Văn phòng giải trừ quân bị Liên hợp quốc (UNODA) đã công bố các tài liệu chi tiết về quá trình mua sắm quốc phòng của các nước châu Phi trong năm 2013. Bản tài liệu gồm có những con số về các vụ mua sắm của một số quốc gia được xác nhận trong năm 2013 nhưng chưa biết chủng loại.
Ví dụ như Trung Quốc cho biết, họ đã cung cấp 11 xe chiến đấu bộ binh không xác định và 12 hệ thống pháo binh cỡ nòng lớn cho Cameroon. Hợp đồng này được liên kết đến sự xuất hiện của xe chiến đấu bộ binh Type 07P và pháo chống tăng tự hành PTL-07 trang bị pháo 105mm trong cuộc duyệt binh vào ngày 20/5/2014.
Tương tự, Trung Quốc cho biết, họ đã cung cấp 24 xe tăng mới cùng 12 hệ thống pháo binh đến Tanzania. Trong cuộc duyệt binh vào ngày 26/4/2014 của lực lượng vũ trang Tanzania đã xuất hiện xe tăng lội nước Type 63 và cối tự hành Type 07PA 120 mm đã xác nhận danh tính các vũ khí trong hợp đồng trên.
|
Các loại xe thiết giáp do Trung Quốc sản xuất đang gặt hái được những thành công đáng kể tại thị trường châu Phi.
|
Trung Quốc cũng đã chuyển giao 30 xe tăng không xác định đến Chad. Danh tính loại xe tăng này sau đó đã được xác nhận là loại Type 59 khi nó xuất hiện trong cuộc duyệt binh của lực lượng vũ trang Chad trong tháng 8/2014.
Trong khi đó, Belarus xác nhận với Liên Hợp Quốc rằng họ đã bán 4 máy bay cường kích Su-24M, 4 trực thăng tấn công Mi-24 cho Sudan. Họ khẳng định không có hợp đồng mua Su-25 như một số nguồn tin đã tiết lộ trước đây.
Sudan cũng nhập khẩu khá nhiều phương tiện chiến đấu bọc thép từ Ukraine. Cụ thể, họ đã mua 20 xe tăng T-72, 20 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, 5 lựu pháo tự hành 2S1 Gvozdika. Không rõ T-72 được xuất khẩu nguyên chiếc hay linh kiện để lắp ráp thành xe tăng Al-Zubair tại Sudan.
Kiev cũng đã bán 5 lựu pháo D-30 122mm cho Sudan. Ukraine cũng đạt được thành công khá lớn tại thị trường châu Phi. Năm 2012, Kiev đã chuyển giao 99 chiếc T-72 cho Ethiopia, 29 chiếc khác được chuyển giao trong năm 2013.
|
Phần lớn vũ khí Nga bán cho châu Phi đều tập trung tại Algeria.
|
Trong bản công bố về xuất khẩu vũ khí của Ukroboronprom (công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukraine) cho biết, vào tháng 06/2011 họ đã ký một thỏa thuận trị giá 100 triệu USD để cung cấp hơn 200 xe tăng T-72 cho Ethiopia. Không rõ giao hàng đầu tiên có được thực hiện trong năm 2011 hay không vì Ukraine không gửi báo cáo cho UNODA trong năm 2011.
Ethiopia cũng tậu hơn 12 chiếc trực thăng tấn công Mi-24 từ Ukraine, 12 chiếc MiG-23 từ Bulgaria. Những chiếc MiG-23 bị tháo dỡ vì hết tuổi thọ và không có vũ khí. Có lẽ Ethiopia mua những máy bay này để lấy phụ tùng cho đội bay của họ.
Bulgaria cũng xác nhận việc cung cấp lựu pháo kéo xe D-30 152mm cho lực lượng vũ trang Congo. Trong khi đó phần lớn vũ khí xuất khẩu của Nga tập trung cho thị trường Algeria bao gồm 101 xe tăng chiến đấu chủ lực và 10 xe bọc thép.
Algeria cũng đang trong quá trình đàm phán mua lô thứ hai xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S để nâng tổng số xe tăng T-90 của họ lên 305 chiếc. Theo báo cáo của UNODA quốc gia khác mua vũ khí Nga là Ghana, nước này đã mua 4 trực thăng vận tải đa năng Mi-171Sh.
Loại vũ khí phương Tây duy nhất có mặt trong báo cáo của UNODA là xe chiến đấu bộ binh F430 của Anh. Mozambique xác nhận họ đã nhận được chiếc đầu tiên trong tổng số 40 chiếc F430 từ Anh vào năm 2013. Ngoài ra, Anh cũng đã xuất khẩu 20 chiếc xe bọc thép Saxon cho Mozambique. Rwanda - một quốc gia nhỏ của châu Phi chỉ nhận được 1 chiếc F430 từ Anh.