nhờ công trình xây dựng cáp treo và khu du lịch sinh thái Hải Giang đang thi công đã thôi thúc chúng tôi làm một chuyến vượt biển ra thăm pho tượng phật lồi tận bên kia dãy núi Phương Mai.
Giai ma bi an tuong Phat Loi o Quy Nhon
 
Từ trung tâm xã bán đảo Nhơn Hải, chúng tôi thuê một chiếc ghe máy nhỏ của ngư dân để ra Hải Giang. Sau 30 phút đi bằng thuyền máy, vượt qua những con sóng hung hãn của mùa biển động liên tục vỗ vào mạn thuyền tung bọt nước trắng xóa, anh ngư dân trẻ khéo léo điều khiển thuyền đi men theo các vách núiđể tiệm cận dãy núi Phương Mai. Dãy núi như đang dần dần trồi lên từ biển sâu, càng lúc càng vươn cao lừng lững trước mặt tôi. Thuyền nhỏ luồn lách giữa các khối đá ngầm, vượt qua Mũi Yến. Một làng chài xuất hiện phía xa xa.
Hải Giang là một đơn vị hành chính cấp thôn, trực thuộc xã bán đảo Nhơn Hải. Xưa nay cư dân làng chài phải sống tách biệt với Quy Nhơn vì giao thông cách trở. Trên đảo, khi chưa triển khai dự án du lịch, hầu như không có bóng dáng ô tô, xe máy. Thậm chí cả xe đạp cũng hiếm thấy trên đường làng.
Thôn Hải Giang có 125 gia đình với khoảng 500 nhân khẩu. Trên đảo chỉ có gần trăm nóc nhà, hầu hết là nhà cấp bốn. Sau lưng làng là dãy núi Phương Mai vươn mình ra hai mặt, một mặt giáp với biển - một mặt hướng về Quy Nhơn. Dãy núi tạo ra một thung lũng bao bọc làng chài nhỏ bên dưới.
Vốn là một làng chài nhỏ, diện tích khoảng 120 hectare, nhiều năm nay, Hải Giang nằm trong vùng quy hoạch khu du lịch sinh thái của tỉnh. Bình Ðịnh đang triển khai chủ trương liên kết với một số nhà đầu tư để biến Hải Giang thành một khu du lịch, vui chơi giải trí đặc biệt với cáp treo và casino, sân golf chín lỗ. Anh Ðặng Thanh Dũng - Bí thư xã Nhơn Hải, kể pho tượng phật lồi có mặt từ rất lâu ở chùa. Dù năm cách Quy Nhơn chỉ khoảng dăm ba hải lý đường biển, Chùa Phong Linh ít được quan tâm đầu tư, giữ gìn, tôn tạo. Trong chùa không có sư sãi. Một người có uy tín trong thôn được giao giữ chìa khóa chùa. Khách hành hương muốn lên chùa thăm thú, chiêm ngưỡng pho tượng tu sĩ đen đều phải nhờ người dẫn đường, mở khóa nhà chùa mới vào bên trong được.
Bí ẩn Phật Lồi
Bản danh mục kiểm kê di sản văn hóa Ðông Dương của các học giả Pháp (1932) hiện còn lưu giữ ở Tỉnh Bình Ðịnh. Minh văn Chăm Pa có trên 170 bản thì bảo tàng tại Bình Ðịnh đã thống kê được 19 minh văn.
Năm 1994, trong quá trình trùng tu khu du lịch tháp đôi Quy Nhơn, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện một minh văn hình trụ. Tượng Phật Lồi Hải Giang là minh văn thứ hai mới được phát hiện sau này.
Giai ma bi an tuong Phat Loi o Quy Nhon-Hinh-2
 Cụ Ðoàn Nghiệp dẫn đường cho tác giả lên Chùa Phật Lồi.
Chùa Phật Lồi còn có tên chữ là Linh Sơn Cổ Tự. Ban hộ tự được dân làng chài bầu theo nhiệm kỳ hai năm để có người chăm sóc, lễ bái. Ngoài hai ngày rằm và mùng một (âm lịch) hằng tháng, chùa chỉ có một ngày tế lễ lớn hằng năm vào rằm tháng giêng âm lịch.
Chùa Phật Lồi được tạo dựng từ khi người Hải Giang tình cờ phát hiện tượng Phật bằng đá từ dưới đất lồi lên trên ruộng canh tác dưới chân đồi cách nay khoảng 200 năm.
Ngày nay chùa tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc dãy núi Phương Mai, cách địa điểm phát hiện tượng khoảng 300m về phía tây. Lúc đầu chùa được xây dựng để thờ Phật Lồi. Sự linh thiêng của chùa khiến một số thiện nam tín nữ phát tâm cúng dường cho chùa một số tượng Phật và tượng Bồ Tát khác bên cạnh việc tu bổ.
Trải qua nhiều thế hệ con cháu gìn giữ tu bổ tôn tạo, ngôi chùa đã gắn với những câu chuyện huyền bí, những giai thoại dân gian kỳ thú.
Nặng kỳ lạ
Năm 1945, thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân Nhật ở Việt Nam chuẩn bị rút quân về nước. Một viên sĩ quan Nhật phát hiện tại Linh Sơn có một tượng phật màu đen bóng. Ông ta dẫn theo một toán lính đi thuyền sang và dự định mang bức tượng tu sĩ về Nhật để nghiên cứu.
Viên sĩ quan này cũng cho rằng đó là pho tượng đồng đen. Khi sai lính khiêng tượng xuống thuyền, bức tượng bỗng trở nên nặng một cách kỳ lạ, không thể di chuyển được. Viên quan Nhật tức giận tuốt kiếm chém đứt một phần chiếc mũi của pho tượng rồi đành trở về tay không. Vết chém ấy vẫn còn dấu tích đến ngày nay như trong ảnh đính kèm.
Năm 1999, tại đảo Hải Giang xuất hiện một nhóm người lạ từ thành phố sang tìm đồng đen. Một đêm cả bọn khoảng bốn năm tên lẻn vào chùa, phá khóa gian thờ chính diện - nơi có pho tượng phật lồi. Chúng khiêng pho tượng xuống núi, định đưa về Quy Nhơn để tiêu thụ.
Thấy tượng cổ có màu đen bóng như đồng đen, bọn trộm quyết tâm lấy cho được pho tượng. Ðêm ấy chúng đã cố hết sức khiêng pho tượng đi. Di chuyển được vài trăm mét, chúng không tài nào di chuyển pho tượng Chăm nhỏ bé thêm được tấc nào nữa. Không đưa được pho tượng xuống thuyền, bọn trộm đồ cổ dùng búa chặt đứt đầu tượng tu sĩ để xem phía bên trong có kim loại đồng đen hay vàng bạc gì không. Thấy tượng chỉ tạc bằng đá đen, bọn chúng thất vọng bỏ đi.
Một thời gian ngắn sau đó, từng tên trộm hôm ấy đã lần lượt gặp tai nạn và chết. Người thì đánh cá bằng mìn bị mìn nổ ngay trên tay; kẻ khác bị tai nạn giao thông chết
Cứ vào các ngày rằm, lễ tết, dân trên đảo lại lên chùa thắp hương cúng vái, sau đó xin bùa tượng tu sĩ. Họ dùng bột phấn màu đỏ bôi vào tấm bia sau lưng tượng tu sĩ, áp giấy bổi và in ra 11 dòng chữ bí hiểm rồi mang về treo trong nhà để trừ tà ma.
Bồ Tát qua lăng kính Chăm Pa
Theo các nhà nghiên cứu di tích Bình Ðịnh, tượng Phật Lồi thực chất là một tác phẩm điêu khắc Chăm Pa bằng đá sa thạch màu đen, cao 80 cm, ngang 46 cm, được chế tác dưới dạng một vị Bồ Tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng, tay phải lần tràng hạt, tay trái đặt ngửa trên hai chân. Khuôn mặt Phật trầm tư nhìn thẳng, cằm hơi nhọn, trán cao, mắt nhỏ, miệng rộng, ria mép rất dày, râu dài vuốt nhọn, đầu đội mũ hình trụ cao, có khắc bùa gọi là Omkar, tượng trưng cho vũ trụ quan.
Ðây là một quan niệm xuất phát từ Ấn Ðộ Giáo. Trên trán Phật Lồi có ba vạch ngang nằm song song tượng trưng cho ba ngôi (Shiva, Visnu, Brahma). Thân tượng trần, có hình dải vải nhỏ vắt chéo qua vai trái, bụng Phật Lồi đeo một dải thắt lưng bằng kim loại.
