Hai anh em đại gia “lan đột biến” Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã cấu kết với “bà trùm” Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước cùng nhiều bị can để tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.
Hành vi của hai anh em Bùi Hữu Giang và các bị can trong vụ án đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 12 bị can để điều tra tội danh trên.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp cơ quan tố tụng kết luận hành vi phạm tội, hai anh em Bùi Hữu Giang, “bà trùm” than lậu Châu Thị Mỹ Linh cùng 9 bị can khác sẽ bị xử thế nào theo quy định của pháp luật?
|
Hai anh em đại gia “lan đột biến” Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh. |
Đối mặt mức án 7 năm, tịch thu toàn bộ tài sản do phạm tội mà có
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Luật khoáng sản năm 2010, để khai thác than hay các loại khoáng sản khác, tổ chức phải là doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Khi có thiết kế mỏ, xây dựng hạ tầng, đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn lao động... mới được tổ chức khai thác. Việc khai thác phải theo trữ lượng, công suất mà nhà nước cho phép, đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phải nộp thuế cho nhà nước theo quy định, trong đó có thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Do đó, khi cơ quan chức năng phát hiện ra có tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác, không đủ điều kiện khai thác hoặc khai thác vượt mức so với giấy phép thì tổ chức cá nhân có sai phạm sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp doanh nghiệp, cá nhân thông đồng với nhau lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than một cách công khai nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn, rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm Luật khoáng sản và có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Trong vụ án trên, với kết quả xác minh làm rõ các sai phạm như trên, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ và đúng pháp luật.
Với tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, tùy theo tính chất, mức độ hành vi, cá nhân vi phạm có thể chịu hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù; còn pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền cao nhất đến 7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 3 năm.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra bãi than ở Kinh Môn, Hải Dương. |
Luật sư Cường cũng cho rằng, toàn bộ tài sản do phạm tội mà có trong vụ án này sẽ bị tịch thu, xung công quỹ nhà nước.
“Số lượng than mà cơ quan điều tra xác định là khai thác trái phép sẽ bị thu hồi, ngoài ra những người phạm tội sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự là phạt tù và có thể hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định tại điều 227 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên. Nếu có hành vi rửa tiền, che giấu tội phạm, đưa và nhận hối lộ của những người có liên quan thì cũng sẽ tiếp tục được xem xét làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp nhận định, đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm thất thoát tài nguyên thiên nhiên, khiến các đối tượng thu lợi bất chính đặc biệt lớn gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm rõ hành vi của từng đối tượng có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có thêm hành vi rửa tiền, đưa hối lộ, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng sẽ tiếp tục khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chơi lan đột biến có phải để rửa tiền từ than lậu?
Trước khi bị điều tra, khởi tố, bắt giam, anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang được biết đến là đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh với “vườn lan var đất mỏ”, cơ ngơi cực "khủng" và những siêu xe đắt tiền. Hai anh em này nổi tiếng trên cộng đồng mạng với thương vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên đến 250 tỷ đồng. Giang cùng một số anh em đầu tư số tiền lớn để xây dựng vườn lan var Đất Mỏ (lan đột biến) vào đầu năm 2020 tại khu Cổ Giản, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều.
Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc Thanh và Giang mượn lan đột biến làm bình phong để rửa tiền từ than lậu?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với những giao dịch số tiền đặc biệt lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng sẽ thu hút sự chú ý. Hai anh Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh chỉ hơn 30 tuổi mà lại sở hữu tài sản lớn, ăn chơi sa hoa, cơ quan chức năng cần phải xác minh làm rõ nguồn gốc số tiền, nguồn gốc tài sản đó để chứng minh thu nhập hợp pháp hay thu nhập bất chính là cần thiết.
Nếu là những tài sản hợp pháp, người có được tài sản hàng trăm tỷ thường phải là những người có khả năng đặc biệt, đóng góp lớn cho xã hội, tương đương với những thu nhập tiền trăm tỷ đó thì cũng là một khoản thuế đáng kể nộp cho nhà nước là thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân.
“Chỉ cần làm rõ những người sở hữu số tiền đó đã nộp thuế cho nhà nước khi có được tài sản hay chưa cũng là vấn đề để truy xuất nguồn gốc tài sản cũng như xem xét trách nhiệm pháp lý trong việc nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tìm ra dấu hiệu của tội phạm rửa tiền...”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Ông Cường cho rằng, với những hiện tượng khoe tiền, khoe tài sản hoặc những người trẻ tuổi lại sở hữu tài sản rất lớn, ở trong những lâu đài, biệt thự hoặc sử dụng những chiếc xe ô tô đắt tiền hoặc tham gia những giao dịch lan đột biến hàng trăm tỷ đồng như vậy, rất có thể đó là tài sản do phạm tội mà có hoặc là hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội.
“Những trường hợp giàu lên bất thường, trẻ tuổi không có tài cán gì nổi bật, chưa thực hiện nghĩa vụ gì đối với nhà nước (nộp thuế thu nhập) mà lại sống trong xa hoa, nhung lụa như những ông hoàng bà chúa hoặc những tay chơi có số thì đằng sau đó có thể là những hành vi vi phạm pháp luật. Những tài sản phô chương ra đó thường là những tài sản do phạm tội mà có mới dễ dàng và nhiều, nhanh đến thế. Thực tế, thời gian qua, không ít các đối tượng biểu hiện là đại gia đã bị xử lý, khối tài sản khổng lồ có được đó đều là do vi phạm pháp luật mà có”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc: