Án chồng án, ông Đinh La Thăng sẽ ngồi bao năm tù?

Google News

(Kiến Thức) - Trường hợp ông Thăng bị kết tội trong vụ án này, theo quy định của pháp luật thời hạn tù mà ông Đinh La Thăng phải chấp hành theo bản án mới được trừ đi thời gian đã chấp hành án đối với các bản án cũ mà tổng hợp hình phạt của cả bốn bản án không quá 30 năm tù.

Ngày 14/8, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, khám xét và bắt tạm giam đối với 4 bị can: Đinh La Thăng (từng là Bộ trưởng Giao thông vận tải); Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải); Nguyễn Chí Thành (quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải); Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải).
Bốn bị can trên bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ Luật hình sự 2015 liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
An chong an, ong Dinh La Thang se ngoi bao nam tu?
 Ông Đinh La Thăng.
Đáng chú ý, bị can Đinh La Thăng trước đó đã 4 lần hầu tòa tại các vụ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank (bị xử phạt 13 năm tù) và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC liên quan Trịnh Xuân Thanh (bị xử phạt 18 năm tù). Cộng hai bản án này, ông Đinh La Thăng phải thi hành mức án 30 năm tù giam. Ngoài ra ông Thăng đang bị truy tố tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 liên quan vụ án xảy ra tại Ethanol Phú Thọ.
Dư luận đặt câu hỏi, án chồng án, ông Đinh La Thăng sẽ ngồi bao năm tù?
Theo quy định tại điều 219 BLHS 2015 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí nêu rõ:
Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương cho thấy, hành vi của ông Đinh La Thăng đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sẽ phải chịu mức án tương ứng với hành vi theo quy định tại điều 219 Bộ Luật hình sự 2015.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, ông Đinh La Thăng đang phải chấp hành hình phạt đối với 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật và đã được tòa án tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Theo quy định tại điều 219 bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí thì tội danh này chỉ có hình phạt là phạt tù và thời hạn không quá 20 năm.
Bởi vậy, trong vụ án này, nếu bị kết tội, ông Thăng sẽ phải chịu mức hình phạt tù không quá 20 năm tù theo quy định của pháp luật, đây là loại hình phạt tù có thời hạn, tòa án sẽ tiếp tục tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc của bộ luật hình sự nhưng không quá 30 năm đối với trường hợp phạm nhiều tội.
An chong an, ong Dinh La Thang se ngoi bao nam tu?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Khi bị xử phạt về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ Luật hình sự 2015, thời hạn chấp hành án tù đối với ông Đinh La Thăng sẽ được tính trên quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có ba trường hợp.
Cụ thể, tại Điều 56 nêu rõ, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Theo Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội quy định, khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Như vậy, trong trường hợp ông Thăng bị kết tội trong vụ án này, theo quy định của pháp luật thời hạn tù mà ông Đinh La Thăng phải chấp hành theo bản án mới được trừ đi thời gian đã chấp hành án đối với các bản án cũ mà tổng hợp hình phạt của cả bốn bản án không quá 30 năm tù.
Trong trường hợp bị cáo đã bị kết án phạt tù có thời hạn, sau đó phải chịu mức hình phạt ở tội đanh có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì hình phạt sẽ chuyển sang tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, tội danh theo quy định tại điều 219 bộ luật hình sự có hình phạt không quá 20 năm tù, bởi vậy dù bị kết tội trong vụ án mới này thì mức hình phạt của ông Thăng vẫn được tổng hợp và giữ nguyên không quá 30 năm tính từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật nhưng được trừ đi thời hạn tạm giam.
Mặc dù vẫn không vượt quá mức 30 năm tù nhưng với một người bị kết án nhiều lần, nhiều lần phạm tội thì khả năng đặc xá giảm án sẽ thấp hơn với những người chỉ bị kết án hai lần và tổng hợp hình phạt 30 năm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố ông Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Nguồn: VTC 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)