Bão số 12 tiếp tục mạnh lên, TP.HCM cấm tàu thuyền ra khơi

Google News

(Kiến Thức) - Để ứng phó với cơn bão số 12, TP HCM vừa ban lệnh cấm tàu thuyền. Các tỉnh thành nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Damrey đã sẵn sàng các phương án phòng chống bão.

Bão số 12 tiếp tục mạnh lên
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào 16 giờ hôm nay (2/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và tiếp tục mạnh lên.
Đến 16 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.
Bao so 12 tiep tuc manh len, TP.HCM cam tau thuyen ra khoi
 Hướng di chuyển của bão số 12.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 11-15 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 và yếu dần. Đến 16 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho hay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên từ ngày mai (3/11), ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Từ đêm nay (02/11), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Trong đêm nay và ngày mai, ở vùng biển ngoài khơi phía Nam các tỉnh từ Trà Vinh đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang tiếp tục có mưa dông, gió giật cấp 6-7.
Từ chiều và đêm mai (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Sẵn sàng các phương án phòng chống, ứng phó bão 12
Để ứng phó bão số 12, sáng 2/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 có tên Damrey (Con Voi), Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Damrey cần sẵn sàng các phương án phòng chống, thông báo cho tàu thuyền hướng đi của bão.
Rút kinh nghiệm bài học từ cơn bão số 11, các địa phương cần tránh tình trạng cây đổ, thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, tập trung lực lượng tại các điểm dễ ngập úng để chủ động xử lý khi ngập lụt.
Bao so 12 tiep tuc manh len, TP.HCM cam tau thuyen ra khoi-Hinh-2
 Uỷ viên TT BCĐ Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT ông Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân, giám sát bảo vệ các công trình đê biển đang xây dựng và theo sát các công trình hồ thủy điện, thủy lợi.
Các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ thủy điện, thủy lợi. Lực lượng công an phối hợp địa phương tuần tra canh gác đảm bảo an toàn khu vực di dân cũng như khu vực dân đến; chủ động cho học sinh nghỉ học. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai sẽ báo cáo tình hình cơn bão số 12 tới Chính phủ để có điều hành sát sao.
TP. HCM cấm tàu thuyền ra khơi
Để chủ động ứng phó bão số 12 ảnh hưởng đến TP.HCM, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các sở-ngành, quận-huyện, phường–xã, thị trấn triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi cơ quan, đơn vịnhằm chủ động ứng phó, phòng tránh bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM cần thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn TP; theo dõi diễn biến của hai cơn áp thấp nhiệt đới, sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin, liên lạc với các thuyên trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biên và dân cư ven biển, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các điếm xuất bến, các khu neo đậu tàu thuyền tại từng xã - thị trấn.
Chủ tịch UBND các quận-huyện, phường-xã, thị trấn chịu trách nhiệm huy động vật tư, phương tiện, lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, bộ đội, công an... giúp nhân dân chằng chống nhà cửa trước áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương; chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư…
UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn; đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật.
Mới đây, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động trước diễn biến của bão số 12.
Sở Giao thông vận tải TP, Cảng vụ Hàng hải Thành phố và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1h ngày 3-11 cho đến khi có lệnh mới.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cũng đề nghị Công an TP và các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn gây ra.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)