Trong số đó, bị can Châu Thị Mỹ Linh - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước bị truy tố 2 tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và mua bán trái phép vật liệu nổ.
Châu Thị Mỹ Linh được xác định chủ mưu trong vụ án. Linh chỉ đạo cấp dưới khai thác, “phù phép” việc chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ than Minh Tiến với số lượng hơn 3 triệu tấn, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép. Nhiều hoạt động sổ sách giấy tờ khác cũng được Linh và đồng bọn thực hiện nhằm che giấu hành vi vi phạm.
|
Các bị can trong vụ án. |
Nhóm bị can Hà Anh Tuấn, cựu Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương), hai anh em “đại gia lan đột biến” Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang bị truy tố 2 tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và mua bán trái phép hóa đơn.
Hai anh em song sinh Giang và Thanh từng được biết đến là những đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh, sở hữu những căn biệt thự hoành tráng và bộ sưu tập xe siêu sang. Tháng 3/2021, Thanh và Giang gắn liền với thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới 250 tỷ đồng lùm xùm dư luận.
Trong vụ án trên, Giang và Thanh góp vốn vào Công ty Đông Bắc Hải Dương. Với sự giúp sức của hai anh em Thanh và Giang, Linh đã thực hiện trót lọt việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, vượt hàng chục lần so với sản lượng được cấp trong giấy phép, thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng. Để hợp thức hóa số than khai thác trái phép được, nhóm của Linh đã mua bán trái phép hóa đơn.
Cùng truy tố trong vụ án còn có nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Với sự làm ngơ, góp sức của những cán bộ tha hóa, biến chất này, nhóm của Linh đã thực hiện trót lọt những vi phạm trên.
Một trong những bị can được nhắc tới trong cáo trạng là Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên. Dù được giao nhiệm vụ song Giang không tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước. Giang gần như chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước và không chỉ đạo kiểm tra thực tế, dẫn tới công ty trên “ăn” hàng triệu tấn than trái phép.
Cùng với đó, nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng bị xác định thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Hàng triệu tấn than bị khai thác “chui”
Cáo trạng nêu, Công ty Yên Phước được Sở KH&ĐT Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2012, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là Tổng giám đốc Châu Thị Mỹ Linh.
Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được Sở KH&ĐT Hải Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2017; đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 11/11/2019, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty này là Hà Anh Tuấn – Giám đốc (từ 6/2017 đến 8/2019) và Bùi Mạnh Cường –Giám đốc (từ tháng 8/2019).
Năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản. Từ tháng 6/2018, công ty này bắt đầu khai thác than lộ thiên tại khu B mỏ than Minh Tiến.
Tháng 3/2019, Công ty Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương thỏa thuận khai thác than tại mỏ Minh Tiến. Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương sẽ mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn ở mỏ với giá 9,95 tỷ đồng; mua toàn bộ máy móc, thiết bị khai thác, vận chuyển than hiện có của Công ty Yên Phước với giá 15 tỷ đồng. Công ty Đông Bắc Hải Dương sẽ trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm (gấp 47,05 lần trữ lượng được cấp phép), trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước với mức giá 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.
Thực hiện thỏa thuận, Châu Thị Mỹ Linh chỉ đạo nhân viên dưới quyền tại Công ty Yên Phước theo dõi số lượng than cũng như số tiền Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương phải thanh toán, đồng thời lập hồ sơ, chứng từ hợp thức nộp thuế, phí khai thác tài nguyên để che giấu việc khai thác vượt trữ lượng được cấp phép.
|
Lực lượng công an kiểm tra bãi than ở Hải Dương.
|
Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã khai thác tại mỏ than Minh Tiến hơn 1,1 triệu tấn than, hơn 330.000 m3 bã sàng và hơn 89.000 m3 đá đen; tổng giá trị đã thanh toán cho phía bà Linh là hơn 145 tỷ đồng. Con số trên chưa bao gồm hơn 1,5 triệu tấn than nguyên khai đã khai thác trái phép, chưa tiêu thụ và bị phát hiện, thu giữ tại mỏ.
Để tiêu thụ số than khai thác trái phép, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn GTGT của các doanh nghiệp tại Nam Định do Trần Ngọc Ánh điều hành và các doanh nghiệp tại Hải Phòng do Lã Xuân Hữu điều hành.
Theo cáo trạng, để xảy ra việc khai thác trái phép than tại mỏ Minh Tiến diễn ra trong thời gian gian dài, với số lượng rất lớn, gây thất thoát về tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở TN&MT Thái Nguyên khi thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản; Sở Công Thương Thái Nguyên khi thẩm định, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước.
Sai phạm của hàng loạt cán bộ Sở TN&MT Thái Nguyên
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên là người trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường. Bị can còn là trưởng đoàn phụ trách kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về môi trường và khoáng sản tại Công ty Yên Phước, nhưng không trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra.
Bị can Giang ký văn bản gửi Công ty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản. Giang không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên đoàn theo quy định.
Quá trình kiểm tra, Nguyễn Thế Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước xác định công ty khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra. Bị can không chỉ đạo đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu Công ty Yên Phước cung cấp sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định pháp luật. Từ đó không xác định được sản lượng khoáng sản thực tế Công ty Yên Phước đã khai thác.
