Cưỡng chế tháo dỡ 14 biệt thự xây dựng không phép
Ngày 18/9, UBND TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã tiến hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 14 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai trong khu vực 79 căn biệt thự xây dựng trái phép ở khu đất 18,9ha đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn xã Dương Tơ.
Lực lượng cưỡng chế đã thực hiện tháo dỡ 14 căn biệt thự trái phép với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 7.278m2 đồng thời, di dời tài sản, trang thiết bị ra khỏi diện tích đất đã bị chiếm, giao lại diện tích đất cho UBND xã Dương Tơ quản lý theo quy định.
|
UBND TP Phú Quốc vừa cưỡng chế 14 biệt thự không phép. |
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, sau khi cưỡng chế 14 căn biệt thự sai phạm, thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để cưỡng chế thêm 6 căn biệt thự tiếp theo.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, quan điểm của tỉnh Kiên Giang là cưỡng chế tất cả 79 biệt thự xây dựng không phép. Tuy nhiên, tỉnh và TP Phú Quốc rà soát lại các hồ sơ để tiến hành cưỡng chế đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2007, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định về việc thu hồi đất và giao cho UBND huyện (nay là thành phố) Phú Quốc để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện quy hoạch Khu du lịch dân cư Bắc và Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ với tổng diện tích 10.544.620,56m2.
Năm 2022, UBND TP Phú Quốc phát hiện một số đối tượng đã tự ý vào khu vực đất quy hoạch khu du lịch dân cư Bắc và Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ để xây dựng công trình, vật kiến trúc khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
UBND tỉnh Kiên Giang thành lập Tổ Công tác đặc biệt kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc. Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra và tham mưu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Dương Tơ, trong đó có khu vực trên.
Qua kết quả kiểm tra đã phát hiện một số trường hợp chiếm đất Nhà nước quản lý, trong đó có 14 trường hợp trên. UBND TP Phú Quốc đã chỉ đạo UBND xã Dương Tơ phối hợp các đơn vị liên quan lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 14 trường hợp trên theo đúng quy định. Trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan để xác lập hồ sơ xử lý vi phạm, các cá nhân trên không cung cấp được giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định, không có nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
UBND TP Phú Quốc ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 14 cá nhân trên. Sau khi ban hành các quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 14 trường hợp trên, các cá nhân cố tình né tránh, không tự nguyện chấp hành thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Sau đó, UBND TP Phú Quốc đã ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Đến nay đã hết thời gian để các đối tượng vi phạm tự nguyện khắc phục hậu quả.
Trách nhiệm người đứng đầu địa phương như thế nào?
Vì sao chậm xử lý 79 căn biệt thự, trách nhiệm người đứng đầu địa phương như thế nào trong việc để xảy tình trạng trên? Là câu hỏi được báo chí đặt ra với Chủ tịch UBND TP Phú Quốc.
Trả lời báo chí, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết, nguyên nhân chậm xử lý là do địa phương không đủ lực lượng để cưỡng chế đồng loạt. Số lượng cá nhân vi phạm nhiều và cư trú ở nhiều địa phương nên việc lập hồ sơ xử lý mất nhiều thời gian.
“Vi phạm trong vụ việc không phải một mà rất nhiều đối tượng. Có người ở TP HCM, có người ở Bắc Ninh, có người ở Hà Nội…Khi lập hồ sơ về vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế có rất nhiều quy trình, thủ tục. Thậm chí, quyết định cưỡng chế gửi cho người vi phạm thì chúng tôi phải cử cán bộ đi đến nơi người vi phạm tạm trú, sinh sống để niêm yết quyết định ở xã, ở phường nơi họ cư trú, tốn rất nhiều thời gian”, ông Hưng nói.
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, sau khi cưỡng chế 14 căn biệt thự trong ngày 18/9, địa phương sẽ thống kê có bao nhiêu căn đã cưỡng chế, bao nhiêu căn tự nguyện tháo dỡ và còn lại bao nhiêu căn để cung cấp cho báo chí. Thời gian tới, thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, cưỡng chế các căn còn lại trên tinh thần làm quyết liệt, không có vùng cấm.
Về trách nhiệm người đứng đầu, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, kể cả xã, phường tập trung kiểm tra, xử lý, không để phát sinh thêm tình trạng xây mới không phép.
“Chúng tôi chẳng sung sướng gì khi cưỡng chế, bởi đây là bước cuối cùng rồi. Tuy nhiên, để đảm bảo theo quy định của pháp luật, tính thượng tôn của pháp luật chúng tôi phải làm. Phần nào về trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ khắc phục yếu kém để làm cho tốt hơn”, ông Hưng nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, khi đập một căn nhà trị giá cả tỷ bạc cũng xót lắm, nhưng không thể không làm.
Liên quan đến vụ việc 79 căn biệt thự xây dựng không phép, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can: Nguyễn Đạt Nghĩa, Ngô Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Văn Giàu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng đã xác định được 3 bị hại. Hiện vụ án đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang truy tố các bị can này.
Để xảy ra vi phạm đất đai, nhiều cán bộ bị xem xét, kỷ luật
Tháng 8/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đã họp xem xét xử lý kỷ luật đối với 3 đảng viên theo Thông báo kết luận số 1113 ngày 3/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc; ông Trần Chiến Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (hiện là Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang) và ông Trương Thành Tấn, Chánh Thanh tra TP Phú Quốc.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về quản lý, sử dụng đất đai.
Ông Trần Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc có vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực phụ trách để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Ông Trương Thành Tấn, Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra TP Phú Quốc, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phú Quốc, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng nhiệm vụ, ông có khuyết điểm, vi phạm trong tham mưu UBND thành phố về quản lý, sử dụng đất đai để xảy ra vi phạm.
Tháng 4/2023, UBND TP Phú Quốc đang làm quy trình kiểm điểm nhiều cá nhân và tập thể để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng theo Kết luận thanh tra số 10/KL-UBND ngày 2/3.2023 của UBND tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2018-2022.
Các tập thể bị kiểm điểm gồm: Đội trật tự quản lý đô thị Phú Quốc, Phòng Tài nguyên và Môi trường Phú Quốc, UBND 2 phường Dương Đông, An Thới và UBND các xã: Cửa Cạn, Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Gành Dầu, Bãi Thơm.
Về trách nhiệm cá nhân, có 28 người là cán bộ lãnh đạo từ cấp trưởng, phó phòng trở lên và chủ tịch UBND các xã của 10 đơn vị nêu trên bị đề nghị kiểm điểm. Trong danh sách bị kiểm điểm còn có 17 cán bộ, công chức, viên chức cấp xã là các cán bộ địa chính của 8 xã, phường giai đoạn năm 2018-2022.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng làm quy trình kiểm điểm nhiều cán bộ thuộc diện tỉnh quản lý do có sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự tại TP Phú Quốc, giai đoạn năm 2018-2022.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, tại TP Phú Quốc đã xảy ra hàng loạt vụ bao chiếm đất rừng, đất bãi biển, đất do Nhà nước quản lý, cùng với việc xây dựng trái phép, không phép tràn lan trên địa bàn. Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò quản lý các cơ quan chức năng và trách nhiệm của các cán bộ địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm video Buộc Mường Thanh Sơn Trà tháo dỡ công trình sai phạm trong 365 ngày