Thời gian qua, lực lượng công an Việt Nam liên tiếp phát hiện, triệt phá các băng nhóm Trung Quốc hoạt động tội phạm ở Việt Nam. Điển hình là hàng loạt vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận như 5 đối tượng Trung Quốc sử dụng căn nhà 4 tầng số 3, phố Lê Minh Trung (Đà Nẵng) làm “phim trường”, thuê một số cô gái trẻ người Việt nhẹ dạ (trong đó có cả người dưới 16 tuổi) làm “diễn viên” đóng "phim con heo" để tổ chức quay trực tiếp các video, clip sexy, kích dục, quan hệ tình dục, phát trực tiếp về Trung Quốc để thu tiền của những người có nhu cầu xem; vụ 34 người Trung Quốc có hành vi thuê trọn khách sạn ở Đà Nẵng để thực hiện các hoạt động trái phép qua Internet; nhóm người Trung Quốc nằm trong đường dây sản xuất ma túy "khủng" ở tỉnh Kon Tum và Bình Định; 28 đối tượng người Trung Quốc điều hành sàn chứng khoán giả tại TP Móng Cái, Quảng Ninh; 380 người Trung Quốc vận hành đường dây đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City , TP Hải Phòng...
Dù biết rằng, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có các băng nhóm người nước ngoài, trong đó có băng nhóm phạm tội người Trung Quốc hoạt động và những vụ người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam đều bị lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện xử lý kịp thời. Tuy nhiên, quá nhiều vụ việc vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người Trung Quốc khiến dư luận vô cùng bức xúc và cho rằng, không thể chủ quan trước thực trạng trên.
|
Gần 400 đối tượng người Trung Quốc tham gia điều hành, tổ chức đường dây đánh bạc qua mạng tại Hải Phòng. |
Đồng thời dư luận đặt ra vấn đề nguyên nhân vì sao các đối tượng người Trung Quốc thường lợi dụng Việt Nam để thực hiện các hoạt động phi pháp và các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp gì để tăng cường quản lý, hạn chế tội phạm từ nhóm người Trung Quốc lưu trú tại Việt Nam để thực hiện các hành vi phạm pháp?
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng, hành vi nhiều nhóm đối tượng người Trung Quốc phạm pháp khi lưu trú tại Việt Nam là đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
“Trong khối bang giao của Việt Nam trên các phương diện, quan hệ đối thoại, hợp tác quốc tế với tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt quốc gia nào. Việc tham gia các bang giao trên thế giới để hợp tác, giúp đỡ, đôi bên cùng có lợi, trong đó có Trung Quốc. Trong khi đó, vấn đề quan hệ bang giao với Trung Quốc là vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết trong điều kiện hiện nay. Bởi không chỉ cùng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, chúng ta và Trung Quốc còn sông liền sông, núi liền núi và biển Đông. Do vậy, việc người Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời gian qua có nhiều nhóm người Trung Quốc vào Việt Nam thực hiện những hành vi phạm pháp rất đáng phải lên án, phải xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
“Đồng thời, phải cần những giải pháp ngăn ngừa, phòng ngừa những người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, trong mối quan hệ đó phải kiểm soát chặt chẽ trong việc cấp visa cho những người Trung Quốc vào Việt Nam. Phải làm rõ họ vào Việt Nam vì mục đích gì, thời gian ở lại Việt Nam bao lâu, làm những việc gì”, Đại biểu Hòa nói.
Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên trong lĩnh vực kiểm tra hộ chiếu của những người Trung Quốc vào Việt Nam để quản lý chặt chẽ nhóm người nước này.
“Việc này nhằm để biết, những người Trung Quốc đến Việt Nam ở bao lâu, làm gì, nhất là thời gian họ lưu trú tại Việt Nam. Như việc người Trung Quốc vào Việt Nam du lịch thì thời gian 10 ngày, nửa tháng là buộc phải về nước. Chứ không phải sang du lịch rồi ở luôn, xin gia hạn rồi thành nhóm người rất đông thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, Đại biểu Hòa cho hay.
Đồng thời, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, khi nhóm người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
“Không thể nào cứ vi phạm là dẫn độ họ về nước. Không thể bao che, dung túng cho những đối tượng vi phạm pháp luật, dù đối với người ngoại quốc phải xem xét rất cẩn trọng, khách quan dựa trên các quy định của pháp luật để chúng ta xử lý. Làm sao để xử lý đúng theo quy định pháp luật mà họ không đặt vấn đề bêu xấu hay bài xích nhóm người nước họ”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
|
Nhóm đối tượng người Trung Quốc thuê các cô gái Việt đóng phim sex rồi phát tán lên mạng xã hội nước này kiếm tiền. |
Liên quan tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện các hành vi phạm tội, trao đổi với báo chí, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, đây là quy luật, xu thế của các nước đang phát triển. Nếu nói quá sẽ làm dư luận hoang mang, cho rằng mình không nắm được tình hình để đất nước bị lộng hành thì không đúng. Ngược lại, ta cũng không được chủ quan.
“Các băng nhóm, tổ chức này hoạt động chưa lâu, để lại hệ lụy, hậu quả chưa lớn. Ngay khi các tổ chức tội phạm triển khai, chúng ta đã kịp thời ngăn chặn ngay, như vụ đánh bạc ở Hải Phòng, vụ ma túy ở Kon Tum...”, thượng tướng Võ Trọng Việt nói và cho rằng, muốn tăng cường quản lý phải khảo sát, điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý từ ban đầu, không để xảy ra việc thành lập tổ chức tội phạm hoạt động lan tỏa trên đất nước ta. Trong đó, phải siết chặt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, phải thắt chặt các thủ tục, quy trình, cần tăng cường giao ban, phối hợp trao đổi thông tin giữa các địa bàn để kịp thời nắm tình hình, không để địa bàn nào bị bỏ trống
Đồng thời cảnh báo: “Nếu không kịp thời phát hiện và đấu tranh nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến cả yếu tố quốc phòng, an ninh. Một khi đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dần dần sẽ lợi dụng hoạt động quốc phòng, an ninh. Không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn”.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, Ủy ban Quốc phòng An ninh khi thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã đề nghị Chính phủ có nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan tới quản lý cư trú nhằm quản lý chặt chẽ, tránh để người nước ngoài vào Việt Nam phạm tội. Tuy nhiên, tướng Hồng cũng cho rằng, cái chính là ở các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an.