Máy bay: “kẻ thù không đội trời chung” với tàu ngầm
Kể từ khi ra đời, tàu ngầm đã chứng tỏ là một vũ khí tiến công rất hiệu quả, bí mật áp sát, diệt tàu mặt nước của đối phương. Đặc biệt nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới lần 2, tàu ngầm phát xít Đức là “cơn ác mộng” khủng khiếp chưa từng thấy đối với quân đồng minh.
Cho tới tận ngày nay, tàu ngầm vẫn được xem là một trong những vũ khí hải quân “đáng sợ” nhất. Nhưng, “vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”, không loại vũ khí nào là không có phương án khắc chế. Cùng với sự phát triển liên tục của tàu ngầm, thì những loại vũ khí chống ngầm cũng được chú trọng nghiên cứu chế tạo, phát triển, cải tiến ngày càng mạnh mẽ hơn nhằm săn lùng “sát thủ dưới lòng đại dương”.
Một trong những vũ khí khá nguy hiểm trong tác chiến chống ngầm mà đang được nhiều quốc gia áp dụng đó là thiết kế các loại máy bay tuần tra chống tàu ngầm mang nhiều hệ thống trinh sát và “kho vũ khí” rất lớn (5-10 tấn tùy từng loại).
|
Máy bay chống ngầm là kẻ thù nguy hiểm nhất với tàu ngầm.
|
Nếu phải đối đầu với tàu săn ngầm ở mặt biển thì tàu ngầm còn có “cửa thắng” khi có thể dùng ngư lôi hoặc tên lửa hành trình để đáp trả. Nhưng nếu đó là máy bay thì quả thực các tàu ngầm rất khó dành phần thắng khi không có vũ khí phòng không hiệu quả.
Trong khi đó, vì yêu cầu nhiệm vụ, tàu ngầm càng ngày càng phải vào gần bờ hơn. Ví dụ trong chiến dịch ở Libya, tàu ngầm tham gia tiến hành các nhiệm vụ trinh sát, tình báo gần bờ. Khi đó, tàu ngầm dễ dàng trở thành miếng mồi ngon của trực thăng và máy bay tuần tra biển (MPA).
Ở trong vùng nước nông, tàu ngầm rất khó lặn để chạy trốn như ở vùng nước sâu. Điều này khiến tàu ngầm mất đi khả năng đối kháng diệt tàu, mà chỉ có thể tấn công nhanh rồi rút lui, giống như các tàu tên lửa cao tốc. Nhưng các tàu tên lửa cao tốc còn có thể tự bảo vệ mình trước máy bay bằng tên lửa phòng không, còn tàu ngầm thì không.
Đây chính là điều mà Tập đoàn Quốc phòng DCNS và MBDA (Cộng hòa Pháp) muốn bổ sung với thiết kế hệ thống phòng không cho tàu ngầm mang tên A3SM.
Với vũ khí này, họ không tham vọng có thể giúp tàu ngầm có thể chủ động tấn công máy bay. Mà đơn giản là khi không thể lẩn trốn, tàu ngầm buộc phải chống trả. Tình huống này đòi hỏi sự phản ứng nhanh của thủy thủ, vũ khí có thể “bắn và quên”, đồng thời nhanh chóng lặn sâu.
|
A3SM sẽ ít nhiều lấy lại lợi thế cho tàu ngầm.
|
A3SM hoạt động như thế nào?
Trong tác chiến phòng không, để có thể khai hỏa tiêu diệt máy bay địch, thủy thủ đoàn tàu ngầm cần các tham số mục tiêu: phương vị, tầm hoạt động, tốc độ và đường bay của mục tiêu.
Khi đang lặn, thủy thủ đoàn sẽ sử dụng phương pháp phát hiện âm thanh để có được dữ liệu này. Nếu phải đối mặt với trực thăng đang thả các phao định vị thủy âm, thủy thủ đoàn sẽ dễ dàng xác định được phương vị, tốc độ mục tiêu gần như bằng 0, độ cao gần như xác định.
Còn nếu phải đối mặt với một máy bay tuần tra biển, thủy thủ đoàn sẽ sớm nhận biết được mối đe dọa trong khu vực. Tàu ngầm có thể giám sát máy bay bằng hệ thống kính tiềm vọng và thiết bị ngắm quang điện.
