Lục lọi kho siêu bom của nước Mỹ (2): bom mây BLU-82/B

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng sử dụng vũ khí phi hạt nhân tàn bạo mang tên BLU-82/B có sức sát thương cực mạnh.

BLU-82/B (Bomb Live Unit-82) là siêu bom đời tiếp theo của Mỹ. Ngoài ra, nó còn được gọi với cái tên Big Blue(BLU) 82. Nó nặng 6,8 tấn, dài 6,6m, đường kính thân 1,37m, chứa 12.600 pound chất nổ GSX (chất nổ ở dạng gel) mang tên DBA-22M mà thành phần chủ yếu là amoni nitrat, bột nhôm, polystyrene.
Tuy nhỏ hơn Cloudmaker khá nhiều nhưng BLU-82 sở hữu sức mạnh vô cùng lớn. Được thiết kế hình dạng bên ngoài như một chiếc bình chứa khí loại lớn cho thấy cấu tạo, cơ chế hoạt động và mục đích của loại bom này cũng có nhiều điểm khác.
Hình hài vũ khí phi hạt nhân tàn bạo Mỹ dùng ở Việt Nam - BLU-82/B.
“Bom nguyên khối”-82 được phát triển với mục đích ban đầu là một công cụ phát quang, tạo mặt bằng tức thời trong chiến tranh Việt Nam, đây là một phần trong kế hoạch Commando Vault. Vào thời điểm bấy giờ, các nhà quân sự Mỹ phát minh ra một chiến thuật chiến tranh mới là “trực thăng vận”. Sử dụng thử nghiệm trực thăng vận tải UH-1, CH-47 để vận chuyển binh lính đồng thời tăng cường vũ trang cho chúng để tham gia tấn công mặt đất trong các chiến dich càn quét. Lực lượng lớn trực thăng đã được huy động nhằm phục vụ cho chiến thuật này. Tuy nhiên, khi phải tiến sâu vào những cánh rừng rậm nhiệt đới, trực thăng cần có những bãi đáp tạm thời.
Để giải quyết, Mỹ nghĩ đến việc sử dụng những loại bom có sức tàn phá lớn theo diện rộng để tạo ra những bãi đáp tức thời. Ban đầu, họ sử dụng bom tấn M121 - loại bom cũ 4,5 tấn có trong kho dự trữ vũ khí, nhưng sau đó bom này được dùng hết và quân đội cũng phàn nàn cần phải có một loại bom mới hiệu quả hơn. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp cho sự ra đời của Big Blue. Theo yêu cầu của Không quân Mỹ 225 trái bom BLU-82 đã được sản xuất.
Quả bom quá lớn so với các máy bay chiến đấu nhưng lại không phù hợp nếu được ném từ máy bay ném bom ở độ cao thông thường nên loại phi cơ duy nhất được sử dụng để “cõng” BLU-82 là “lực sĩ vận tải” C-130 mà chủ yếu là phiên bản MC-130.
 BLU-82 và C-130.
BLU-82/C-130 tạo thành một hệ thống vũ khí, độ chính xác trong tấn công tấn nhiên phụ thuộc vào kíp lái cũng như hướng dẫn của radar mặt đất vì trái bom vẫn chưa có hệ thống tự dẫn. Trong chiến tranh Việt Nam, bom được thả theo sự hướng dẫn của tổ hợp radar MSQ-77 đặt tại PleiKu và Huế và radar của Lính thủy Đánh bộ Mỹ. Đây là một hệ thống ném bom tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Bom tách khỏi máy bay C-130 bằng một bộ dù kéo và dù hãm. Điều này khiến việc thả bom phải thực hiện ở độ cao khá thấp nhằm hạn chế tối thiểu sự sai lệch điểm rơi do thả dù gây ra. Độ cao tối thiểu để thả mà không bị ảnh hưởng bởi vụ nổ của BLU-82 là 1.8 km.
Khoang chứa của C-130 đủ rộng cho 2 trái bom loại này nhưng thực tế chúng chỉ mang 1 trái duy nhất trong các lần hành động vì nếu trong các trường hợp đặc biệt, máy bay không thể thả hết 2 trái bom và buộc phải quay trở về căn cứ, đặc điểm thiết kế của C-130 sẽ khiến nó hạ cánh thiếu an toàn với một trái bom còn lại trong khoang.
