Chính những chiếc MiG-21FL đã tạo điều kiện giúp các loại máy bay khác của Không quân Ấn Độ tiêu diệt máy bay địch mà không sợ bị đáp trả, dẫn đến sự bại trận của Quân đội Pakistan, trong chiến tranh Ấn Độ - Pakistan 1971.
MiG-21 có thể là máy bay duy nhất trong lịch sử hàng không đã buộc một quốc gia phải đầu hàng. Các cuộc tấn công tàn phá Phủ Thống đốc tại Dhaka ở Đông Pakistan của MiG-21 đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971.
Chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của Ấn Độ chống lại Quân đội Pakistan đã đưa Quân đội Ấn Độ đến vùng ngoại ô Dhaka chỉ trong vòng 9 ngày. Ẩn náu trong tòa nhà rất lớn, chính phủ bù nhìn của Đông Pakistan đã tuyên bố sẽ không đầu hàng người Ấn Độ.
|
Phi đội MiG-21 Không quân Ấn Độ.
|
11h sáng ngày 14/12/1971, một biên đội 4 tiêm kích MiG-21FL phát hiện mục tiêu Phủ Thống đốc. Sau khi lượn vòng quanh nó một lần, họ đã nhắm vào các mái vòm lớn ở trung tâm, và phá hủy chúng bằng rocket và bom. Quá kinh hoàng trước sức mạnh của MiG-21FL, Thống đốc đã phải xin từ chức ngay lập tức và vội vã đến chỗ trú ẩn của Liên Hợp Quốc để trốn tránh các cuộc không kích.
Đó là chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 (NATO định danh là Fishbed) đã gây nhiều tổn thất nghiêm trọng cho Không quân Pakistan. Với những cuộc tấn công của MiG-21, hơn 93.000 binh sĩ quân đội Pakistan và 7.000 nhân viên dân sự đã phải đầu hàng vô điều kiện. Một thành công ngoài mong đợi.
Fishbed cuồng nộ
Người Nga đã thiết kế MiG-21 là một chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn phòng thủ điểm, có thể hoạt động tốt ở độ cao lớn, nhưng Ấn Độ đã sử dụng nó một cách linh hoạt cho nhiều vai trò. Bên cạnh nhiệm vụ tiêm kích phòng không, MiG-21 đã được sử dụng để tấn công mặt đất, hoặc yểm hộ cho các máy bay tấn công mặt đất của Không quân Ấn Độ, thu hút máy bay địch cách xa các mục tiêu chiến lược, và tuần tra trực chiến trên không.
Khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 3/12, 6 phi đội MiG-21FL của Không quân Ấn Độ được lệnh tham gia chiến đấu, tham chiến trên cả hai hướng đông và tây. Khi chiến tranh kết thúc ngày 16/12, các máy bay MiG đã bị bắn rơi 4 chiếc F-104 Starfighters, 2 F-6 (biến thể xuất khẩu mẫu J-6 Trung Quốc sao chép MiG-19 Liên Xô), một chiếc F-86 Sabre và C-130 Hercules của Không quân Pakistan (PAF).
|
MiG-21FL Không quân Ấn Độ trong chiến tranh với Pakistan năm 1971 đã "hạ đo ván" tiêm kích siêu thanh F-104 do Mỹ chế tạo cung cấp cho Pakistan.
|
Phương Tây cho rằng nhiệm vụ chính của MiG-21 đó là phòng không, hộ tống và đánh chặn. Triển khai tại tất cả các căn cứ chính của không quân Ấn Độ, từ Pathankot ở phía bắc đến Jamnagar phía tây nam, MiG- 21FL đã thực hiện hàng trăm phi vụ và liên tục không chiến với quân địch.
Cuối cùng, MiG-21 đã gặp đối thủ đầu tiên của nó F-104 Starfighter, trong các trận không chiến năm 1971. “Trong cả 4 trận đánh được ghi lại, MiG-21 đều giành thắng lợi trước F-104”, Lịch sử Không quân Ấn Độ cho biết.
“Chiến thắng đầu tiên vào ngày 12/12, khi MiG-21FL của Phi đội số 47 bắn rơi một F-104 của Không quân Pakistan trên Vịnh Kutch, mở đường cho 3 chiến thắng tiếp theo. Ngày 17, khi những chiếc MiG-21FL của Phi đội số 29 đang hộ tống các máy bay chiến đấu HF-24 Marut, đã đánh chặn và bắn hạ máy bay F-104 ở Uttarlai trong khu vực sa mạc Rajasthan. Trong khi đó, một phần ba số F-104, tham gia nhiệm vụ xâm nhập, bị bắn rơi bởi một chiếc MiG-21FL khác của Phi đội số 29”, Lịch sử Không quân Ấn Độ viết.
