Từ ngày 15/5, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành tổng kiểm tra xử lý vi phạm giao thông đường bộ. Họ được dừng các phương tiện mà không cần có hành vi vi phạm để kiểm tra. Kết quả, chỉ sau 4 ngày đầu, 230.000 lượt phương tiện đã bị dừng để kiểm tra và 49.000 trường hợp đã bị xử lý lỗi vi phạm, với hơn 32 tỷ đồng tiền phạt.
Hiệu quả của đợt tổng kiểm tra này khá thuyết phục khi tác động mạnh tới ý thức tuân thủ quy định pháp luật về giao thông đường bộ. Nhiều chủ xe máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy, thứ mà lâu nay họ thấy không cần thiết. Tuy nhiên, lo ngại về sự lạm quyền, gây phiền toái cho dân của cảnh sát giao thông cũng đã xuất hiện.
Trong số 230.000 lượt phương tiện đã bị dừng, chỉ 49.000 trường hợp có lỗi phải xử lý. Tức khoảng gần 80% số phương tiện bị buộc dừng khi đang tham gia giao thông mà không có lỗi gì.
Người dân đang tham gia giao thông bị gián đoạn để "kiểm tra", giống như những đứa trẻ nhà tôi đợt vừa rồi bị gián đoạn buổi học online do ông anh lớn của chúng muốn kiểm tra điện thoại đột xuất. Đó là sự phiền toái không hề nhẹ. Chả là đợt giãn cách xã hội vừa rồi, để kiểm soát việc bọn trẻ lạm dụng điện thoại, tôi trao cho cậu con lớn việc kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng điện thoại của các em.
Cu cậu làm việc rất trách nhiệm. Thời gian đầu, trước sự giám sát của đại ca, các em cậu nghiêm túc chấp hành, chỉ sử dụng điện thoại để học và làm bài tập online. Tuy nhiên, sự nghiêm túc tuyệt đối không kéo dài khi bọn trẻ nhận ra không phải lúc nào ông anh chúng cũng có thể giám sát. Đứa tranh thủ chơi game, đứa tranh thủ "chat chit". Và ông anh bắt đầu áp dụng chế độ kiểm tra đột xuất điện thoại của các em.
Để không bị mách bố, các em cậu đành phải hoặc lấy lòng, hoặc hối lộ ông anh, chấp nhận bị sai vặt. Đại ca cảm thấy rất sung sướng với quyền lực của mình, và nghĩ ra đủ thứ để hành các em. Những ngày sung sướng của ông anh không kéo dài được lâu. Các em cậu chán bị sai vặt nên sử dụng điện thoại đúng quy định để tước bỏ quyền lực của "kẻ giám sát". Tất nhiên, ông anh của chúng không chấp nhận sự thật này, cậu bắt đầu thường xuyên kiểm tra điện thoại của các em, vào bất cứ lúc nào cậu muốn, kể cả những lúc lũ em đang sử dụng để học tập, với ý niệm "kiểu gì cũng tìm ra lỗi nào đó".
Cậu con lớn của tôi, xuất phát từ việc nhận nhiệm vụ giúp bố kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng điện thoại của các em đã nhanh chóng lạm dụng quyền hạn của mình để trở thành một kẻ áp bức. Còn những đứa em thì sao? Từ chỗ nghiêm chỉnh chấp hành quy định, đến hối lộ anh để được vi phạm, và cuối cùng trở thành nạn nhân của quyền lực cho dù có vi phạm hay không.
Phản ứng của chúng khá tiêu cực, đó là bỏ điện thoại, bỏ học online với lý do "quá phiền toái". Để ổn định tình hình, ông bố, là tôi, buộc phải có các giải pháp hạn chế sự lạm quyền của cậu con lớn. Tuy nhiên, khi đó, mối quan hệ của bọn trẻ đã trở nên rất xấu.
Đợt tổng kiểm tra này của cảnh sát giao thông kéo dài từ 15/5 đến 14/6. Tức trong vòng một tháng, mọi người dân ra đường có thể bị dừng xe kiểm tra bất cứ lúc nào, dù có vi phạm luật hay không. Dĩ nhiên, hiệu quả về nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật tức thời của dân chúng khi tham gia giao thông khá lớn. Song một tháng cũng là khoảng thời gian đủ dài để tác động tới cảm xúc tiêu cực của dân chúng với những nguy cơ lạm quyền của lực lượng thực thi công vụ.
Khi trao đi quá nhiều quyền lực, bên cạnh tính hiệu quả cũng cần nghĩ tới các biện pháp kiểm soát sự lạm quyền, trước khi điều đó khiến mối quan hệ giữa dân và lực lượng chức năng trở nên xấu hơn./.