Về mặt hỏa lực A3SM trên tàu ngầm thì DCNS cung cấp cho khách hàng 2 giải pháp gồm: biến thể phóng dưới mặt nước và một là phóng trên mặt nước.
A3SM phóng dưới mặt nước
Biến phóng từ dưới mặt nước của A3SM sử dụng thiết bị gọi là VSM. Đây là khoang chống nước, có dạng ngư lôi và bên trong có chứa đạn tên lửa phòng không MICA. Điều đó cho phép tàu ngầm có thể tấn công máy bay kể cả khi đang lặn dưới mặt nước.
|
Thiết bị phóng tên lửa phòng không dưới mặt nước có hình dáng giống quả ngử lôi chứa bên trong nó là quả đạn tên lửa VL MICA IR.
|
Tên lửa MICA có thể sử dụng cả phương pháp dẫn đường bằng radar và dẫn bắn hồng ngoại. Với tầm bắn 20km và tốc độ tối đa lên đến Mach 3, tên lửa MICA là mối đe dọa lớn đối với máy bay địch.
Do diện tích phản xạ sóng radar của trực thăng săn ngầm và máy bay tuần tra biển tương đối thấp, nên tên lửa MICA phóng từ tàu ngầm sẽ sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại. Đầu nổ 12kg của MICA đủ sức hạ gục các loại máy bay này.
Thêm vào đó, VSM mang tên lửa MICA cũng được trang bị động cơ, có thể di chuyển để bất ngờ tấn công (nghĩa là tự động tách rời khỏi tàu ngầm), trong khi tàu ngầm an toàn lẩn tránh.
A3SM phóng trên mặt nước
Biến thể A3SM phóng trên mặt nước được đặt trên cột cùng với kính tiềm vọng của tàu ngầm. Ống phóng do DCNS phát triển có thể chứa 3 đạn tên lửa tầm ngắn MBDA Mistral 2.
Mistral 2 có trọng lượng nhẹ, đạt tầm bắn tối đa là 6,5km và tốc độ Mach 2,5. Một máy quay hồng ngoại từ hãng SAGEM cũng được trang bị cùng hệ thống phóng, làm nhiệm vụ như một kính ngắm quang điện.
Khác với tên lửa MICA, Mistral cần phải được khóa mục tiêu trước khi khai hỏa. Giải pháp dẫn đường tốt nhất với Mistral vẫn là đầu tự dẫn hồng ngoại. Biến thể này nhỏ gọn, thời gian phản ứng nhanh, có thể bắn khi tàu ngầm di chuyển.
|
Tên lửa Mistral 2 được đặt bên trong ống phóng lớn lắp trên cột sẽ nhô lên khỏi mặt nước khi tác chiến phòng không.
|
Tên lửa Mistral được trang bị trên hầu hết các tàu chiến của Hải quân Pháp, từ các tàu sân bay đến tàu tuần tra. Nó đã thể hiện khả năng của mình chống lại nhiều loại mục tiêu gồm: tên lửa diệt hạm, trực thăng và máy bay phản lực.
MBDA có nhiều kinh nghiệm tích hợp tên lửa Mistral trên nhiều nền tảng và bệ phóng (cố định, xe, máy bay trực thăng, tàu ... ) và không có sự khác biệt trong việc tích hợp các tên lửa Mistral để phóng bằng các hệ thống của DCNS.
A3SM: lật ngược thế cờ
DCNS và MBDA đều nhấn mạnh giải pháp phòng không này không yêu cầu phát triển tên lửa riêng, do đó sẽ tiết kiệm chi phí và dễ dàng tích hợp vào hệ thống chiến đấu tàu ngầm.
DCNS và MBDA cũng đã chào hàng cho một số khách hàng tiềm năng và sẵn sàng để hoàn thiện việc nghiên cứu phát triển ngay khi họ nhận được một hợp đồng. Họ ước tính có thể mất ít nhất là 2-3 năm từ khi ký hợp đồng cho đến IOC (có lẽ là hoàn thiện sản phẩm, hoặc giao hàng).
A3SM sẽ lật ngược thế cờ vốn nghiêng về phía máy bay. Tàu ngầm đã có một vũ khí hiệu quả để chống lại máy bay săn ngầm, phá thế độc tôn trên không của máy bay.