|
Các bị cáo tại tòa. |
Bị cáo Lương có vô tội?
Ngày 21/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần thẩm vấn. Được HĐXX mời đến tòa, đại diện gia đình các bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị tử vong hôm 29/5/2017 mong muốn tòa làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị để đưa ra bản án công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Một số gia đình cho rằng trong vụ án hình sự này, bị cáo Hoàng Công Lương không có tội, bởi vai trò của bác sĩ chỉ là khám chữa bệnh chứ không thể biết về máy móc thiết bị. Hơn nữa, sau khi vụ việc xảy ra, gia đình bị cáo Hoàng Công Lương cũng đã thăm hỏi và bồi thường cho mỗi gia đình bị nạn 10 triệu đồng. Theo đó, một số người đại diện đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lương vô tội.
Tất nhiên việc HĐXX có tuyên bị cáo Hoàng Công Lương vô tội hay không còn phụ thuộc vào hồ sơ vụ án, các chứng cứ tài liệu khách quan, lời khai của các bị cáo, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại tòa. Song, theo một số chuyên gia pháp lý thì không thể lý luận theo kiểu “tôi là bác sĩ chỉ lo phần chữa bệnh, tôi không quan tâm máy móc có đảm bảo an toàn cho bệnh nhân hay không”. Tất nhiên, bác sĩ không có trách nhiệm kiểm tra máy móc thiết bị, cũng không có trách nhiệm xét nghiệm nước lọc RO có đảm bảo hay không, nhưng chí ít anh cũng phải nhìn thấy căn cứ, bằng chứng xác thực rằng những chiếc máy đó đảm bảo an toàn (biên bản bàn giao sau khi sửa chữa), chứ không chỉ nghe người ta nói máy đã sửa xong đã ra y lệnh điều trị.
Một căn cứ khác mà CQĐT cũng theo đó mà quy kết bị cáo Hoàng Công Lương chính là cuốn sổ ghi lại cuộc họp giao ban của Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) vào năm 2015, do Phó GĐ Hoàng Đình Khiếu (thời điểm đó là Trưởng khoa Hồi sức tích cực) chủ trì.
Theo lời khai của ông Khiếu tại tòa, cùng với cuốn sổ ghi biên bản họp đều khẳng định bị cáo Hoàng Công Lương được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo (thuộc Khoa Hồi sức tích cực), có trách nhiệm khám chữa bệnh, điều hành, đào tạo, phân phối công việc của khoa. Lời khai của 2 bác sĩ làm cùng với bị cáo Lương cũng cho thấy lời khai của Phó GĐ Hoàng Đình Khiếu là có cơ sở.
Nạn nhân của hệ thống quản lý yếu kém?
Hầu hết gia đình 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong đều thể hiện mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo: Bùi Mạnh Quốc (cựu GĐ Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Phòng Vật tư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Lý do đưa ra kiến nghị trên của đa số gia đình các nạn nhân là các bị cáo cũng chỉ là nạn nhân của một hệ thống quản lý yếu kém, nếu không muốn nói là cẩu thả vô trách nhiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Cách nghĩ trên của gia đình các nạn nhân không phải là không có cơ sở, khi mà việc vận hành công việc tại đây chỉ dựa trên cơ sở “truyền miệng”, chứ không có quy trình cụ thể bằng văn bản.
Cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 bệnh nhân tử vong là do lượng hóa chất (a xít Clohydric HCl) tồn dư trong hệ thống lọc nước nên những người quản lý, sửa chữa thiết bị phải chịu trách nhiệm. Theo lẽ đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc và bị cáo Trần Văn Sơn là những người trực tiếp liên quan đến quá trình sửa chữa, duy tu bảo dưỡng thiết bị máy móc thì phải chịu trách nhiệm là việc đương nhiên. Song, theo quan điểm của gia đình các nạn nhân, ngoài hai bị cáo trên thì người quản lý như Trưởng phòng Vật tư và nguyên GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc đau lòng này.
Đáng tiếc là bị triệu tập tới tòa chỉ với tư cách nhân chứng, các ông này đều vắng mặt.
Xây dựng cảnh báo ngành y
Về trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án, cả 9 gia đình nạn nhân bị chết trong sự cố chạy thận nhân tạo ngày 29/5/2017 đều thống nhất yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là chủ thể bồi thường thiệt hại. Theo đó, đại diện của 9 gia đình nạn nhân đề nghị HĐXX tuyên buộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trực tiếp bồi thường chi phí mai táng (75-157 triệu đồng/gia đình), đền bù tổn thất tinh thần cho mỗi gia đình 100 tháng lương cơ bản (tương đương 130 triệu đồng), chi phí nuôi dưỡng phụ cấp con nhỏ của các nạn nhân đến khi trưởng thành.
Đại diện các gia đình khẳng định từ ngày xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người tử vong đến nay, họ mới chỉ nhận được duy nhất 15 triệu đồng tiền hỗ trợ mai táng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho mỗi gia đình, chứ chưa hề nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào từ đơn vị này. Bên cạnh đó, 9 gia đình các nạn nhân cũng thống nhất đề nghị HĐXX xem xét để họ được tập kết mộ các nạn nhân về chung một khu tại Lạc Hồng Viên với chi phí khoảng 148 triệu đồng/nạn nhân.
Theo lời đại diện gia đình các nạn nhân, nguyện vọng này xuất phát từ mong muốn: Tập trung hài cốt các nạn nhân ở một nơi như một “lời cảnh báo” với ngành y về thái độ, trách nhiệm đối với bệnh nhân. “Chúng tôi hy vọng khu tập kết mộ của các nạn nhân sẽ là chỉ dấu cảnh báo cho ngành y. Những người có trách nhiệm và những người công tác trong ngành y nhìn vào đó để rút kinh nghiệm và không để xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự khác...” - đại diện một gia đình nghẹn giọng.