Khám phá tàu chiến Nga “nhỏ mà có võ” tới Syria

Google News

(Kiến Thức) - Hải quân Nga sẽ điều thêm 2 tàu hộ tống tên lửa cỡ nhỏ tới bờ biển Syria vào cuối tháng 9 sau khi đưa tới đây hàng loạt chiến hạm lớn.

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, tàu khu trục tên lửa lớp Kashin mang tên Smetlivy sẽ rời căn cứ Sevastopol của Hạm đội Biển Đen trong khoảng thời gian từ ngày 12-14/9 lên đường tới khu vực Địa Trung Hải làm nhiệm vụ.
Sau chuyến đi của tàu Smetlivy tới Địa Trung hải, tới ngày 17/9 thì tàu tuần dương tên lửa Moskva sẽ đến bờ biển Địa Trung Hải lãnh nhiệm vụ chỉ huy đội tàu Hải quân Nga từ khu trục Đô đốc Panteleyev. Và ngày 29/9, 2 tàu hộ tống tên lửa cỡ nhỏ Ivanovets và Sthil sẽ tới bờ biển Syria làm nhiệm vụ. Đây có lẽ là 2 tàu chiến nhỏ đầu tiên của Nga có mặt gần Syria sau một loạt sự điều chuyển các tàu tuần dương, khu trục của Hải quân Nga tới Syria.
Trong đó, tàu hộ tống Ivanovets (số hiệu 954) thuộc lớp tàu Project 12411 (NATO định danh là Tarantul III) được đưa vào phục vụ năm 1989. Con tàu có lượng giãn nước toàn tải 549 tấn, dài 56m, rộng 10,5m, thủy thủ đoàn 50 người.
Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp 2 động cơ tuốc bin khí M-70 (công suất 12.000 mã lực/chiếc) và 2 động cơ diesel M510 (công suất 4.000 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ rất cao trên mặt nước, 78km/h.
 Tàu hộ tống tên lửa Project 12411 Tarantul III.
Về mặt hỏa lực, tàu được trang bị 4 ống phóng tên lửa lắp đạn chống tàu mặt nước siêu thanh 3M80 Moskit (hoặc gọi là P-270 hoặc theo định danh của NATO là SS-N-22).
Đạn 3M80 Moskit dài 9,3m, đường kính thân 0,8m, sải cánh 2,1m, nặng 4,15 tấn, đạt tầm phóng từ 10-120km, tốc độ hành trình vượt âm thanh tới 2.800km/h, lắp đầu nổ xuyên nặng 300kg, dùng đầu tự dẫn radar chủ động. Ở pha cuối tiếp cận mục tiêu, tên lửa bay chỉ cách mặt nước biển khoảng 20m. Trong hành trình bay, đạn tên lửa có thể tiếp nhận thông tin dẫn đường từ tàu chiến khác, trực thăng, máy bay tuần tra biển…
Hỏa lực còn lại của tàu gồm pháo hạm bắn nhanh AK-176M cỡ 76,2mm, 2 tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630 cùng bệ phóng tên lửa đối không tầm thấp Strela hoặc Igla.
Về phần chiếc tàu hộ tống Sthil (số hiệu 620) thì thuộc lớp Project 12341 Ovod (NATO định danh là Nanuchka III). Lớp tàu này lớn hơn so với Project 12411, có lượng giãn nước toàn tải khoảng 671 tấn, dài 59,3m, rộng 12,6m, thủy thủ đoàn 60 người.
Tàu được trang bị 3 động cơ diesel với tổng công suất 30.000 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 59km/h.
 Tàu hộ tống tên lửa Project 12341 Ovod.
Project 12341 Ovod trang bị 6 ống phóng tên lửa chứa đạn chống tàu mặt nước cận âm P-120 Malakhit (NATO định danh là SS-N-9 Siren). P-120 nặng 2,95 tấn, dài 8,8m, đường kính thân 0,76m. Đạn được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cho hành trình chính và động cơ đẩy tăng cường nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn tới 110km, mang đầu đạn sức công phá mạnh nặng 500kg.
Ngoài tên lửa, Project 12341 Ovod còn trang bị một pháo hải quân AK-176 cỡ 76,2mm (đặt ở đuôi tàu), một pháo phòng không AK-630 và một tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp 9K33M OSA-M (cơ số 20 đạn) được lắp ở trước tháp chỉ huy. Đạn tên lửa của tổ hợp OSA-M có tầm bắn khoảng 15km, độ cao diệt mục tiêu 12km.
Nhìn chung, hỏa lực của tàu Ivanovets và Sthil mạnh mẽ trong tác chiến chống tàu mặt nước, tuy nhiên khả năng phòng không lại không quá mạnh. Nhưng trong tác chiến cùng nhóm tàu lớn của Hải quân Nga hiện diện ở gần Syria thì các tàu khác có thể bổ sung, bù lấp điểm yếu này.
Hoàng Lê

Bình luận(0)