Đau đáu câu hỏi: Làm sao để khung dệt không mất đi?
Phan Văn Quyền – một trong 10 lãnh đạo trẻ trong Quỹ Obama (Obama Foundation) đã khởi xướng Ethnicity, dự án tập hợp những người trẻ có cùng chí hướng để bảo tồn và phát triển thổ cẩm của người dân tộc thiểu số, vào cuối năm 2018,
|
Mục tiêu của Ethnicity là sử dụng công nghệ số để bảo vệ và phát triển vải thổ cẩm. |
Dự án ra đời trong bối cảnh chất liệu truyền thống vải thổ cẩm dần bị mất chất bởi công nghiệp may mặc và mai một trước thay đổi của thị trường.
Kể về quá trình hình thành dự án, Nguyễn Linh, thành viên của dự án Ethnicity cho biết, trong những chuyến đi thực tế, mọi người phát hiện nhiều gia đình dân tộc thiểu số cất dần khung dệt; người trẻ không còn mảy may quan tâm đến những giá trị văn hóa của vải thổ cẩm… Từ thực tế này, các thành viên Ethnicity trăn trở và đi đến họp bàn, quyết tâm tìm cách bảo tồn thổ cẩm.
"Mọi người đau đáu về vấn đề này, chúng tôi mong sao những khung dệt không bị mất đi. Sau rất nhiều bàn bạc, thử nghiệm, nhóm quyết định bảo tồn bằng cách số hóa thổ cẩm", Nguyễn Linh chia sẻ.
Theo đó, Ethnicity xây dựng 4 thư viện số hoa văn thổ cẩm gồm thư viện bảo tồn, phát triển, ứng dụng và minh họa. Thư viện bảo tồn hướng đến việc lưu trữ nguyên bản hoa văn gốc, phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu, nâng cao giá trị sản phẩm dệt, tăng giá trị nghề dệt của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thư viện phát triển, ứng dụng, minh họa, hướng tới người trẻ trong lĩnh vực đồ họa nói riêng và người trẻ Việt Nam nói chung, nhằm thúc đẩy hiểu biết văn hoá, thúc đẩy nghề dệt truyền thống, đồng thời lan tỏa bản sắc Việt qua việc ứng dụng các mẫu hoa văn trong đời sống hiện đại.
Hành trình đầy gian nan, khó khăn
Nguyễn Linh cho biết, khi thực hiện dự án, nhóm gặp vô vàn khó khăn. Có những thời điểm cả nhóm phải “lặng” để suy nghĩ, cân đo đong đếm con đường của dự án: “Liệu Ethnicity có đang đi đúng đường?”, “Liệu chúng ta có đang làm đúng phương pháp?”...
Khó khăn khi dự án triển khai nằm ở tất cả mọi mặt: nghiên cứu hoa văn, cách số hóa hoa văn để đúng quy chuẩn (không cách tân, không biến chất), làm sao cho những ngôn từ chạm đến các đối tượng qua truyền thông...
|
Quá trình số hóa thổ cẩm của các bạn trẻ gặp vô vàn khó khăn. |
Lý giải những khó khăn này, Nguyễn Linh cho hay, quá trình nghiên cứu về văn hóa không đơn giản. Bởi không có nhiều tư liệu ghi chép về hoa văn thổ cẩm. Đội ngũ phải thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi còn lưu giữ nghề dệt truyền thống, để tìm hiểu về ý nghĩa và câu chuyện đằng sau các hoa văn. Ngoài ra, sự khác biệt về ngôn ngữ là một khó khăn trong hành trình đó.
Đặc biệt, quá trình số hóa các hoa văn rất phức tạp bởi thổ cẩm là sản phẩm dệt tay 100%, chưa kể đến công đoạn trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu.
Cũng chính vì thế, việc số hóa những hoa văn phải giữ nguyên được những yếu tố cơ bản tạo nên thổ cẩm, như: quy chuẩn kích thước các sợi, các khối với nhau. Mặt khác, quá trình số hóa lại những hoa văn đòi hỏi phải thành thạo các công cụ đồ họa để làm sao kết hợp sự truyền thống và sự hiện đại với nhau một cách hợp lý và dễ đón nhận.
Một khó khăn khác mà trước đó nhóm cũng đặt ra là vấn đề nhân sự. Theo Nguyễn Linh, dự án phi lợi nhuận nên tìm được 1 đội ngũ cùng chí hướng, công việc vất vả lại không có thu nhập là điều rất khó.
Nhưng sau gần 3 năm “thử lửa”, dự án đã có một đội ngũ ổn, trong đó có nhiều bạn là những “Gen Z” năng động, tài năng. Mọi người tham gia dự án đều xác định Ethnicity là một dự án "soul impact" - "ảnh hưởng tâm hồn". Vì thế dù không có thu nhập, nhưng ai cũng được “lời”, cái lời về mặt tâm hồn.
Và những con số biết nói
Nguyễn Linh cho biết, dự án vừa cho ra mắt hơn 200 hoa văn bảo tồn của dân tộc K’Ho và Mạ, hơn 70 hoa văn phát triển được phối màu với màu sắc hiện đại, 30 bộ ứng dụng hoa văn (bao gồm: slide powepoint, CV, card visit, ly, dây đeo…). Tất cả được lưu trữ tại Thư viện số của Ethnicity: https://www.joscreative.com/ethnicity.
|
Hàng ngàn sản phẩm thổ cẩm đã được các bạn trẻ số hóa thành công. |
Kế hoạch tiếp theo của dự án là lan tỏa Thư viện số này đến với những cá nhân thế hệ trẻ, doanh nghiệp Việt Nam để họ có thể biết thêm một nguồn ý tưởng là ứng dụng các thổ cẩm chất Việt (không phải mượn của nước khác, hay không phải lầm với văn hóa của nước khác) vào các bao bì sản phẩm, trang trí phòng ốc…
Và đặc biệt, xa hơn, Ethnicity mong muốn tạo ra vòng tròn hành động bền vững. Đó là bảo tồn, phát triển, giúp người dân tộc thiểu số có công ăn việc làm từ nghề dệt thổ cẩm, giúp vải thổ cẩm không bị mai một và xa hơn là “phủ” thổ cẩm trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Đó mới chính bảo tồn bền vững di sản văn hóa, giữ gìn những bản sắc của dân tộc.
Hiện nay, Ethnicity đang tìm kiếm những nguồn tài trợ ngắn hạn (theo dự án), dài hạn (theo thời gian) để giúp cho hành trình lan tỏa, hành trình nghiên cứu của dự án dễ dàng và hiệu quả hơn.
Mời độc giả xem video: Nhà khoa học lý giải nguyên nhân vụ tai nạn ở Hải Dương. Nguồn: THDT