Không quân Ấn Độ đã giúp Mỹ “tỉnh ngủ” thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Thắng lợi tuyệt đối trước Syria (1982), Iraq (1991, 2003) đã khiến Không quân Mỹ nghĩ rằng mình là “vô đối”, nhưng cuộc tập trận Cope India đã khiến Mỹ phải bừng tỉnh.

Diễn tập Cope India 2004 là một dấu mốc quan trọng với Không quân Ấn Độ (IAF), bởi nó cho thấy sự sáng tạo của các phi công Ấn Độ, tính năng của vũ khí Nga cũng như những thiếu sót chết người trong huấn luyện của Không quân Mỹ.
Mỹ: MiG-21Bison và Su-30K rất ghê gớm
Cách đây đúng 10 năm, trong thời gian chỉ 13 ngày, Không quân Ấn Độ giáng một đòn đau như búa bổ vào huyền thoại bất khả chiến bại của Không quân Mỹ. Tại cuộc tập trận Cope India tổ chức tại Gwalior, từ ngày 15-27/2/2004, các phi công Ấn Độ đã thắng Không quân Mỹ với tỉ lệ 9:1, làm chấn động Bộ Quốc phòng Mỹ.
“Họ đã tiến bộ hơn rất nhiều so với dự đoán của chúng tôi … Điều đó đã làm chúng tôi bất ngờ. Dĩ nhiên đây chỉ là diễn tập, nhưng cũng rất đáng lo ngại”, Đại tá Mike Snodgrass, chỉ huy Phi đội 3 của Không quân Mỹ đặt tại Căn cứ không quân Elmendorf, Alaska nói với tờ Aviation Week & Space Technology.
 MiG-21 Bison và F-15C trong tập trận Cope India 2004.
Về những loại máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ mà 6 chiếc F-15C của Phi đội 3 “chạm trán” trong diễn tập, Snodgrass cho biết: “Hai loại máy bay chiến đấu ghê gớm nhất của không quân Ấn Độ là MiG-21 Bison, một phiên bản nâng cấp của MiG-21 do Nga chế tạo, và chiếc Su-30K Flanker cũng được chế tạo ở Nga”.
Về khả năng của phi công Không quân Ấn Độ, Đại tá Greg Newbech của Không quân Mỹ cho biết: “Những gì chúng tôi đã nhìn thấy trong hai tuần qua là IAF có thể đương đầu với những lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới. Tôi lo ngại cho số phận những phi công phải đối đầu với họ”.
“Họ đã đưa ra những phương án tiến công hiệu quả. Máy bay chiến đấu MiG-21 sẽ luôn luôn được những chiếc cường kích MiG-27 Flogger bảo vệ. Các máy bay chiến đấu Su-30K Flanker đã xây dựng liên kết dữ liệu và truyền thông tin cho nhau. Họ thu được những tín hiệu radar chính xác hơn, và đưa ra quyết định chuẩn xác”, ông này nói.
Thời báo Ấn Độ đã tóm tắt cuộc chạm trán trên không: “Không quân Mỹ đánh giá thấp các phi công Không quân Ấn Độ và kỹ năng của họ. Họ nghĩ rằng phi công Ấn Độ cũng chỉ giống như Iran hay Iraq”.
Cá cược điên rồ vì Su-30
Các nhà lãnh đạo Mỹ đã rất bàng hoàng, nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang California Duke Cunningham nói trước một tiểu ban của quốc hội về việc các máy bay F-15C đã bị Không quân Ấn Độ đánh bại trong 90% các cuộc diễn tập.
Cunningham đã tạo nên sự náo động lớn tại Washington DC. Một số nhà quan sát quân sự phương Tây cố gắng để phân tích những kết quả. Vậy điều gì thực sự đã xảy ra?
Đầu tiên, đó là các máy bay F-15C tham gia diễn tập Cope India 2004 đã không được trang bị radar mạng pha quét điện tử chủ động (AESA). Thứ hai, theo yêu cầu của Ấn Độ, Không quân Mỹ đã đồng ý để chiến đấu với tỉ lệ 3-1, có nghĩa là 6 máy bay chiến đấu Mỹ đối đầu 18 máy bay của Ấn Độ. Và cuối cùng, người Mỹ đồng ý không mô phỏng các tên lửa bắn ngoài tầm nhìn (BVR) của họ. Cuộc chiến này có vẻ không công bằng.
 Phi công Mỹ ngồi trên buồng lái tiêm kích đa năng Su-30K.
Nhưng hãy tự hỏi mình, Không quân Mỹ đã thu được điều gì khi chi hàng triệu USD để tham gia một cuộc diễn tập không khác gì bắn gà tây? Tại sao không quân Mỹ lại mang đến những máy bay tốt nhất chỉ để nhận sự thất bại?
