Đáng nói là các cơ sở mộc này là đầu mối tiêu thụ gỗ trái phép, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Vụ việc kiểm lâm cơ động tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng chục mét khối gỗ chôn gần một xưởng mộc tại Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, Quảng Nam là một minh chứng.
Sau nhiều ngày mật phục, kiểm lâm cơ động tỉnh Quảng Nam đã phát hiện một bãi gỗ lậu rất lớn được chôn sâu dưới đất tại xã Trà Mai, thuộc trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Phải cần đến xe xúc mới đưa được hàng chục mét khối gỗ lên khỏi mặt đất. Đây được xem là thủ đoạn cất giấu gỗ kiểu mới của bọn lâm tặc. Lượng gỗ lớn vô chủ này được chôn gần các xưởng mộc, rõ ràng không phải là sự ngẫu nhiên?
Ông Nguyễn tấn Thành – Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, Trên địa bàn huyện đã có trường hợp trại mộc khai thác gỗ trái phép. Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành xem xét và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi vụ việc được phát hiện, ngay trong đêm, hàng chục xưởng mộc khác đã đưa gỗ đi cất giấu ở nhiều địa điểm. Điều này cho thấy, hầu hết gỗ tại các xưởng mộc là gỗ lậu. Mất đến cả ngày, nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn chưa vận chuyển hết số gỗ này về hạt kiểm lâm huyện. Điều đáng nói là lâm tặc đã vận chuyển những tấm phản đường kính gần 1 mét, tập kết sát trạm bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh 2, nhưng, kiểm lâm huyện và cả chủ rừng vẫn không hề hay biết, ngoại trừ kiểm lâm cơ động tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Trị – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thì bức xúc cho rằng, việc này không thể quy hết trách nhiệm cho kiểm lâm. Hiện nay, trên địa bàn Nam Trà My có BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh 2 ở đứng đó và có cái trạm nằm sát luôn trại luôn. Gần trại luôn mà trạm đó không biết thì cái hạt Kiểm lâm ở dưới này trái, không bao giờ biết được. Bởi vì trạm bảo vệ rừng mà chúng lấy gỗ là lấy trên rừng, trạm thì hằng ngày ở đó thì có biết hay không? Lấy gỗ thì chúng đi qua đi lại, còn thực ra, nếu mà dân họ biết họ báo cho Kiểm lâm, kiểm lâm không làm thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thì chi cục đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra vụ việc này. Đồng thời sẽ mở rộng truy quét toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, kiểm tra ráo riết các xưởng mộc, ông cho biết, " cũng có hiện tượng ở dưới đồng bằng người ta lên miền núi và đã ra đóng đồ mộc loại dân dụng. Của ai thì phải quản lý cho được cái cơ sở này, cái nguồn gỗ nhập vào đây đóng đồ mộc và chắc chắn là đối với trường hợp mà dưới đồng bằng mà lên miền núi đóng trên này thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý".
Tỉnh Quảng Nam có 4 cánh rừng phòng hộ quy mô lớn. Hiện nay, khu vực rừng phòng hộ thường xuyên bị xâm hại dưới nhiều hình thức. Riêng tại huyện Nam Trà My, diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hơn 80.000 ha. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, địa phương này đã phát hiện và xử lý nhiều vụ phá rừng quy mô lớn. Các loại gỗ quý ở địa bàn này đã cạn kiệt.
Bảo vệ rừng, ngoài chốt chặn hay truy quét thì không thể xem nhẹ công tác quản lý các cơ sở sản xuất đồ mộc.