Đóng vai trò...AWACS
MiG-21FL cũng đóng một vai trò khá độc đáo trong chiến tranh năm 1971. Subhash Bhojwani, một sĩ quan đã từng tham gia chiến tranh cho biết Không quân Ấn Độ đã sử dụng MiG như một máy bay chuyển tiếp trên cao.
|
Pakistan không thể nào tưởng tượng được rằng Ấn Độ lại dùng MiG-21 cho nhiệm vụ chuyển tiếp trên không, dẫn đường cho đồng đội quay về.
|
Sau khi thực hiện các cuộc ném bom đường dài trong lãnh thổ Pakistan, các máy bay ném bom của Không quân Ấn Độ thường gặp khó khăn khi quay trở về căn cứ hạ cánh, vì họ đã bay vượt ra khỏi tầm của các đài radar dẫn đường. “Vì vậy, chúng tôi sử dụng các máy bay MiG-21FL bay ở độ cao 9 km và chuyển tiếp các tín hiệu để các đồng đội của chúng tôi có thể trở về”, Bhojwani nói.
“Chúng tôi sử dụng mật mã”, Pakistan đã chặn một cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhưng họ không bao giờ tưởng tượng rằng đó là một máy bay MiG-21FL bay ở độ cao lớn. Thay vào đó, họ nghĩ rằng người Nga bí mật cho Ấn Độ máy bay AWACS của họ”, ông này nói.
Không kích Badin
Badin là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Không quân Ấn Độ trong chiến tranh. Nằm ở miền nam Sindh, đó là căn cứ của một đơn vị radar mạnh, đảm bảo cho các hoạt động hàng không của Pakistan ở phía Tây Nam. Đó là một món quà từ Mỹ cho Pakistan khi tham gia Hiệp ước Baghdad, và đã gây khó khăn rất nhiều cho Không quân Ấn Độ. Mặc dù nó đã được bảo vệ bởi rất nhiều hỏa lực phòng không, Không quân Ấn Độ vẫn hạ quyết tâm tấn công căn cứ này.
|
Các loại vũ khí mà MiG-21 có thể mang được.
|
Sáng 12/12, hai máy bay MiG-21 đã được gửi đến từ Jamnagar để có được hình ảnh chi tiết của căn cứ radar. Một vài giờ sau, 4 máy bay MiG thực hiện một cuộc tấn công táo bạo, song bom không trúng mục tiêu.
Ngày hôm sau, Không quân Ấn Độ tiếp tục sử dụng MiG-21 tấn công Badin lần hai. Máy bay MiG đã đánh trúng các giàn anten và các cơ cấu phát điện cho tổ hợp radar. Một chiếc MiG bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không, song các hoạt động của Không quân Ấn Độ đã dễ dàng hơn nhiều.
Nỗi kinh hoàng Fishbed
Với sự bảo vệ từ trên cao của MiG-21, các máy bay cường kích Su-7 của Không quân Ấn Độ tha hồ oanh tạc các căn cứ không quân địch, buộc Pakistan phải dời các căn cứ vào sâu trong nội địa. Điều này đã khiến Không quân Pakistan trở nên thụ động, và phải chuốc lấy thất bại.
Từ ngày 8/12, Sở Chỉ huy Không chiến phía Tây của Không quân Ấn Độ đã thay đổi chiến thuật của mình, cố ý thu hút các máy bay chiến đấu Pakistan tham gia không chiến. Nhiệm vụ tấn công được mở đầu bằng việc các máy bay chiến đấu bay ở độ cao lớn, đủ để các radar Pakistan phát hiện ra. Song, do quá kinh hoàng uy lực của MiG-21FL, các máy bay Pakistan đã không dám cất cánh tham chiến.
|
Trong cuộc chiến 1971, MiG-21 Ấn Độ đã khiến cho Không quân Pakistan "khiếp hồn, kinh hãi".
|
Một khi MiG-21 xuất trận, họ không thể nào tấn công nổi các máy bay ném bom Ấn Độ, mà chỉ có thể chuốc lấy thất bại.
Ngoài ra, vì máy bay và phi công của hai bên đều tổn thất liên tục, qua từng ngày, song phía Pakistan bị thiệt hại nặng hơn, nên họ buộc lòng phải giữ gìn số máy bay và phi công ít ỏi còn lại.
“Các máy bay MiG-21 đã chứng tỏ là một hệ thống vũ khí phòng không có hiệu quả cao”, Không quân Ấn Độ cho biết. Nhóm các máy bay MiG bay cao với Hunter và Sukhoi bay thấp là một chiến thuật tuyệt vời. Ưu thế trên không được tạo ra bởi Fishbed cho phép máy bay Ấn Độ khác tha hồ tiến công kẻ thù. MiG-21 thực sự là thần hộ mệnh của cuộc chiến tranh 1971.