Oanh tạc cơ Nga nhận lệnh qua “tin nhắn SMS”

Google News

(Kiến Thức) - Oanh tạc cơ Tu-160 hay Tu-95 của Nga sẽ được trang bị hệ thống liên lạc mới chuyển lệnh tấn công mục tiêu theo nguyên lý điện tín hoặc tin nhắn SMS.

Không quân Nga bắt đầu lắp đặt hệ thống chỉ huy và liên lạc mới cho phép phân phát mệnh lệnh chỉ định mục tiêu cho các máy bay ném bom tầm xa và chiến lược Tu-160, Tu-95 và Tu-22M3. Những máy bay có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất bằng đầu đạn hạt nhân.

Hệ thống chỉ huy hoạt động theo nguyên lý điện tín hoặc nhắn tin SMS, gửi đi các thông báo bằng lời đã mã hoá mang mệnh lệnh về đánh đòn hạt nhân và toạ độ của mục tiêu.

Theo nguồn tin từ Bộ tư lệnh Không quân Nga, các module của hệ thống sẽ được lắp đặt trên máy bay trong thời gian sửa chữa theo kế hoạch. Mỗi năm luôn có vài chiếc máy bay phải trải qua sửa chữa do đã hết dự trữ giờ bay.

Nguồn tin Không quân Nga cho biết thêm, nếu trong hệ thống cũ các phi công phải tự đưa toạ độ của mục tiêu vào hệ thống chỉ huy điều khiển tên lửa, thì trong hệ thống mới các dữ liệu sẽ được tự động nạp vào hệ thống không có sự tham gia của đội bay.

“Tại sở chỉ huy, sĩ quan điều khiển đánh máy văn bản thông báo trên bàn phím của thiết bị thu chuyển phát. Hệ thống gắn cho mỗi ký tự một mã số hoá và gửi nó vào không trung. Sau vài giây, tín hiệu sẽ được truyền đến máy bay và được giải mã trên máy bay”, đại diện không quân mô tả nguyên lý hoạt động của hệ thống.

Cũng theo ông này, hệ thống sử dụng các kênh vô tuyến thông thường và mã hoá dư thừa (mã hoá nhiều lần) để chuyển thông báo. Do đó không cần đến vệ tinh để liên lạc với máy bay, và nếu liên lạc với máy bay bị đứt đoạn, hệ thống có thể khôi phục toàn bộ thông báo từ các đoạn tin. Tín hiệu được gửi đi một chiều từ sở chỉ huy đến máy bay.

“Các hệ thống liên lạc cũ ví dụ như R-099 Chaika khá nhạy cảm với nhiễu vô tuyến, và việc chuyển, giải mã và nạp dữ liệu mất vài phút. Hệ thống mới đẩy nhanh việc xác định lại mục tiêu cho các lực lượng không quân chiến lược lên hàng nghìn lần và loại bỏ hoàn toàn lỗi do “yếu tố con người”, quan chức này cho biết.

Theo ông này, nhờ thuật toán truyền dữ liệu mới nhất hoạt động theo nguyên lý mã hoá nhiều lần, hệ thống thực chất không chịu ảnh hưởng của nhiễu vô tuyến. Vì vậy đối phương sẽ không thể gây khó khăn cho việc chuyển mục tiêu cho các máy bay ném bom chiến lược trước khi đánh đòn hạt nhân.
Hệ thống liên lạc mới hoạt động theo nguyên lý điện tín hoặc tin nhắn SMS đảm bảo tính bảo mật cao.

Chuyên gia quân sự Anton Lavrov giải thích, nguyên nhân chủ yếu ứng dụng hệ thống mới là sự hao mòn thực thể của hệ thống cũ.   

“Không hề có lý do nào khác để nâng cấp hiện đại hoá hệ thống chỉ huy các máy bay ném bom tầm xa. Đơn giản là đến nay không còn nơi nào sản xuất các linh kiện để chế tạo các module liên lạc hiện có, vì vậy để thay chúng đã có quyết định sử dụng cơ sở linh kiện mới. Ngoài ra việc này làm cho hệ thống bền vững hơn trước nhiễu vô tuyến”, ông Lavrov nói.

Ông này cho biết thêm, hệ thống nhận lệnh phóng tên lửa là một trong những khâu dễ bị tổn thương nhất của máy bay ném bom tầm xa.

“Các máy bay ném bom chiến lược thực hiện việc bay tuần tiễu vài chục tiếng bên ngoài căn cứ. Trong thời gian đó, tình hình có thể có  những thay đổi lớn, vì vậy đối với bộ chỉ huy các lực lượng chiến lược việc truyền lệnh đánh đòn hạt nhân nhanh chóng và chính xác cùng toạ độ mục tiêu là quan trọng bậc nhất. Đối với đội bay thì quan trọng nhất là nhận mệnh lệnh này và không phạm sai lầm khi chọn mục tiêu. Đương nhiên đối phương sẽ tìm mọi cách để mệnh lệnh không đến được máy bay hoặc nếu đến thì bị sai lệch. Thực tế không thể gây khó khăn cho việc nhận lệnh trong hệ thống mới”, ông này giải thích thêm.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, hiện chỉ có Không quân Mỹ sở hữu hệ thống kỹ thuật số truyền lệnh đến các máy bay ném bom chiến lược.

Bộ Quốc phòng đã đặt hàng mua các thành phần của hệ thống chỉ huy và liên lạc mới trị giá 11 triệu Rub trong đơn hàng nhà nước. Trong đó có các thiết bị thu phát liên lạc viễn thông mã hoá R-097M. Nhà sản xuất duy nhất các hệ thống này là Viện nghiên cứu khoa học các thiết bị vô tuyến viễn thông Kaluga.



Nguyễn Vũ

Bình luận(0)