Không quân Ấn Độ tin rằng sức mạnh của họ là cuộc không chiến tầm gần, về mặt này họ được huấn luyện kĩ càng không kém gì các lực lượng không quân phương Tây. Thứ hai, trong biên chế không được triển khai máy bay Su-30 MKI Flanker tiên tiến, mà chỉ có những chiếc Su-30K cũ, bởi vì tần số radar của MKI được bảo mật.
Ấn Độ muốn một tỉ lệ cá cược điên rồ nhưng Mỹ vẫn chấp nhận, đơn giản là họ muốn tiếp cận các máy bay Su-30K Flanker càng nhiều càng tốt.
Tại sao Không quân Mỹ thất bại?
Có thể giải thích bằng sự khác biệt trong phong cách chiến đấu của hai lực lượng không quân. Trong khi các máy bay chiến đấu Ấn Độ hình thành đội hình hỗn hợp, phối hợp trên nhiều độ cao, các phi công Mỹ dường như bị mắc kẹt trong kiểu đánh chặn từ thời Chiến tranh Lạnh, với sự điều khiển từ mặt đất, làm mất nhiều thời gian. Những yếu kém trong hoạt động của phi công đã bộc lộ trong không chiến mô phỏng.
 F-15C và MiG-27 tại Cope India 2014.
Ngoài ra, các phi công máy bay chiến đấu của Mỹ được đào tạo trong một hệ thống khép kín với ảo tưởng về ưu thế của Mỹ luôn ngự trị. Niềm tin là số lượng máy bay của Mỹ – giống như việc 1.000 máy bay chiến đấu ném bom đất nước Iraq nhỏ bé. Ưu thế công nghệ cho phép quân Mỹ giành chiến thắng mà không cần phải đổ mồ hôi.
Vào năm 1982, khi 82 máy bay MiG của Syria bị bắn hạ, đổi lại chỉ 2 chiếc máy bay chiến đấu của Isarel do Mỹ chế tạo, đã làm nên huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Không quân Mỹ. Diễn tập Cope India 2014 cho thấy tầm quan trọng của các phi công tài năng, hơn là các máy bay chiến đấu hiện đại.
Cope India 2005: Lịch sử lặp lại
Một năm sau “cơn sốc” Cope India 2004, các phi công Mỹ lại “tái ngộ” những đồng nghiệp Ấn Độ. Các quan sát viên tại Cope India 2005 lại có những bất ngờ mới khi các máy bay F-16 với Su-30K của Ấn Độ.
Cope India 2005 đã chứng minh những thành công của Ấn Độ không phải là ăn may. Đã có giả thuyết cho rằng Ấn Độ chỉ là một quốc gia thế giới thứ ba với công nghệ Liên Xô. Khi Liên Xô không còn, Ấn Độ sẽ chẳng là gì. Nhưng hai cuộc diễn tập Cope India đã chứng minh điều ngược lại.
 Su-30K, F-15C và Mirage 2000 tại Cope India 2004.
Động lực cho sức mạnh không quân
Mười năm sau cuộc diễn tập, Không quân Ấn Độ đã thay đổi nhiều. MiG-21 đang được nghỉ hưu, và MiG-27 cũng sẽ ra đi vào năm 2017. Tuy nhiên, những phiên bản khác nhau của máy bay Su-30KI hiện đại sẽ làm người Mỹ có nhiều đêm mất ngủ.
Đối với Mỹ, Cope India là sự thức tỉnh, trong khi chiến lược của Mỹ giành thắng lợi tại Iraq và Libya, họ lại thất bại trước những đối thủ nhỏ bé nhưng đầy ý chí và sáng tạo như Ấn Độ hay Việt Nam.
Ngoài ra, việc không đánh giá thấp đối phương sẽ là ý tưởng tốt. Ví dụ, trong khi các màn trình diễn của Mirage-2000 và Su-30K của Ấn Độ đều đã được dự kiến, MiG-21 Bison lại là một bất ngờ khó chịu cho Không quân Mỹ. Máy bay cũ kĩ, lạc hậu, nhưng nhỏ bé và rất nhanh nhẹn.
 MiG-21 Bison khiến người Mỹ kinh ngạc trong không chiến tầm gần.
Thêm vào đó, MiG-21 Bison lại được hiện đại hóa mạnh, mang được tên lửa không đối không R-73, khiến nó trở thành sát thủ trong kịch bản chiến đấu trong tầm nhìn. Nó cũng xác nhận tuyên bố của các quan chức Nga rằng họ có khả năng chuyển đổi các máy bay thế hệ thứ 2 MiG-21 đời cuối cho nền tảng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.
Điều này có tác động nghiêm trọng đối với lực lượng Không quân Mỹ. Và may mắn là người Mỹ đã thất bại trong diễn tập, chứ không phải không chiến thực sự.
Lương Minh

Bình luận(0)