Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tối nay (25/10) đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.
Từ ngày 6-25/10 mưa lũ đã làm 130 người chết, 18 người mất tích bao gồm cả 12 người tại thủy điện Rào Trăng 3.
885 nhà bị hư hỏng, trong đó thiệt hại nhiều nhất là Quảng Nam 210, Quảng Bình 129; Quảng Trị 175; Quảng Ngãi 161.
Đến hôm nay còn 326 nhà bị ngập giảm 274 nhà so với hôm qua (24/10).
|
Hàng trăm ngôi nhà ở miền Trung bị hư hỏng sau nhiều ngày hứng chịu mưa lũ. |
Về nông nghiệp hơn 1.400 ha lúa bị ngập; 7.800 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 7.039 con gia súc và 927.792 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Nhiều tuyến đường còn sạt lở ách tắc như đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 16 điểm hay ở tỉnh Quảng Bình với các điểm ở Quốc lộ 12C, 12A, 9B, 9C, 9E.
Tỉnh Quảng Trị có quốc lộ 15D còn 11 điểm sạt lở Tỉnh Thừa Thiên Huế có quốc lộ 49 còn 6 điểm cấm ô tô, chỉ cho xe máy và người đi bộ lưu thông.
Kể từ khi xảy ra mưa lũ đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 267 xã, hiện còn 28 xã còn bị cắt điện, gồm Hà Tĩnh 6 xã, Quảng Bình 8 xã, Quảng Trị 10 xã, Thừa Thiên Huế 1 xã, Quảng Nam 3 xã.
Hỏa tốc ứng phó bão Molave
Cũng trong tối nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã gửi công văn hỏa tốc tới các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận sẵn sàng ứng phó với bão Molave ngày mai sẽ vào Biển Đông.
Theo BCĐ cơn bão có đường đi và cấp độ tương tự bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa tháng 11/2017), đã gây thiệt hại cho hàng loạt tỉnh, trong đó nặng nề nhất là tỉnh Khánh Hòa.
|
Dự báo thời tiết 26/10: Miền Trung mưa liên tục, "nín thở" chờ bão Molave |
Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển, tránh trú; hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai neo đậu tại các cảng. Tại khu neo đậu, tránh trú, cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra việc neo đậu; không để người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ.
Rà soát, có phương án bảo vệ nuôi trồng thủy sản, cương quyết đưa người dân vào bờ, không để lại trên lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn. Chính quyền cơ sở phải kiểm tra việc chấp hành của người dân, bố trí lực lượng bảo vệ tài sản cho người dân trú tránh bão.
Sẵn sàng đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển. Triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng...
Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài ngày.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông, nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là các tình huống xả lũ khẩn cấp.