Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn bị phanh phui khiến cho nhu cầu thực phẩm sạch nói chung và rau sạch nói riêng của người tiêu dùng rất lớn. Về phía người nông dân, việc sản xuất ra các sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, có đầu ra ổn định và thu được giá trị cao hơn cũng là mục tiêu mà họ luôn hướng tới.
|
Nhiều nông dân chưa thể khá hơn nhờ trồng rau sạch. |
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang xảy ra là: trong khi người tiêu dùng đang khát rau sạch, thì tại nhiều vựa rau sạch, người trồng rau luôn gặp khó khăn về đầu ra, thậm chí nhiều khi phải đổ bỏ...
Bên cạnh đó việc cung - cầu giữa người tiêu dùng và người nông dân cũng tồn tại rất nhiều rào cản, trong số đó có nguyên nhân là do những định kiến đang tồn tại giữa người tiêu dùng với những sản phẩm do người nông dân làm ra và ngược lại.
Người tiêu dùng vận dụng mọi kinh nghiệm để có được sự yên tâm khi sử dụng rau xanh, còn với người bán rau thì an toàn hay không, không quan trọng bằng khách quen. Đó cũng là cách thức tiêu dùng rau xanh phổ biến hiện nay.
Điều này đã dẫn tới hệ lụy là người nông dân nếu sản xuất ra nông sản sạch cũng không biết bán ở đâu. Khảo sát tại một số vùng trồng rau sạch ở Hà Nội cho thấy: phần lớn người trồng rau vẫn phải bán rau cho các thương lái. Do đầu ra không ổn định nên thu nhập từ người trồng rau an toàn không cao, điều này đã không khuyến khích được người trồng rau an toàn.
|
Khái niệm rau an toàn với nhiều người chỉ được bán ở trong siêu thị. |
Có thể thấy, sự định kiến ở đây đến từ cả 2 phía. Người tiêu dùng thì định kiến với người nông dân. Còn chính người nông dân, cũng định kiến rằng người tiêu dùng không tin họ. Kết quả là, những câu chuyện nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh rất cao được nhiều người nhắc đến. Tỉ lệ ung thư và các bệnh đường ruột năm sau hơn năm trước. Trong khi đó, rau củ quả nhập ngoại theo đường tiểu ngạch từ biên giới phía Bắc chiếm lĩnh thị trường. Còn nông sản dán mác “sạch” nhập từ phương Tây, thì luôn có giá trên trời. Đó là một hệ quả xấu khác của định kiếnvề sự an toàn của từng mớ rau.
Hàng ngày, những thông tin về thực phẩm bẩn liên tiếp được nêu ra, từ việc bơm, tiêm trực tiếp trong quá trình nuôi trồng; cho đến sử dụng hóa chất để tẩm ướp, bảo quản thực phẩm... Với tình hình thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, từ mớ rau, trái cây, đến gạo, thịt… việc người tiêu dùng lo lắng về chất lượng thực phẩm sử dụng trong bữa cơm hàng ngày là hoàn toàn có cơ sở.
Một hệ quả tức thời từ những thông tin về thực phẩm bẩn là người tiêu dùng nghi ngại, quay lưng lại với tất cả những sản phẩm do người nông dân làm ra. Để giải quyết vấn đề về lâu dài, chỉ có kiểm soát tốt chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm mới bảo đảm rau an toàn lưu thông trên thị trường thật sự an toàn.
Câu chuyện về định kiến thực phẩm bẩn đang làm người tiêu dùng hoang mang sẽ được phản ánh trong chương trình “Rau an toàn – Cung, cầu vẫn chưa gặp nhau” phát sóng trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối” lúc 20h15, thứ Ba (10/5) trên kênh ANTG. Chương trình được phát lại vào lúc 9h00 thứ Tư (11/5) và 15h00 thứ Năm (12/5) trên kênh ANTG.
Mời các bạn đón xem!