Ngày 9/10, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên xét xử sơ thẩm 33 bị cáo trong vụ án khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ.
Phiên tòa xét xử vụ án này trước đó được mở cách đây một tháng nhưng tạm hoãn do vắng mặt một số luật sư bào chữa cho bị cáo và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, hai anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (cổ đông góp vốn Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”. Hai anh em song sinh này từng được biết đến là những đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh. Tháng 3/2021, Thanh và Giang gắn liền với thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới 250 tỷ đồng.
|
Hai anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang |
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Nữ doanh nhân này được xác định là người chủ mưu.
Đáng chú ý, một số cựu quan chức của các sở, ban, ngành tỉnh Thái Nguyên cũng bị đưa ra xét xử về các tội "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó có bị cáo Nguyễn Ngô Quyết, nguyên Giám đốc Sở Công Thương; Nguyễn Văn Phong, nguyên Trưởng phòng thuộc Sở Công Thương; Đỗ Huy Cương, nguyên Trưởng phòng Sở Công Thương); Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thế Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT; Lại Trung Hiếu, nguyên Phó Trưởng phòng thuộc Sở TN&MT; Cao Sỹ Linh, cựu chuyên viên Sở TN&MT.
Thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng từ khai thác than trái phép
Theo cáo trạng, Công ty Yên Phước được Sở KH&ĐT Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2012, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là Tổng giám đốc Châu Thị Mỹ Linh.
Sau khi Công ty Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại Mỏ than Minh Tiến, Châu Thị Mỹ Linh đã "cấu kết" với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh góp vốn, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm, gấp 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác trái phép với tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm; với công suất gấp 115 lần so với cấp phép. Có 1,1 triệu tấn than, hơn 330.000 tấn bã sàng và hơn 89.000 m3 đá đen trị giá hơn 174 tỷ đồng đã được tiêu thụ. Còn lại hơn 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng thu giữ.
Quá trình khai thác, Công ty Đông Bắc Hải Dương thông qua nhóm một số công ty liên quan, đã bán than khai thác trái phép cho các khách hàng tại Thái Nguyên, với tổng trị giá 386,7 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng An Khánh mua 606.152 tấn than, 38,479m3 bã sàng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt Nhật (Nhà máy Giấy An Hòa) mua 11.183 tấn than cám, giá trị hơn 11,2 tỷ đồng...
Một lượng than, bã sàng cũng được vận chuyển từ Mỏ than Minh Tiến về các bãi tập kết tại thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) để sàng tuyển, phối trộn với các nguồn than mua từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nguồn than mua lậu không hóa đơn khác.
Sau khi phối trộn các nguồn than, Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (thông qua Công ty SHN) 1,28 triệu tấn than cám, giá trị hơn 1.980 tỷ đồng; xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành 145.685 tấn than cám, giá trị hơn 167 tỷ đồng; bán cho nhà máy Nhiệt điện An Khánh 88.492 tấn, giá trị hơn 67 tỷ đồng và một số khách hàng khác 528.790 tấn, giá trị hơn 636 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, số tiền nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính từ việc khai thác than bán trái phép tại Mỏ than Minh Tiến là hơn 213,5 tỷ đồng.
|
Các bị cáo trong vụ án. |
Viện Kiểm sát còn cáo buộc, để hợp thức hóa việc mua bán than lậu, hai anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang, đã có hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2017 - 2020, để hợp thức các loại hàng hóa, dịch vụ, các cổ đông Công ty Đông Bắc Hải Dương trong đó có Giang, Thanh đã sử dụng nhóm 6 Công ty do nhóm cổ đông Đông Bắc Hải Dương lập ra để ký hợp đồng mua bán than, mua hóa đơn mặt hàng than nhập khẩu, dầu Diezel, dịch vụ bốc xúc, vận chuyển của 11 Công ty tại Hải Phòng và Nam Định. 11 công ty này được xác định không có hồ sơ nguồn gốc than, không có hoạt động bán than, dầu và dịch vụ bốc xúc, vận chuyển với nhóm 6 Công ty Đông Bắc Hải Dương, chỉ xuất bán hóa đơn.
Đáng chú ý, theo cáo trạng, tổng số tiền Châu Thị Mỹ Linh thu lợi từ việc khai thác trái phép là hơn 151 tỷ đồng. Bà Linh khai đã viết séc cho thân nhân rút tiền mặt, sử dụng chi dùng cá nhân, trả nợ…Trong khi đó, trợ lý Ngụy Quang Thuyên được hưởng lợi số tiền 9,7 tỷ đồng từ việc tự ý thỏa thuận bán than và khoáng sản đi kèm cho Công ty Đông Bắc Hải Dương.