Ðáng chú ý, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác, đỉnh nhọn, cao 60 cm, rộng 45 cm, có 11 dòng chữ Phạn cổ. Ðược dân làng mặc y phục (áo cà sa màu vàng), đội mũ nên tượng Bồ Tát Hải Giang ít được xem tường tận. Minh văn bị che kín trong những lớp vải y phục của pho tượng, đến nay vẫn chưa được các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng giải mã.
Theo các nhà chuyên môn, trong tín ngưỡng Ấn Ðộ Giáo, các vị Phật và các Bồ Tát là những vị thần trong hệ thống chung của các vị thần truyền thống của văn hóa Ấn Ðộ. Phật được xem là hóa thân của Vishnu và tượng Phật cũng mang những đặc trưng của Vishnu như ngồi dưới tán rắn Naga bảy đầu, hoặc cũng pha trộn cùng đặc trưng của Shiva với con mắt thứ ba trên trán.
Tuy nhiên, chúng ta thường quen với cách nhìn Phật Giáo như một tôn giáo độc lập và quen với ảnh, tượng ở các chùa Việt Nam vốn tồn tại cả nghìn năm nay. Do vậy, nhiều người cảm thấy lạ khi gặp các tượng Phật, tượng Bồ Tát trong kiểu dáng khác thường. Thay vì ngồi xếp bàn thiền định trên tòa sen, tượng Phật hoặc Bồ Tát có dáng ngồi buông thõng hai chân hoặc co một chân, đưa đầu gối lên gần cằm; hoặc các tượng Bồ Tát Quan Âm lẽ ra có y phục kín đáo thì ở nghệ thuật điêu khắc Chăm lại tạc ngực trần, cặp vú lớn nổi bật trong bố cục. Tượng Bồ Tát ở chùa Phật Lồi Hải Giang cũng vậy.
Giới chuyên môn ở Bình Ðịnh nhận định đây là pho tượng mang phong cách Chăm muộn, chữ khắc trong văn bia giống văn bia tháp Pokrong Garai (Ninh Thuận), có niên đại khoảng Thế kỷ XI-XIII.
Tượng Phật Lồi ở Hải Giang là pho tượng duy nhất được biết ở Tỉnh Bình Ðịnh, tượng gắn với văn bia sau lưng là một loại hình hiếm thấy trong điêu khắc Chăm Pa cổ. Một di sản rất cần được bảo tồn, nghiên cứu, giải mã, nhận diện và xác định giá trị lịch sử. Ðến nay, mong ước ấy vẫn chưa được ngành văn hóa quan tâm thấu đáo.
Ðất võ Bình Ðịnh ngàn năm trước từng là kinh đô của Vương quốc Chăm Pa. Nơi đây còn lưu lại dấu tích của một nền văn minh cổ đã bị mai một. Những cuộc khai quật tự phát của dân địa phương và các cơ quan văn hóa, bảo tàng trong hàng chục năm nay đã phát hiện nhiều di vật Chăm cổ. Cư dân địa phương trong lúc canh tác tình cờ tìm thấy những buồng cau, lá trầu và những vật dụng thờ cúng bằng vàng.
Nhiều tượng chăm cổ có hình voi, bò, rắn, thủy quái nằm dưới lòng đất từ hàng ngàn năm cũng được phát hiện. Các công trình nghiên cứu sử học và khảo cổ học cho thấy Bình Ðịnh trước đây là một trong những địa phương thuộc cư dân tiền sử Sa Huỳnh và sau này là một trong những tiểu vùng của Vương quốc Chăm Pa. Quy Nhơn cũng thuộc vùng đất Vijava (từ Thế kỷ 11 đến 15, từng là kinh đô của Vương quốc Chăm Pa (1000 - 1471).
Ở Bình Ðịnh có nhiều phế tích của văn hóa Chăm, một số giếng cổ hình vuông; rắn naga; trụ văn bia; tượng thần điểu Garuda; phù điêu Lăng Ông; khu mộ cổ, tượng tu sĩ. Có lẽ bức tượng đen tuyền tại Hải Giang cũng là một trong những di sản văn hóa Chăm độc đáo.
Theo Nguyễn Tấn Tuấn/Tiền Phong

Bình luận(0)