Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về trang bị vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác. Riêng Liên Xô, “nếu nói về giá trị thì đó là khoảng 2 triệu USD/ngày trong suốt cuộc chiến tranh. Liên Xô đã đưa sang Việt Nam một số lượng lớn trang bị kỹ thuật gồm: 2.000 xe tăng; 7.000 pháo và súng cối; hơn 5.000 pháo phòng không; 158 tổ hợp tên lửa phòng không; hơn 700 máy bay chiến đấu; 120 trực thăng và hơn 100 tàu chiến”, Nikolai Kolesnik – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam cho biết.
Để huấn luyện bộ đội Việt Nam sử dụng khí tài này chiến đấu, các chuyên gia Liên Xô đã được điều sang Việt Nam. Từ tháng 7/1965 đến cuối năm 1974 đã có gần 6.500 sĩ quan và tướng lĩnh, cũng như 4.500 chiến sĩ và hạ sĩ quan của các Lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở Việt Nam.
|
Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam hàng nghìn trang thiết bị quân sự hiện đại.
|
Trong hoạt động chiến đấu, các tài liệu giải mật ghi nhận các chiến sĩ, sĩ quan Liên Xô cũng trực tiếp tham gia điều khiển hệ thống tên lửa S-75 Dvina bắn hạ máy bay phản lực Mỹ trong giai đoạn đầu của chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Tuy nhiên, ở mặt trận trên không, các tài liệu lịch sử đều không có ghi nhận việc phi công Liên Xô có tham gia lái tiêm kích đối đầu với Không quân Mỹ.
Gần đây, nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh Vladimir Ilyin đã có bài viết tổng kết về cuộc đối đất giữa tiêm kích MiG-17/21 của Không quân Nhân dân Việt Nam và “con ma” F-4 của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Trong bài viết này, ông đã đề cập tới trường hợp phi công Liên Xô tham gia chiến đấu “bất đắc dĩ” chống lại máy bay tiêm kích Mỹ.
Theo bài viết, vào tháng 9/1972, phi công giáo viên Liên Xô và phi công học viên Việt Nam khi đang thực hiện chuyến bay huấn luyện kỹ thuật lái trên chiếc MiG-21US 2 chỗ ngồi không mang vũ khí thì được mặt đất cảnh báo có F-4 Phantom Mỹ đang tiếp cận ở độ cao thấp (khi đó, MiG-21US cách sân bay 8km). Đến thời điểm đó trong thùng dầu của MiG-21 chỉ còn 800 lít nhiên liệu.
Trong nỗ lực thoát khỏi sự bám đuổi tấn công từ F-4, phi công Việt Nam điều khiển máy bay (giáo viên bay ngồi sau) đã cho máy bay quay trượt (một động tác tránh đạn khá khó - máy bay quay tròn quanh trục dọc thân, đồng thời khẽ “lắc” khỏi quỹ đạo thẳng) nên phá được cuộc tấn công của cặp máy bay Mỹ thứ nhất.
|
Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-21US. |
Sau đó, 2 lần chiếc MiG-21US bị các máy bay địch của cặp thứ 2 tấn công, nhưng cả 2 lần phi công đã tăng tốc tránh được những quả tên lửa.
Đợt tấn công thứ 3 của F-4 Mỹ cũng không có kết quả, nhưng việc cơ động mạnh gần mặt đất có tăng tốc đã ngốn hết những giọt nhiên liệu cuối cùng, và kíp lái MiG-21US đã có quyết định đúng đắn duy nhất - nhảy dù thoát hiểm.
Tuy nhiên, khi đang lấy độ cao để nhảy dù (vì máy bay đang ở quá thấp, nhảy dù thoát hiểm không an toàn) động cơ máy bay bỗng im bặt, đúng lúc đó quả tên lửa do F-4 phóng ra đã đánh trúng máy bay. May mắn là kíp lái gồm phi công Liên Xô và Việt Nam đã kịp phóng ra ngoài và hạ xuống đất an toàn bằng dù.
Rất tiếc, bài viết của ông Vladimir Ilyin đã không cung cấp chi tiết thời gian chính xác và thông tin về 2 phi công lái chiếc MiG-21 huấn luyện.
Tài liệu lịch sử sau này ghi nhận việc phi công Triều Tiên từng tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam chống lại các cuộc tấn công ồ ạt của máy bay Mỹ.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân trong thời gian đó cho biết, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, năm 1966, Đoàn không quân chiến đấu CHDCND Triều Tiên với gần 150 người sang Việt Nam. Đoàn được giao cho Trung đoàn 923 (đóng tại sân bay Kép, Lạng Giang, Bắc Giang) quản lý. Toàn bộ máy bay, lương thực, thuốc men... do phía Việt Nam cung cấp.
Trong số quân nhân Triều Tiên, 24 người được giao lái máy bay chiến đấu gồm 14 người được giao máy bay MIG-17B, 10 người được giao MIG-17C (tên gọi biến thể máy bay có thể theo định danh Việt Nam vì dòng MiG-17 Liên Xô không có loại nào gọi là MiG-17B/C). Số còn lại gồm 113 người thực hiện nhiệm vụ tham mưu, chính trị, hậu cần dưới sự chỉ huy của thượng tá Kim Chang Xơn.
Theo tướng Hy, sơ kết đợt đầu chiến đấu năm 1966-1969, Không quân Nhân dân Việt Nam bắn rơi 222 máy bay Mỹ, bắt sống 51 giặc lái, trong đó những chiến sĩ không quân Triều Tiên đã bắn rơi 26 chiếc.