Lộ 3 kế sách Ấn Độ chặn tàu ngầm TQ trên biển

Google News

(Kiến Thức) - Trang bị đủ tàu ngầm hạt nhân tấn công và chiến lược, mua máy bay chống ngầm P-8I là các kế sách để Ấn Độ chặn đứng tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. 

Theo tờ India Defence Online, tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc nếu hoạt động tại khu vực vịnh Bengal hoặc biển Ả Rập có thể tạo thành mối đe dọa thực sự đối với Hải quân Ấn Độ và sẽ là thách thức lớn đối với khả năng thiết lập hoặc duy trì kiểm soát trên biển của nhóm tàu sân bay chiến đấu INS Vikramaditya tại Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân tấn công của Hải quân Trung Quốc có thể ngăn chặn tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Ấn Độ và làm suy yếu thêm khả năng tấn công hạt nhân lần 2 của Ấn Độ.
 Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093.
Lực lượng của Hải quân Trung Quốc hiện nay, ngoài tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo, còn có dự án đóng tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) và tàu ngầm động cơ điện - diesel. Trong 40 năm qua, dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 091, 093 và 095 của Trung Quốc có tổng cộng khoảng 8 tàu được chế tạo. Điều này đủ để Trung Quốc làm chủ các công nghệ tàu ngầm hạt nhân và sửa chữa lỗi thiết kế (có thể nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài).
Trên thực tế, việc xây dựng kinh tế của Trung Quốc gắn liền với việc trang bị lượng lớn tàu ngầm, điều này có nghĩa là chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành của Trung Quốc vượt xa Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể triển khai tên lửa hành trình có tầm bắn 1.000 km, tên lửa tầm ngắn khác và ngư lôi.
Đối mặt với mối đe dọa này, tờ India Defence Online chỉ ra Ấn Độ cần phải nhanh chóng xây dựng ít nhất là 3 khả năng dưới đây:
- Ấn Độ cần phải có đủ tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN), mới có thể đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân tối thiểu theo chính sách “không lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên”.
Tờ báo này cũng chỉ ra, để ngăn chặn Trung Quốc, Ấn Độ cần phải triển khai ít nhất 6 đến 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công và nhiều tàu ngầm hạt nhân chiến lược tên lửa đạn đạo, số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng vũ khí của tàu ngầm.
 Tàu ngầm hạt nhân tấn công INS Chakra mà Ấn Độ thuê của Nga.
- Thứ 2 là tăng cường giám sát biển, hiện máy bay có khả năng theo dõi chống ngầm của Ấn Độ cơ bản là loại IL-38 và Tu-142 do Nga (Liên Xô) sản xuất. India Defence cho rằng, Ấn Độ cần phải tránh xa công nghệ của Nga đặc biệt là khả năng tác chiến chống ngầm và C4I. Thay vào đó là hướng đến trang bị của máy bay chống ngầm P-8I vì nó có thể sẽ giúp Ấn Độ có được bước nhảy vọt về khả năng tác chiến chống ngầm trên không.
Tuy tần suất theo dõi có thể sẽ được cải thiện, nhưng đối với một khu vực biển rộng lớn như vịnh Bengal hoặc biển Ả Rập, vẫn sẽ là một thách thức lớn đối với việc phát hiện sớm tàu ngầm.
 Máy bay tuần tra chống ngầm P-8I.
- Ba là tác chiến chống ngầm chiến lược, để nâng cao khả năng tìm kiếm tàu ngầm Ấn Độ cần phải cố gắng theo dõi trong lĩnh vực không gian và thời gian. Mà phương pháp hiệu quả duy nhất là triển khai hệ thống cảm biến đáy biển để nâng cao khả năng tác chiến chống ngầm trên máy bay.  
Về vấn đề nắm công nghệ then chốt trong thiết kế và đóng tàu ngầm cũng như phát triển hệ thống tác chiến chống ngầm chiến lược thì Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để đi. Hiện nay Ấn Độ vẫn đang cố gắng phát triển tàu ngầm hạt nhân INS Arihant và sẽ mất chừng vài năm nữa thì chiếc đầu tiên mới có thể hoạt động. Còn dự án đóng tàu ngầm phi hạt nhân sản xuất trong nước vẫn đang bên bờ vực đen tối.
Bằng Hữu

Bình luận(0)