Kết quả kiểm tra đã phát hiện Công ty Yên Phước có 3 vi phạm: Thất lạc mốc giới II; Chưa cung cấp được bản đồ mặt cắt hiện trạng từ khi đi vào hoạt động cho đến thời điểm kiểm tra; Chưa cung cấp đầy đủ các văn bản, tài liệu, sổ sách để xác định sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.
"Theo quy định tại Điều 39, Khoản 2, Khoản 3 Điều 50 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ, các vi phạm này phải bị phạt tiền 90,5 triệu đồng đến 151 triệu đồng, nhưng Nguyễn Thế Giang đã không đưa vào kết luận kiểm tra ngày 26/4/2019", cáo trạng nêu.
Cáo trạng cũng nêu rõ, Nguyễn Thế Giang không đôn đốc Phòng Khoáng sản thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản để làm tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT- TTg ngày 30/3/2015, Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 18/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh, nên không phát hiện được Công ty Yên Phước đã khai thác than không đúng với nội dung giấy phép.
Cao Sỹ Linh là chuyên viên Phòng Khoảng sản Sở Sở TN&MT, thành viên Đoàn kiểm tra tại Mỏ than Minh Tiến. Trong quá trình kiểm tra, Linh đã không yêu cầu Công ty xuất trình sổ sách, chứng từ tài liệu ghi chép, cập nhật sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế để có cơ sở đối chiếu với số liệu mà Công ty báo cáo đã khai thác 5.000 tấn than; không đề xuất đo đạc, kiểm tra theo quy trình quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 61 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định sản lượng than khai thác thực tế, nên không phát hiện được hành vi khai thác than vượt quá số lượng theo giấy phép của Công ty Yên Phước.
Cao Sỹ Linh đã phát hiện một số sai phạm của mỏ than Minh Tiến liên quan đến lĩnh vực khoáng sản nhưng chỉ đề xuất đưa vào kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi "khai thác không có Giám đốc điều hành mỏ - đối với mỏ khai thác theo hình thức lộ thiên".
Lại Trung Hiếu là Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được lãnh đạo Sở TN&MT cử tham gia Đoàn thanh tra tại Mỏ than Minh Tiến do Sở Công Thương chủ trì theo Quyết định số 66/QĐ-SCT ngày 06/5/2020. Lại Trung Hiếu được phân công nhiệm vụ thanh tra việc quản lý tài nguyên; đất đai; công tác môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trong thời gian từ 1/1/2019 đến thời điểm thanh tra.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lại Trung Hiếu phát hiện một số vi phạm của Công ty Yên Phước, nhưng Hiếu không báo cáo đề xuất Trưởng đoàn cho kiểm tra, đo đạc để xác định khối lượng than Công ty thực tế đã khai thác trái phép.
Mặt khác, Lại Trung Hiếu cũng không yêu cầu Công ty Yên Phước xuất trình sổ sách, chứng từ tài liệu ghi chép, cập nhật sản lượng khoáng sản khai thác trên thực tế mà chỉ căn cứ vào Báo cáo định kỳ của Công ty Yên Phước để xác định Công ty đã khai thác 8.030 tấn than, tiêu thụ 7.300 tấn than là không đúng quy định. Ngoài ra, khi kiểm tra thực tế tại Mỏ than Minh Tiến, Lại Trung Hiếu phát hiện Công ty Yên Phước có nhiều sai phạm nhưng không đề xuất Đoàn thanh tra báo cáo cấp có thẩm quyền xử phạt.
Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở ký Quyết định số 556/QĐ-STNMT ngày 12/10/2018, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản đối với mỏ than Minh Tiến, thuộc Công ty Yên Phước.
Sau khi kiểm tra, Nguyễn Thế Giang đã ký Kết luận số 46/KL-SYTNMT ngày 26/4/2019, gửi cho Nguyễn Thanh Tuấn. Nội dung kết luận nêu rõ Công ty Yên Phước chưa báo cáo kết quả thực hiện việc xác định, thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo Quy định tại Thông tư 61/2017 ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng với vai trò là Giám đốc Sở, Nguyễn Thanh Tuấn không chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản tại Công ty Yên Phước, nên không phát hiện được Công ty Yên Phước khai thác than không đúng với sản lượng ghi trên giấy phép.
Mặc khác, tại thời điểm chuyển nhượng, Công ty Kim Sơn và Công ty Yên Phước chưa đủ điều kiện được chuyển nhượng và cấp giấy phép khai thác cho Công ty Yên Phước theo quy định, nhưng lúc đó với vai trò là Phó Giám đốc Sở, Nguyễn Thanh Tuấn tham mưu, ký tờ trình về việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản mỏ than Minh Tiến, trình UBND tỉnh Thái Nguyên.
Sau này, với vai trò là Giám đốc Sở, Nguyễn Thanh Tuấn không chỉ đạo tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản tại Công ty Yên Phước. Hành vi của Nguyễn Thanh Tuấn đã không làm tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản.
Hành vi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Thế Giang, Cao Sỹ Linh, Lại Trung Hiếu dẫn đến không phát hiện được và để kéo dài việc khai thác than quá công suất, sản lượng được cấp phép, gây hậu quả Công ty Yên Phước khai thác trái phép 2.762.274,24 tấn than và khoáng sản, gồm 335.694,45 m3 bã sàng, 90.566,89 mỏ đá đen; trong đó đã tiêu thụ, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.180.508,24 tấn than, 335.694,45 mở bã sàng, 90.566,89 m3 đá đen, giá trị hơn 174 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khai thác khoáng sản 'bỏ quên' lợi ích người dân