2 tuần sau khi câu chuyện bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH diễn ra, tôi ghé thăm nhà chú Nguyễn Văn Hưng (68 tuổi, ngụ Nguyễn Hữu Nam, Q.9, TP.HCM). Buổi sáng sớm, mệt nhừ trở về nhà sau ca trực đêm dài, chú vẫn cố tiếp tôi bằng nụ cười hiền hậu.
Hơn 10 ngày qua, bằng sự giúp đỡ của hàng nghìn tấm lòng hảo tâm, chú Hưng đã có đủ số tiền đền bù chiếc xe mất trộm cho khách, số còn lại thì chủ gửi từ thiện,… chú chẳng giữ lại gì cho mình. Vẫn chiếc áo bảo vệ đã rách bản tên, căn trọ 16m2 chui rúc 3 thế hệ, cái sàn nóng rang mỗi buổi ngã lưng sau giờ làm,… chú Hưng không có gì thay đổi ngoài nụ cười niềm vui.
“Người ta gọi điện tới bảo: Con thương chú quá, cho con gửi ít tiền giúp chú. Chú mới nói: Thôi thôi cô cậu ơi, ở đời còn nhiều người khổ hơn tôi nữa nên giữ đó mà giúp đỡ họ. Số tiền dư còn lại chú đã cho chùa, tặng bệnh viện, trường tình thương,… chỉ dám mua cái tủ lạnh cho 2 đứa cháu Ngoại chớ trời nóng quá, tụi nó thèm nước đá…” - chú Hưng cười.
Chú Hưng kể lại câu chuyện buồn của mình.
|
Chú Hưng tuy nghèo vật chất, nhưng lại giàu tinh thần. |
“Tui may mắn nhất đời rồi, nên phần còn lại phải đem chia cho nhiều người khác!”
Vào tối ngày 10/3, trong ca trực tại quán cà phê trên đường Hoàng Hữu Nam (quận 9, TP.HCM), chú Hưng đã bị nhiều đối tượng dàn cảnh, trộm chiếc xe SH hơn 40 triệu đồng của khách. Sự việc nhanh chóng khiến nhiều người xót thương cho hoàn cảnh của ông lão nghèo.
“Một người đàn ông tầm 30 tuổi chạy tới hỏi chú đường về Linh Xuân (Thủ Đức). Chú nghe giọng miền Trung quê mình quen, nghĩ họ không biết đường thật nên thật thà ra chỉ. Thế là họ dàn cảnh che tầm nhìn rồi mấy thằng còn lại bẻ khoá xe, cởi đi hướng khác” - chú Hưng nhớ lại.
Sự việc diễn ra trong chớp mắt khiến chú Hưng chẳng kịp trở tay. Lúc biết mất xe, chú chỉ đứng khóc nức nở. Giá chiếc xe những 40 triệu đồng, đêm đó chú ngồi lẩm nhẩm mãi: mỗi tháng lương 5 triệu, trả tiền nhà hết 2 triệu rưỡi, tằn tiện không ăn uống thì hơn 1 năm là trả đủ. Ấy vậy, cả nhà còn 6 miệng ăn vẫn trông chờ vào đồng lương còi cọc của chú.
“Chú không biết làm gì cả, đành ở thêm 1 tiếng nữa để kiếm thêm 15 ngàn. Về nhà cũng không kể cho vợ nghe vì sợ bả lo. Đêm nào đi làm chú cũng khóc…”
Nhiều người dân thương ông bảo vệ gặp hoàn cảnh éo le nên đã đăng thông tin lên mạng kêu gọi giúp đỡ. Đến tối ngày 12/3, có hàng chục bạn trẻ đã tìm tới quán cafe, gom góp mỗi người 300 nghìn, 500 nghìn cho ông lão.
Chẳng mấy chốc là đủ 38 triệu, chủ xe thấy vậy bèn bớt 2 triệu khiến chú Hưng mừng rớt nước mắt. Sau khi có đủ tiền, dù nhiều nhà hảo tâm vẫn tìm tới nhưng chú Hưng đành từ chối, “các cô cậu có thương thì dành số tiền đó cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.
“Sáng ngày 13/3 thì có hai cô nữa mới gọi điện tới, bảo: Chú ơi chú, con lỡ nhận tiền ủng hộ của người ta rồi nên chú nhận giúp con. Chú đành nhận số tiền này, nhưng hẹn hai cô ấy là chú chỉ lấy đúng 4 triệu để mua cho nhà cái tủ lạnh, còn lại cùng mấy cô đi làm từ thiện…”
Chú Hưng đã gửi 10 triệu đồng cho trường tình thương Ái Linh (nơi hai đứa cháu ngoại đang học lớp 1), 10 triệu nữa thì tặng bệnh viện Nhi Đồng, còn lại thì phụ giúp xây dựng lại tịnh xá Ngọc Hương ở quê nhà.
“Chú thấy mình là may mắn nhất đời rồi, làm mất chiếc xe của khách 40 triệu, lại được giúp đỡ hơn 100 triệu, nên thôi chia phần may mắn cho người khác. Chú sống khổ, ăn khổ, nhưng tâm hồn chú không khổ nên chú không vì việc này mà lấy cơ hội làm giàu cho mình đâu.” - chú Hưng cười.
