Thông tin mới nhất về tình hình cơn bão số 12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa-Đắc Lắk-Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cho hay, cơn bão số 12 sau khi đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa với vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15 rạng sáng nay đã tiếp tục tiến vào tỉnh Lâm Đồng với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 kèm mưa vừa và nhỏ. Trong sáng ngày 4/11, cơn bão số 12 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng.
|
Tàu vỏ thép mang số hiệu SH PY 92369-TS của Phú Yên bị đứt dây neo trôi dạt trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Báo Bình Định.
|
Ghi nhận tại TP Đà Lạt, từ 10h trưa ngày 4/11, thành phố có mưa lớn, gió giật cấp 7, nhiều cây xanh đã bị quật đổ, bật gốc.
Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Lâm Đồng vừa có thông báo khẩn đề nghị Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố và tất cả các đơn vị trường học trong toàn tỉnh thông báo đến phụ huynh, học sinh được nghỉ học trong ngày 4/11 để tránh bão. Các trường có kế hoạch dạy bù để đảm bảo thực hiện đúng chương trình.
Tại Đắk Lắk, từ sáng ngày 4/11, do ảnh hưởng từ cơn bão số 12, một số địa phương như huyện Krông Bông, M’Đrak, Ea Kar, Krông Năng, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột đã có gió giật mạnh, mưa lớn. Một số nhà dân đã bị tốc mái. Hiện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện M’Đrak đã khẩn trương di dời các hộ dân ở Buôn Lêch, xã Krông Jin ra khỏi vùng nguy hiểm.
Về tình hình thiệt hại do bão, báo cáo nhanh của tỉnh Phú Yên, bão số 12 khiến 5 người mất tích ở huyện Tuy An và Đông Hòa, 4 người bị thương; thống kê chưa đầy đủ 16 nhà sập hoàn toàn, gần 1.000 nhà hư hỏng, tốc mái, siêu vẹo, 30 tàu thuyền chìm, nhiều lồng tôm hùm bị cuốn trôi.
Tại tỉnh Bình Định, hiện có 6 tàu hàng neo đậu ngoài phao số 0 Cảng Quy Nhơn (cách bờ 5km) bị sóng đánh chìm. Trên các tàu có khoảng 61 thuyền viên bị cuốn trôi xuống biển, trong đó có 5 của Việt Nam, 1 tàu của nước ngoài.
|
Bão số 12 đi đến đâu, cảnh tan hoang đến đó. |
Hiện tỉnh Bình Định đã huy động tổng lực ra cứu nạn và tính đến 11h trưa 4/11 đã đã cứu được 25/61 thuyền viên. Do sóng biển lớn, gió lớn, nên phương tiện cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, cho biết, đến thời điểm này, toàn thành phố đã có 4 người mất tích trên biển, trong đó, có 2 người ở phường Hải Cảng, 1 người ở KV5, phường Nhơn Bình và 1 người ở xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ). Nguyên nhân mất tích do bị sóng đánh chìm trong quá trình đi kiểm tra bè nuôi tôm ở vùng biển thuộc phường Hải Cảng vào lúc 4 giờ sáng cùng ngày.
Tại tỉnh Khánh Hòa, báo cáo mới nhất cho biết, đến thời điểm này có 4 người chết, 5 người bị thương do bão. Tại vịnh Cam Ranh, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), trưa ngày 11/4, hàng chục tàu đánh cá của ngư dân đã bất ngờ bị sóng lớn đánh chìm, hoặc hư hỏng. Tại phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), lực lượng chức năng vừa tìm thấy thi thể chị Nguyễn Thị Thu Thủy (35 tuổi, ở tổ dân phố Hòa Do 5A, phường Cam Phúc Bắc). Chị Thủy tử nạn sau khi bị lật xuồng.
Tại tỉnh Phú Yên, thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1 người chết tại huyện Đồng Xuân, 5 người mất tích (huyện Tuy An 1 người, Đông Hòa 4 người) và 4 người bị thương ở TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 50 tàu cá bị chìm; 2 lồng nuôi tôm hùm bị cuốn trôi; 16 nhà bị sập; khoảng 1.000 ngôi nhà bị tốc mái…
Trước đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, báo cáo của BCH PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, thiệt hại ban đầu do bão số 12 gây ra như sau: 01 nhà bị sập, 4 nhà bị tốc mái; 01 tụ điện bị chập. Các địa phương đang rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Theo báo cáo lúc 07h ngày 04/11/2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do ảnh hưởng của bão số 12 đã làm: 04 đường dây tại khu vực Khánh Hòa, Phú Yên thuộc lưới điện 220kV, 500kV bị sự cố; 14 đường dây 110kV khu vực Bình Định đến Khánh Hòa và 10 trạm biến áp 110kV thuộc Phú Yên và Khánh Hòa bị mất điện. Hiện nay, khu vực Khánh Hòa: Mất điện toàn bộ tỉnh, trừ tp.Cam Ranh; Khu vực Phú Yên: Mất điện toàn tỉnh; Khu vực Bình Định: Mất điện khu vực Phú Tài, Phú Cát. Theo báo cáo ngày 04/11/2017 của Bộ Giao thông vận tải: đường sắt Phú Yên đang bị phong tỏa, hiện 6.000 người ở ga Nha Trang.
Trên biển, 2 tàu vận tải (Biển Bắc 16, Hoa Nam 68) trên khu vực biển Bình Định bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn, hiện đã cứu vớt được 3 người. Tàu vận tải Jupiter quốc tịch Campuchia bị hỏng máy, trôi dạt, 7 người đã dời tàu. 4 người trên bè cá tại Quy Nhơn bị rơi xuống biển, đã cứu được 2 người, còn lại 2 người đang trôi dạt.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến sáng 4-11 đã thông báo, kiểm đếm là 62.714 tàu thuyền với 301.004 lao động và 3.277 lồng bè với 9.362 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động phòng, tránh.
Công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 12
- Ngày 01/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1659/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung, Tây Nguyên và các Bộ ngành triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ khu vực miền Trung.
- Ngày 03/11/2017; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 12 tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.
- Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo TƯ về PCTT Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo TWPCTT phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam vào ngày 02/11 và Bình Thuận, Ninh Thuận vào ngày 03/11.
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã cử đoàn công tác do Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa – Chánh Văn phòng làm trưởng đoàn tham gia chỉ đạo ứng phó với bão.
- Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có công văn gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây nguyên đề nghị tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến, công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó bão số 12. Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có công văn số 394/PCTT-QLĐĐ ngày 02/11/2017 gửi UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông đang thi công dở dang, xung yếu, bảo vệ khu dân cư.
- Cục Dân quân tự vệ - Bộ Quốc phòng đã triển khai lực lượng phối hợp với các địa phương tổ chức chặt tỉa cành cây, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa chống bão.
- Các Bộ Công thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với bão;
- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tăng cường các bản tin dự báo, nhận định sớm về tình hình mưa lũ lớn để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó; đã có bản tin số 640/DBTƯ ngày 01/11 nhận định về tình hình mưa lũ đặc biệt lớn và kéo dài nhiều ngày trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên từ ngày 03-08/11/2017.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục phát tin về tình hình ATNĐ, mưa, lũ để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó.
- Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TWPCTT tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo và đôn đốc các địa phương.