BLU-82 được kích nổ bằng ngòi nổ dài 38 inch M904 ở đầu trái bom ngoài ra còn có một ngòi dự phòng M905 ở phần đuôi. Bom nổ lần đầu ở cách mặt đất 30m, hình thành một đám mây mù rơi xuống đất, khi cách mặt đất vài mét sẽ kích nổ lần thứ hai, sinh ra sóng xung kích mạnh, có thể sát thương con người trong bán kính hơn 100m. Vì trước khi nổ nó phải hình thành đám mây nhiên liệu thể tích rất lớn, để nhiên liệu phản ứng kết hợp hết với ôxy trong không khí nên loại bom này cũng được gọi là “bom mây”. Cách kích nổ trên không này giúp tối ưu hóa hiệu ứng san phẳng bề mặt của sóng xung kích đồng thời không để lại hố bom. Cây cối và các chướng ngại vật mềm trong vùng tác sát thương của vụ nổ đều bị đốn nát và thổi bay. Vì vậy, chúng còn được gọi là “Daisy Cutter” (lưỡi chém hoa cúc).
 Sơ đồ kỹ thuật thả bom BLU-82.
Chất nổ dạng GSX được tạo thành từ việc phối trộn các thành phần nổ ở dạng nhớt lỏng và được kích nổ bằng thuốc nổ mạnh. GSX nhạy nổ, có uy lực mạnh nên để đảm bảo an toàn, thông thường, các chất thành phần được lưu trữ riêng biệt ở dạng rắn, không gây nổ, chỉ khi sắp sử dụng người ta mới phối trộn chúng với nhau. Vì tồn tại ở dạng Gel nên việc nạp GSX vào khoang chứa của những trái bom khá dễ dàng, chất nổ tự động nấp kín những ngóc nghách. Đặc tính nay cũng được ứng dụng trong khai khoáng, chất nổ dạng gel được sử dụng ở những nơi địa hình phức tạp, khó có thể đặt chất nổ rắn, người ta sẽ bơm hỗn hợp nổ dạng lỏng này vào các kẽ hốc đá. Thực tế đã chứng minh, đây là một phương án tuyệt vời, tuy nhiện GSX rất đắt so với chất nổ thông thường.
Loại thuốc nổ này bắt đầu được phát triển từ cuối năm 1956 bởi Melvin A. Cook, một giáo sư về luyện kim học của đại học Utah đồng thời là một chuyên gia chất nổ và là nhà phát minh. Ông cũng tham gia phát triển bom BLU-82, trái bom lớn nhất nhất sử dụng thuốc nổ GSX thời bấy giờ.
Daisy Cutter được sử dụng trong thực chiến lầ đầu tiên vào năm 1970 tại biên giới tây nam Campuchia, cách không xa Việt Nam. Sau đó nó được dùng nhiều lần trên khắp Đông Dương như trong cuộc hành quân Lam sơn 719 của quân đội Sài Gòn qua Lào. Nhưng bom được ném nhiều nhất vẫn là ở Việt Nam. Phụ trách công việc này thường là các Không đoàn chiến thuật của Mỹ, sau nay quân đội Sài Gòn cũng được trang bị với số lượng hạn chế hệ thống BLU-82/C-130.
 Vụ nổ của bom BLU-82/B.
Đáng chú ý nhất là trong nỗ lực tuyệt vọng vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến (tháng 4/1975), nhằm cản bước tiến vũ bão của quân giải phóng, tại mặt trận Xuân Lộc, các máy bay C-130 quân đội Sài Gòn đã thả bom BLU-82 xuống khu vực có quân giải phóng. Đây là một hành động điên cuồng, phi nhân tính và đã phải chịu sự lên án mạnh mẽ từ dư luận Quốc tế thời bấy giờ.
Sau những cuộc chiến tại Đông Nam Á, BLU-82 được giữ lại và tiếp tục được sử dụng trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc 1991. Đây là một bước chuyển trong mục đích sử dụng loại siêu bom này, chúng được dùng để nhắm vào con người nhiều hơn. Tất cả các phi vụ ném bom BLU-82 trong chiến dịch này đều được thực hiện bởi máy bay MC-130 của phi đội đặc nhiệm số 8. Cuộc chiến tiếp theo ở Afghanistan, Mỹ sử dụng BLU-82 để đánh vào những mục tiêu nghi ngờ là cơ sở của lực lượng Taliban và Al-Queda.
Quả BLU-82 cuối cùng được dùng vào năm 2008 sau đó nó chính thức nghỉ hưu và hiện nay đóng vai trò làm giáo cụ để đào tạo chuyên biệt “chất và thả” hàng cho không quân cũng như là đồ trưng bày trong viện bảo tàng.
Anh Trần

Bình luận(0)