Chồng làm bảo vệ, vợ bán vé số, nuôi con trai trầm cảm và đứa cháu ngoại bại não
Nghĩ về quá khứ, chú Hưng lại rơm rớm nước mắt. Ngày ấy, chú và vợ sinh được 2 đứa con bụ bẫm tên Anh Tuấn (SN 1983) và Thị Trinh (1989). Vậy mà, đến năm lớp 4, trong một lần đến trường thì anh Tuấn bị xe ô tô đụng, nằm viện 3 tháng thì bác sỹ thông báo: chấn thương não nghiêm trọng.
5 năm trở lại đây vì di chấn cũ mà anh dần trầm cảm. Bác sĩ nhiều lần mong mỏi gia đình cho nhập viện để điều trị, nhưng vì “nhà còn chẳng có 20 nghìn tiền ăn” nên chú Hưng đành dắt con về. Từ đó, anh Tuấn chưa một lần bước ra khỏi cánh cửa nhà ra để tiếp xúc thế giới bên ngoài.
Còn lại cô con gái, xem như vợ chồng già còn niềm tin trong cuộc sống. Ngày đám cưới, chú Hưng cũng chạy vạy đủ đường để làm cái cưới cho con gái. Ấy mà, về nhà chồng chưa được bao lâu, người chồng nhậu nhẹt, không lo lắng vợ con, chú Hưng đành đứt ruột dắt con gái và hai đứa cháu ngoài về nuôi.
“Đến lúc ra toà, người ta bắt mỗi tháng chu cấp 700 nghìn đồng cho con mà cha nó còn không lo được, nên thôi chú tự nuôi. Bữa cho hai đứa trẻ đi học lớp tình thương thì cô giáo chỉ nhận đứa nhỏ, còn đứa lớn thì bác sĩ bảo là bại não rồi, không thể dạy dỗ được. Hèn gì ngày xưa chú dạy mãi bản chữ cái mà nó mãi không nhớ”.
Cứ thế, người cha chạy xe ôm, mẹ đi bán vé số khắp nơi để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Vậy mà, nhiều tháng mưa, hai vợ chồng còn chẳng kiếm được 20 nghìn tiền ăn.
“Chú cứ mua 10 ngàn tép, 2 ngàn rau lang về chấm nước mắm mà ăn cả ngày. Vậy chớ chú chưa bao giờ nghĩ mình khổ, vì chỉ cần nhìn xuống đã thấy mình may mắn hơn rất nhiều người…”
Năm trước, qua lời giới thiệu của người thân, chú Hưng đành dắt díu cả gia đình vào Nam sinh sống. Vợ và con gái tiếp tục đi bán vé số, chú thì chuyển qua làm chân bảo vệ. Cứ thế, 6h tối chú bắt đầu ca trực, đến sáng hôm sau trở về nhà, ăn chen cơm, ngủ một giấc thì đã hết ngày.
“Có lúc chẳng còn 10 ngàn để ăn ổ bánh mì nữa. Đợt đó, chú phải vay trước 10 triệu đồng để trả tiền nhà 3 tháng. Vậy m, nỡ lòng nào đi làm người ta quỵt của chú hết 21 triệu đồng”.
Ngẫm đời bạc bẽo, bao tai ương đổ xuống đầu, ở cái tuổi bạc đầu vẫn ngày ngày dậy sớm thức khuya nuôi con cùng cháu Ngoại… thế nhưng, chú Hưng chưa bao giờ oán trách một lời.
“Mình khổ thì nhiều người khổ hơn, mình giúp người thì người khác lại giúp mình. Giống như chú, hồi xưa mỗi lần đi mua tô bún chỉ dám ăn bún không giá 10 ngàn, còn 10 ngàn thì cho mấy cụ ăn xin. Có vậy nên giờ nhiều người khác mới giúp lại thế này, chú cảm ơn nhiều lắm…”
Thế đấy! Chú Hưng tuy nghèo cái ăn, nghèo cái mặc, nghèo cái nhà, nghèo cả cái thân hình đen đúa,… nhưng lại có một tâm hồn giàu có tình thương.
“Mình khổ thì nhiều người khổ hơn, mình giúp người thì người khác lại giúp mình. Giống như chú, hồi xưa mỗi lần đi mua tô bún chỉ dám ăn bún không giá 10 ngàn, còn 10 ngàn thì cho mấy cụ ăn xin.”
- Chú tính mấy tháng nữa, dư chút đỉnh tiền thì sẽ về quê thăm nhà chứ lâu lắm rồi chẳng được về. Vô lại Sài Gòn thì vẫn sẽ đi làm bảo vệ kiếm tiền nuôi mấy đứa nhỏ, chú không nghĩ ngợi gì nhiều đâu.
Nói rồi, chú ôm Yến Nhi vào lòng. Con nhỏ vẫn ngơ ngác mặc cho ông Ngoại vừa khóc, vừa cười, vừa tỉ tê lời to nhỏ giữa căn phòng.