Ngoài ra, lợi dụng việc Công ty Yên Phước được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, bà Linh đã chỉ đạo cấp dưới mua thuốc nổ và kíp nổ rồi bán lại trái phép cho một số đối tượng khai thác than hầm lò.
Nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ sở ngành tại Thái Nguyên có sai phạm
Theo cáo trạng, để xảy ra việc khai thác trái phép than tại mỏ Minh Tiến diễn ra trong thời gian gian dài, với số lượng rất lớn, gây thất thoát về tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở TN&MT Thái Nguyên khi thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản; Sở Công Thương Thái Nguyên khi thẩm định, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước.
Một trong những bị can được nhắc tới trong cáo trạng là Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên. Giang là người trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường. Đồng thời còn là trưởng đoàn phụ trách kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước, nhưng không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra.
Nguyễn Thế Giang ký văn bản gửi Công ty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản. Giang không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên đoàn theo quy định.
Quá trình kiểm tra, Nguyễn Thế Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước xác định công ty khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra, không chỉ đạo đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu Công ty Yên Phước cung cấp sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định pháp luật.
Công ty Yên Phước có một số sai phạm như làm thất lạc mốc giới, chưa cung cấp bản đồ mặt cắt hiện trạng, chưa cung cấp đủ các văn bản, tài liệu sổ sách. Các vi phạm này đáng lẽ phải xử phạt từ 90-151 triệu đồng nhưng Nguyễn Thế Giang không đưa vào Kết luận kiểm tra.
|
Mỏ than Minh Tiến, Thái Nguyên nơi phát hiện sai phạm.
|
Cao Sỹ Linh là chuyên viên Phòng Khoảng sản Sở Sở TN&MT, thành viên Đoàn kiểm tra tại Mỏ than Minh Tiến. Trong quá trình kiểm tra, Linh đã không yêu cầu Công ty xuất trình sổ sách, chứng từ tài liệu ghi chép, cập nhật sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế để có cơ sở đối chiếu với số liệu mà Công ty báo cáo đã khai thác 5.000 tấn than; không đề xuất đo đạc, kiểm tra theo quy trình quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 61 của Bộ TN&MT để xác định sản lượng than khai thác thực tế, nên không phát hiện được hành vi khai thác than vượt quá số lượng theo giấy phép của Công ty Yên Phước.
Cao Sỹ Linh đã phát hiện một số sai phạm của mỏ than Minh Tiến liên quan đến lĩnh vực khoáng sản nhưng chỉ đề xuất đưa vào kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi "khai thác không có Giám đốc điều hành mỏ - đối với mỏ khai thác theo hình thức lộ thiên".
Lại Trung Hiếu, nguyên là Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT đã phát hiện nhiều vi phạm của Công ty Yên Phước như khai thác vượt ranh giới cho phép, tự ý sử dụng đất rừng sản xuất vào hoạt động khoáng sản. Nhưng Hiếu đã không báo cáo Đoàn kiểm tra, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình sổ sách chứng từ…Khi kiểm tra thực tế tại Mỏ than Minh Tiến, Lại Trung Hiếu phát hiện Công ty Yên Phước có nhiều sai phạm, nhưng không đề xuất Đoàn thanh tra báo cáo cấp có thẩm quyền xử phạt.
Cựu Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Tuấn không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện việc khai thác quá công suất được cấp phép, gây hậu quả Công ty Yên Phước khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm. Trong đó, phần đã tiêu thụ là hơn 1,6 triệu tấn sản phẩm, trị giá 174 tỷ đồng.
Hành vi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Thế Giang, Cao Sỹ Linh, Lại Trung Hiếu dẫn đến không phát hiện được và để kéo dài việc khai thác than quá công suất, sản lượng được cấp phép, gây hậu quả Công ty Yên Phước khai thác trái phép 2.762.274,24 tấn than và khoáng sản, gồm 335.694,45 m3 bã sàng, 90.566,89 mỏ đá đen; trong đó đã tiêu thụ, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.180.508,24 tấn than, 335.694,45 mở bã sàng, 90.566,89 m3 đá đen, giá trị hơn 174 tỷ đồng.
Tại Sở Công Thương, các cá nhân Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường; Đỗ Huy Cương, Phó phòng; Nguyễn Ngô Quyết, Phó phòng thừa nhận việc thẩm định, tham mưu, ký ban hành giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phương với khối lượng gấp 4 so với thiết kế được phê duyệt.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lan đột biến “Ngọc Sơn Cước” 250 tỷ đồng