Dưới đây là 10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2023 do Báo Tri thức và Cuộc sống bình chọn.
1. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp mặt các nhà giáo
Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đã có buổi gặp gỡ khoảng 700.000 giáo viên các cấp từ 63 điểm cầu trong cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, có người khuyên ông không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao. “Mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này”, ông Sơn nói.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sáng 15/8. |
Tại buổi gặp gỡ này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trực tiếp lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của các thầy cô giáo và giải đáp nhiều vấn đề “nóng”, được các giáo viên quan tâm như vấn đề về lương, dạy học tích hợp…
Với trên 6.500 câu hỏi chuyển về, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức và chỉ đạo các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điểu chỉnh chính sách.
2. Tổng kết 10 năm Nghị quyết 29
Ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
|
Ảnh minh họa. |
Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đối với giáo dục, cũng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.
Năm 2023, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong đó, việc Ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; Triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường; Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận.
3. Đề nghị giao Bộ GD&ĐT làm sách giáo khoa
Ngày 25/12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Trong đó, yêu cầu Bộ GD&ĐT tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, Nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ban hành ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014, là "chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa". Điều đó đã dẫn tới nhiều sai sót ở nội dung 18 cuốn sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong những tồn tại nêu trên, đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ này tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Trước đó, tại phiên giám sát về thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc, bỏ đề xuất của Đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ cuối tháng 7 về việc giao Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
Cho rằng, chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi, vậy có cần một bộ SGK của Nhà nước hay không?
Đây cũng là nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận với những tranh cãi trái chiều. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc không cần thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT, vì dễ dẫn tới “xóa sổ” chủ trương xã hội hóa, quay trở lại thời độc quyền sách giáo khoa.
4. Trò đánh cô giáo, nhức nhối nạn bạo lực học đường
Ngày 4/12, clip ghi lại cảnh một nữ giáo viên tại Trường Trung học Cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị nhóm học sinh quây lại, ném đồ vào người kèm những lời xúc phạm đã khiến dư luận rúng động sau một loạt các vụ việc bạo lực học đường nhức nhối vẫn chưa nguôi trước đó.
|
Hình ảnh nam sinh có hành vi chửi bới, khiêu khích đối với cô giáo ở Tuyên Quang.( ảnh từ video clip). |
Trả lời chất vấn chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu thống kê từ 1/9/2021 đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.
Các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là nhiều học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục rất lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý.
5. Học sinh Việt Nam tiếp tục lọt top 10 thi Olympic quốc tế 2023
Năm 2023 cũng là một năm gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế, khu vực.
Với 08 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 04 Bằng khen, các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi liên tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất và có nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất.
|
GS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn (giữa) và các thành viên đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế 2023. |
Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đạt thành tích cao nhất với 3 huy chương vàng và một huy chương bạc, duy trì vị trí top đầu trong kỳ thi này (đứng thứ 3 toàn đoàn xét về số lượng huy chương vàng, trong đó, 2 học sinh nằm trong top 10 thí sinh có điểm cao nhất).
Đội tuyển Olympic Toán học quốc tế giữ vị trí thứ 2 với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Với kết quả đạt được, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 6/112 quốc gia, sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Rumania và Nhật Bản.
Học sinh Olympic Vật lý quốc tế mang về 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và một huy chương đồng.
Tại Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương, 6 học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, trong đó có 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Việt Nam xếp thứ 9/36 nước và vùng lãnh thổ tham dự.
Ba học sinh tham dự Olympic Sinh học mang về một huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Tại Olympic Tin học quốc tế, học sinh Việt Nam đoạt một huy chương vàng, 2 huy chương bạc và một huy chương đồng, đứng trong nhóm 9 nước và vùng lãnh thổ đạt kết quả cao theo bảng tổng sắp huy chương.
Cuối cùng, tại Olympic Vật lý châu Á, cả 8 học sinh Việt Nam tham dự đều đoạt giải, gồm 4 huy chương đồng và 4 bằng khen. Trong số các quốc gia tham dự, chỉ 7 quốc gia đoạt 100% số giải.
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục đóng góp nhiều thành viên nhất trong đội tuyển thi Olympic Quốc tế cả nước với 13 học sinh (trên tổng số 37), có mặt tại tất cả các đội tuyển và chiếm hơn 1/3 thành viên của các đội tuyển.
6. Hai giảng viên lĩnh án vụ lộ đề thi Sinh năm 2021
Chiều 14/7, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ làm lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm 2021.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (SN 1963, nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) mức án tù 13 tháng 4 ngày (bằng thời gian tạm giam) vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ông Bùi Văn Sâm (SN 1949, nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) lĩnh án 12 tháng cải tạo không giam giữ vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ông Phan Khắc Nghệ giảng dạy trên mạng Internet có nhiều nội dung giống với tài liệu do bà My và ông Sâm biên soạn và đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh năm 2021. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, không có căn cứ xác định ông Nghệ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác hoặc cố ý làm lộ bí mật công tác, nên không có căn cứ xử lý.
Đây là vụ án đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
7. Lịch sử không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc
Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT phê duyệt, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
|
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
8. Lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong thang bảng lương
Trong số 6.000 ý kiến giáo viên gửi về Bộ GD&ĐT trước buổi gặp gỡ của Bộ trưởng với các nhà giáo, có gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
|
Ảnh minh họa. |
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong thời gian tới khi thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, đặc biệt là quán triệt Nghị quyết 29 của T.Ư, theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. "Điều này là nhất quán", bà Trà nhấn mạnh.
Về triển khai, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát quy định tiền lương, nhất là tiền lương mới và phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
9. Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức.
Quy định này đã chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng, trong đó có giáo viên. Theo đó, viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 12 năm 2023.
Trước đó, vào tháng 8, 4.168 giáo viên Hà Nội đã gửi tâm thư tới Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh đề nghị được bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Ở tâm thư, các giáo viên đã chỉ ra những bất cập nếu phải thi thăng hạng CDNN. Trong đó, nhấn mạnh tới việc với nhiều thầy cô thế hệ 6-7X, thậm chí 8X, môn Ngoại ngữ và Tin học sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là môn Ngoại ngữ, do nhiều năm không sử dụng.
Sau những bức xúc của giáo viên, Sở Nội vụ Hà Nội đã ra công văn về việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thay vì thi tuyển như kế hoạch trước đó.
|
Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên đại diện cho 4.168 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư tới Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh. Ảnh: NVCC. |
10. Hàng loạt địa phương miễn học phí các cấp học
Trong năm học 2023-2024, các địa phương miễn học phí 100% cho học sinh là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn Với Hà Nam, tỉnh quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn sau khi công bố mức học phí mới. Mức hỗ trợ đúng bằng mức tăng học phí khi thực hiện theo Nghị định 81.
|
Ảnh minh họa. |
Tỉnh Quảng Bình cũng thống nhất chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024 đối với các cấp học công lập trên địa bàn.
Việc miễn học phí cho học sinh nhằm chia sẻ gánh nặng kinh tế với các phụ huynh sau đại dịch COVID-19.
Mới đây, TPHCM cũng đã thông qua nghị quyết, đồng ý miễn 100% học phí cho cấp THCS năm học 2024-2025.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.