Bất ngờ phản ứng của ông Đinh La Thăng khi HĐXX xét hỏi

Google News

(Kiến Thức) - Trước hàng loạt các câu hỏi của HĐXX tòa phúc thẩm kiểu “có – không”, ông Đinh La Thăng mất bình tĩnh và cho rằng “tôi không thể trả lời có hay không có, mà không giải thích”.

Sau phiên xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh sáng nay, trong buổi làm việc chiều, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án PVN thất thoát 800 tỷ tại OceanBank dành thời gian thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng.
Các câu hỏi của chủ tọa chủ yếu xoay quanh vấn đề PVN góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên, trong phần này, ông Đinh La Thăng bất ngờ tỏ ra mất bình tĩnh và cho rằng việc HĐXX hỏi và yêu cầu bị cáo chỉ được trả lời "có hay không" khiến bị cáo khó trả lời.
Bat ngo phan ung cua ong Dinh La Thang khi HDXX xet hoi
 Ông Đinh La Thăng tại phiên phúc thẩm. Nguồn ảnh: Vietnamnet
"Tôi đề nghị để trả lời có hay không, rồi hay chưa phải nằm trong tổng thể, không thể cắt lát ra để nói có hay không được. Từ mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ sự điều hành của chủ tọa. Chủ tọa nhắc rất nhiều lần, thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ việc có hay không có. Do đó, nếu việc có hay không có này không đúng bản chất sự việc, không đúng bối cảnh lịch sử lúc đó sẽ trở thành căn cứ để buộc tội tôi. Tôi không thể trả lời có hay không có, mà không giải thích", bị cáo Đinh La Thăng "phản ứng" sau một loạt các câu hỏi của chủ tọa.
Đáp lại, chủ tọa phiên tòa giải thích rằng HĐXX hỏi để thẩm tra các tài liệu chứng cứ, đây chưa phải phần tranh luận. Trong trường hợp bị cáo không trả lời, HĐXX không hỏi bị cáo nữa và bị cáo có quyền được giữ im lặng.
Sau khi được HĐXX lý giải, ông Đinh La Thăng lấy lại bình tĩnh và tiếp tục phần xét hỏi.
Được trình bày lý do kháng cáo bản án sơ thẩm (18 năm tù, buộc bồi thường 600 tỷ), bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, tòa sơ thẩm đã bỏ qua các chứng cứ, lập luật của luật sư bào chữa cho mình. Tòa cũng không xem xét đến việc PVN muốn thoái vốn nhưng sau đó Chính phủ không cho thoái vốn. Và việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng cũng không được xem xét.
Bản án sơ thẩm cũng bỏ qua việc PVN đã nhận 244 tỷ iền cổ tức từ Oceanbank và PVN đã sử dụng chính nguồn cổ tức này để góp 100 tỷ đồng vốn điều lệ vào Oceanbank.
Ông Thăng cho rằng, bản án sơ thẩm không đánh giá việc vào tháng 8/2011, bị cáo đã rời khỏi PVN và Oceanbank hoạt động có hiệu quả và được chia cổ tức đến năm 2013.
Vì vậy, bị cáo không thể chịu trách nhiệm hình sự, dân sự khi Oceanbank bị mua 0 đồng khi mà bị cáo đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình tại PVN từ tháng 8/2011.
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)