Theo Sputnik, là một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới danh sách vũ khí dành cho xuất khẩu của Nga ngày càng được mở rộng kể cả các loại vũ khí hiện đại nhất của nước này như máy bay chiến đấu, xe tăng chiến đấu chủ lực và tàu khu trục đến hơn 60 quốc gia trên thế giới. Bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria, Venezuela, Việt Nam và Iraq.
Trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Nga, Iran nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng hứa hẹn sẽ sớm lọt top 5 quốc gia mua vũ khí nhiều nhất từ Nga, sau khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran được gỡ bỏ.
|
Vũ khí Nga đang thống trị thị trường vũ khí thế giới tại bất kỳ đâu chúng xuất hiện.
|
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga hiện tại đang nắm giữ 27% thị phần thị trường vũ khí thế giới và dự kiến con số này sẽ còn tăng trong tương lai. Trong những năm gần đây thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga đã tăng 40% kèm theo đó là doanh thu ấn tượng theo từng năm ước tính trị giá 14.4 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2013-2014.
Xu hướng này hứa hẹn sẽ còn tăng thêm trong tương lai gần khi có một thực tế rằng vũ khí do Nga sản xuất nói chung rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại từ Mỹ. Điển hình có thể so sánh tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30 của Nga và McDonnell Douglas F-15 Eagle của Mỹ hay tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm xa S-300 và MIM-104 Patriot. Vũ khí Nga luôn có ưu thế vượt trội hơn hẳn.
Một ví dụ khác rõ nét hơn là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 M1 Abrams của Mỹ và T-90 của Nga. Ngoài việc có giá thành đắt hơn M1 Abrams còn được đánh giá tác chiến kém hiệu quả hơn T-90.
|
Đắt tiền hơn không đồng nghĩa hiệu quả hơn và minh chứng là trường hợp giữa T-90 và M1 Abrams.
|
Bán chạy nhất trong thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga gồm tiêm kích Su-27, tiêm kích đa năng Su-30 và máy bay chiến đấu đa năng MiG-29, bên cạnh đó cũng có các dòng trực thăng vận tải đa năng, trực thăng tấn công. Vũ khí mặt đất gồm có xe tăng T-90, xe chiến đấu bộ binh và các tổ hợp tên lửa phòng không, trên biển gồm các dòng tàu khu trục, tàu tuần tra ven bờ và tàu ngầm cùng đạn dược đi kèm.
Vũ khí của Nga còn tạo được sức hút hơn nữa thông qua các chiến dịch quân sự chống khủng bố mà Nga đang tiến hành ở Syria. Hiểu rõ được điều này các công ty quốc phòng Nga nhanh chóng chớp lấy cơ hội phô diễn hầu hết những sản phẩm tốt nhất của mình tại Syria. Trong đó hai cái tên được nhắc tới nhiều nhất là mẫu tiêm kích bom Su-34 và tên lửa hành trình Kalibr.