Lực lượng tuần duyên Mỹ: hạm đội bị bỏ rơi

Google News

Theo Cựu Chuẩn Đô đốc Terry McKnight, lực lượng tuần duyên Mỹ gánh vác nhiều trọng trách nặng nề nhưng lại không được đầu tư đầy đủ.

Lực lượng "bị bỏ quên"
Trong vài năm qua, đã có nhiều cuộc tranh luận trong Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) về yêu cầu duy trì hạm đội hải quân đủ mạnh để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng tăng từ phía các chỉ huy tác chiến.
Trong một bài bình luận gần đây trên tờ Wall Street Journal, Thư ký Hải quân Mỹ Ray Mabus cho rằng quy mô của hạm đội hải quân rất quan trọng, nó cho phép Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ duy trì sự hiện diện trên toàn cầu.
Tuy nhiên, có một bộ phận trong cấu trúc an ninh quốc gia của Mỹ luôn bị bỏ quên và không được đầu tư đầy đủ, đó là lực lượng tuần duyên Mỹ.
Đây là lực lượng phải thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi khắt khe nhất để góp phần bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ, như thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ khu đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ...
Lực lượng tuần duyên Mỹ phải đảm nhận các nhiệm vụ với nguồn ngân sách hàng năm vào khoảng 10 tỷ USD và quy mô nhân lực còn nhỏ hơn cả Sở cảnh sát thành phố New York.
Năm 2009, cựu Chuẩn Đô đốc Terry McKnight, khi đó là chỉ huy Đội đặc nhiệm hỗn hợp 151, đã trực tiếp chứng kiến những đóng góp tuyệt vời mà các biệt đội thực thi pháp luật (LEDET) của lực lượng tuần duyên mang lại cho Hải quân Mỹ trong các chiến dịch triển khai.
Phần lớn các sĩ quan hải quân được đào tạo rất ít các kỹ năng cần thiết để có thể bắt giữ cướp biển có vũ trang ngoài khơi.
Luc luong tuan duyen My: ham doi bi bo roi
 Tàu tuần duyên Waesche (WMSL-751) lớp Legend, tàu đổ bộ USS Germantown (LSD 42) của Mỹ và tàu đổ bộ KRI Banda Aceh (BAC 593) của Hải quân Indonesia trên biển Java năm 2012.
Đô đốc McKnight cho biết ông đã may mắn dẫn dắt một biệt đội được đào tạo chuyên nghiệp và nhờ vậy, đã có thể bắt giữ một nhóm cướp biển lớn ở Kenya.
Không những vậy, trong thời kỳ hoạt động cướp biển đang tăng cao ở Vịnh Aden vào mùa xuân năm 2009, tàu Boutwell của Tuần duyên Mỹ đã được triển khai tới khu vực và phá tan nhiều phi vụ tấn công của hải tặc.
Sau sự kiện ngày 11/9/2001, yêu cầu đối với lực lượng tuần duyên Mỹ càng nhiều hơn. Trong khi đó, chính sách cắt giảm ngân sách đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp tới một số yêu cầu nhiệm vụ cơ bản.
Như Hải quân, hạm đội tàu của lực lượng tuần duyên sẽ tiến hành cắt giảm lớn trong vài năm tới và nếu hướng này còn tiếp tục, an ninh quốc gia Mỹ có thể bị đe dọa.
Những thách thức
Tuần duyên Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu tuần tra, khi hạm đội tàu này đang trong quá trình thay mới.
Được đưa vào biên chế từ những năm 1960, 12 tàu tuần duyên lớp Hamilton đã thực hiện tốt nhiệm vụ tại các môi trường tác chiến khắc nghiệt, từ tuần tra biển Bering cho tới các chiến dịch cứu hộ tại những vùng nước dữ ở Bắc Đại Tây Dương.
Hiện tại, hạm đội tàu tuần tra Hamilton của Tuần duyên Mỹ đang được thay thế bởi 8 chiếc lớp Legend.
Với kích cỡ lớn và nhiều khả năng hơn, các tàu lớp Legend là một sự bổ sung có lợi cho Tuần duyên Mỹ.
Tuy nhiên, như ông Mabus đã nói, "quy mô là điều rất quan trọng" và Tuần duyên Mỹ khó có thể thực hiện tất cả các yêu cầu nhiệm vụ khi phải giảm 33% quy mô hạm đội tàu tuần tra.
Ngoài sự kiện 11/9, chiến lược tập trung vào khu vực Bắc Cực cũng đặt ra nhiều yêu cầu hơn đối với Tuần duyên Mỹ. Hiện tại, cả Hải quân và Tuần duyên Mỹ đều không đủ khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực này.
Bên cạnh đó, với chiến lược xoay trục của DoD sang châu Á - Thái Bình Dương, Tuần duyên Mỹ sẽ không đủ khả năng thực hiện tất cả các yêu cầu từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương khi đang trong tình trạng bị cắt giảm tàu tuần tra.
Luc luong tuan duyen My: ham doi bi bo roi-Hinh-2
Các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry.
Một vấn đề khác đối với Tuần duyên Mỹ là quyết định loại biên các khinh hạm lớp Perry. Trong nhiều năm, những con tàu này đã hỗ trợ các biệt đội chống buôn lậu thuốc của Tuần duyên Mỹ và các chiến dịch tại khu vực Caribbean.
Các tàu lớp Legend được tăng cường khả năng phát hiện các mối đe dọa và bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại những vùng biển xa bờ.
Chúng mang lại cho Tuần duyên Mỹ phương tiện hiện đại để ứng phó với các thách thức an ninh biển. Tuy nhiên, chúng không thể hoạt động tại 2 khu vực trong cùng một thời điểm.
Mối lo ngại lớn đối với Tuần duyên Mỹ là không có hạm đội tàu với quy mô đủ lớn để đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
Mỹ sẽ cần rất nhiều những tàu tuần tra này trong tương lai để bảo vệ lợi ích quốc gia tại Bắc Cực và kiểm soát hoạt động thương mại ngày càng tăng tại khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
Theo Chuẩn Đô đốc Terry McKnight, Quốc hội và Bộ An ninh Nội địa Mỹ cần nghiêm túc nhìn nhận để bổ sung tàu tuần tra mới cho Tuần duyên Mỹ, nhằm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu an ninh hàng hải trong tương lai.
Theo Tri Thức Trẻ

Bình luận(0)