Sáng 4/9, tại cuộc họp ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 7 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của áp thấp, từ 4 đến ngày 5/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 100-200mm); khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (50-100mm).
Từ ngày 6/9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ. Ngày 4/9, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.
|
Hướng di chuyển của Áp thấp nhiệt đới gần bờ. |
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới do áp thấp nhiệt đới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên), Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Thông tin về áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc biển Đông, ông Mai Văn Khiêm cho biết, hiện áp thấp này đã suy yếu thành áp thấp và tan dần.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Tùng, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai báo cáo tại cuộc họp về tình hình ngập lụt cho biết, tại Hà Tĩnh, từ chiều 3/9, 11 xã thuộc huyện Hương Khê, Can Lộc bị ngập, giao thông chia cắt; ở Quảng Bình: 04 xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm (huyện Lệ Thủy) ngập lụt, chia cắt các khu vực trũng thấp; QL12A, QL15, QL 9B ngập 6 điểm sâu 0,2 đến 1,0m, 13 điểm sạt lở và nhiều điểm trên tuyến đường 16, QL21A, nhiều tuyến đường liên xã bị ngập, gây chia cắt;
Tại tỉnh Quảng Trị, 4 xã huyện Đắkrông (A Ngo, Tà Long, Ba Năng, A Vao), 3 xã huyện Hướng Hóa (Thuận, Ba Tầng, A Xinh) bị ngập lụt chia cắt nhiều điểm; đã di dời 347 hộ/1.133 người. Nhiều tuyến đường thuộc các huyện Hướng Hóa, Đắkrông bị ngập gây chia cắt 14 xã và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh sạt lở tại Km171, 173, 193, 197, 265, 287.
Về tình hình thiệt hại do mưa lũ, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, thiệt hại ban đầu do mưa lũ như sau: Về người: 01 người bị lũ cuối trôi tỉnh Quảng Bình (Hồ Thị Chăm SN 1985, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa lúc 16h30 ngày 02/9/2019, do đi xúc cá dọc khe suối thì bị lũ cuốn trôi); 01 người bị thương (thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, do ngã khi gia cố mái nhà). Về nhà: 18 nhà và 1 nhà trường học bị tốc mái (Hà Tĩnh).
Đáng chú ý, theo đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ cứu nan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, mưa lớn từ ngày 31 đến 4/9 đã làm 9 người dân tộc Chứt của bản Rào Tre (Hà Tĩnh) vào rừng lấy lá nón từ ngày 2/9 chưa về, hiện đã liên lạc được 2 người còn 7 người chưa liên lạc được.
Ngày 3/9, tại địa bàn các xã A Ngo, tà Long, Ba Nang, A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị); xã Thuận, Ba Tầng, A Xinh, huyện Hướng Hóa Quảng Trị xảy ra mưa lớn, nước dâng ngập lụt chia cắt nhiều điểm. Sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông tại km 171, 173, 193, 197 của nhánh Tây đường Hồ Chí Minh thuộc các xã Hướng Phùng, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), trôi 1 thuyền máy của dân tại xã Xy, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).
|
Quang cảnh cuộc họp cuộc họp ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ sáng 4/9. |
Tàu cá QNA91928TS có 44 thuyền viên của tỉnh Quảng Nam đã chìm trên đường tránh trú bạo tại bãi Tuyên Chính vào ngày 2/9, 41 thuyền viên đã được tàu QNG90817 TS cứu sống. Hiện các lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm 3 người mất tích.
Theo báo cáo ngày 4/9 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 4/9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/317.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể: hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa 41 tàu/398 người (các phương tiện đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm); hoạt động ở khu vực biển khác 3.711 tàu/28.953 người; neo đậu tại các bến từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa 67.710 tàu/288.303 người.
Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 1/9; Công điện 15/CĐ-TWPCTT ngày 2/9 của Ban Chỉ đạo TW về PCTT trong đó tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tiếp tục thông báo, kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn. Văn phòng Uỷ ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư và các địa phương tổ chức tìm kiếm 3 ngư dân bị mất tích thuộc tàu cá QNA91928TS.
Chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện.
Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy. Huy động lực lượng giúp người dân thu hoạch diện tích lúa đã chín. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.