Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA khẳng định: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
|
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA chủ trị hội thảo. |
Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Bởi tình hình môi trường kinh doanh – tiêu dùng cả trong nước và quốc tế có những biến động so với thời điểm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Theo đó, một số bất cập, hạn chế nổi bật trong các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có thể chỉ ra là: Các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối để tạo hiệu quả điều chỉnh thống nhất. Các yêu cầu, việc phân loại tính chất mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh...
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm bảo vệ người dân tốt hơn và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dự án Luật cần làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước tại các quy định cụ thể trong dự thảo Luật hoặc các luật khác có liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Có ý kiến đề nghị gộp 2 điều (Điều 5 và Điều 6) về chính sách của Nhà nước thành một điều chung, cân nhắc việc luật hóa nội dung “góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” tại khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật.
|
Ông Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA đóng góp ý kiến dự thảo Luật.
|
Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, một số đại biểu đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ví dụ nội dung về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử.
Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật nào có liên quan.
|
Đại diện Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam phát biểu ý kiến. |
Một số ý kiến khác cho rằng, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề kinh phí, nguồn lực và phương thức để đảm bảo các hoạt động cơ bản của Hội. Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và thực hiện để hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung sức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Do đó, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng...
Lắng nghe các ý kiến của tại hội , Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng ghi nhận và biểu dương tinh thần đóng góp thẳng thắn, khoa học và thực tiễn của các đại biểu, đồng thời khẳng định dự án Luật được sửa đổi theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ người dân lên hàng đầu được đặt lên hàng đầu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc Hội nghị