Giữ bản quyền 10 cuộc thi hoa hậu: Cty Sen Vàng “kinh doanh người đẹp”?

Google News

Kinh doanh hoa hậu có thể đúng ở một góc độ nào đó và có thấy các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm sau mưa. Các đơn vị tổ chức rất hứng thú với “ngành công nghiệp nhan sắc” này...

Với việc tổ chức thành công Miss Grand Việt Nam 2022 (Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2022) tối ngày 1/10, lựa chọn người đẹp Long An Đoàn Thiên Ân đăng quang và sẽ dự Miss Grand International - một trong 6 cuộc thi nhan sắc lớn thế giới, Công ty Cổ phần Giải trí Sen Vàng gây chú ý dư luận và càng trở thành chủ đề “nóng” khi được biết là đơn vị nắm giữ 10 bản quyền cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn và uy tín nhất hành tinh, như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Hoa hậu siêu quốc gia, Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương…
Giu ban quyen 10 cuoc thi hoa hau: Cty Sen Vang “kinh doanh nguoi dep”?
 

Năm 2022, Công ty Sen Vàng tổ chức cuộc thi Miss World Vietnam - Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 và cuộc thi Miss Grand Việt Nam 2022. Thành công của 2 cuộc thi khiến Sen Vàng nổi như cồn trong “ngành công nghiệp nhan sắc”.

Trao đổi với PV về việc “loạn” các cuộc thi hoa hậu và một đơn vị tổ chức và giữ bản quyền nhiều cuộc thi hoa hậu, như Công ty Sen Vàng bị nghi vấn “kinh doanh người đẹp”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những chia sẻ thú vị.
“Kinh doanh hoa hậu siêu lợi nhuận”?
Thời gian qua, có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp khiến dư luận cho rằng“bội thực hoa hậu ở Việt Nam”. Nếu tổ chức 10 cuộc thi hoa hậu/năm sẽ đẻ ra 10 hoa hậu, 20 á hậu, có phải là “kinh doanh hoa hậu, nhan sắc siêu lợi nhuận?
- Trước đây, Việt Nam chỉ có một cuộc thi hoa hậu duy nhất là hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức. Khi đó, cả nước chỉ có một người được tôn vinh hoa hậu - là biểu tượng của cái đẹp về Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, sau này, các cuộc thi hoa hậu ngày càng nhiều, đến nay thì nhiều đến mức không nhớ hết tên các cuộc thi hoa hậu trong nước, cũng như các người đẹp đăng quang.
Thời gian gần đây, các cuộc thi hoa hậu ngày càng nhiều và nhiều người đẹp đạt giải cao dính vào những vụ án bán dâm, môi giới mại dâm, thậm chí có nghi vấn mua giải, thiếu trung thực, gian dối khi kê khai lý lịch… Thực trạng này cho thấy quan niệm về cái đẹp rất dễ dãi, công tác quản lý nhiều bất cập, dẫn đến "loạn" danh hiệu hoa hậu và giá trị của cái đẹp bị hạ thấp.
Nếu nói là "kinh doanh hoa hậu" hay "kinh doanh sắc đẹp" thì có thể đúng ở một góc độ nào đó. Để xác định có phải là ngành công nghiệp không khói, mang lại siêu lợi nhuận cho đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu, thì chưa có thống kê đầy đủ, nên khó kết luận. Tuy nhiên, các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm sau mưa và các đơn vị tổ chức rất hứng thú đối với hoạt động này.
Hiện quy định của pháp luật về tổ chức hoa hậu, thẩm quyền của đơn vị cấp phép thế nào, thưa Luật sư?
- Trước đây, pháp luật quy định mỗi một năm chỉ tổ chức một cuộc thi hoa hậu, cụ thể tại Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ VHTTDL nêu rõ: “Thi Hoa hậu toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá một lần” và “Đơn vị tổ chức cuộc thi chỉ được cấp phép hai năm không quá một lần”. Sau này, điều kiện, nội dung, thể lệ các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp được thực hiện theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP.
Mới đây, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Quy định trên tạo điều kiện cho hàng loạt cuộc thi hoa hậu, hoa khôi mở ra, dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, khó kiểm soát.
Giu ban quyen 10 cuoc thi hoa hau: Cty Sen Vang “kinh doanh nguoi dep”?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. 
Phải có chế tài quản lý, giám sát chặt chẽ
Việc để một đơn vị truyền thông như Công ty Sen Vàng tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, có dễ gây tiêu cực hay không?
- Dưới góc độ pháp lý, pháp luật không cấm, không hạn chế một đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, nên cứ đủ điều kiện là được cấp phép. Điều này cho thấy họ là một tổ chức chuyên nghiệp và cũng có thể là một hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận hấp dẫn.
Nếu hoạt động tổ chức các cuộc thi hoa hậu thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, để cho đơn vị tổ chức tự mình thực hiện tất cả các khâu và có quyền quyết định kết quả, thì nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra. Việc dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan khi một đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu liên tục là có cái lý của họ.
Việc thu lợi nhuận có từ các cuộc thi nhan sắc và tình trạng “loạn” hoa hậu hiện nay, có cho thấy triển vọng “ngành công nghiệp người đẹp” ở Việt Nam trong thời gian tới?
- “Ngành công nghiệp người đẹp” ở Việt Nam, nếu hướng tới, phải có chế tài quản lý và giám sát chặt chẽ, nhưng tôi nghĩ số lượng các cuộc thi sắc đẹp cho ra đời nhiều người đăng quang, đạt giải không phải là căn cứ cho thấy một quốc gia có nhiều người đẹp! (cười)
Nếu tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp để gắn mác "người đẹp" với mục đích "kinh doanh" hoặc "xuất khẩu" người đẹp chỉ có thể dẫn đến những hiện tượng lợi dụng, lạm dụng nhan sắc của người khác để thu lợi, thậm chí có
thể xảy ra những vụ việc buôn bán người, mua bán dâm... ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để tôn vinh cái đẹp, danh xưng hoa hậu có giá trị, cần quản lý chặt chẽ các cuộc thi sắc đẹp và có những chuẩn mực nghiêm ngặt để cái đẹp gắn với cái thiện, giữ gìn thanh danh cho người đoạt giải.
Cần có chế tài thế nào để giải quyết tình trạng “loạn” hoa hậu hiện nay?
- Tăng cường cơ chế giám sát đảm bảo tính khách quan trong việc tổ chức các cuộc thi, đưa ra những quy định cụ thể về tiêu chuẩn tiêu chí thí sinh dự thi cũng như trách nhiệm của người đăng quang đối với xã hội, xứng đáng với cái đẹp, là đại diện, là biểu trưng cho trí tuệ và nhan sắc của phụ nữ Việt Nam.
Muốn vậy, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường việc áp dụng các chế tài đối với hành vi vi phạm.
Xin cảm ơn Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường!
“Ngành công nghiệp người đẹp” ở Việt Nam, nếu hướng tới, phải có chế tài quản lý và giám sát chặt chẽ!
Quan niệm về cái đẹp đang rất dễ dãi, công tác quản lý còn nhiều bất cập, dẫn đến "loạn" danh hiệu hoa hậu và giá trị của cái đẹp bị hạ thấp.
Việc dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan khi một đơn vị đứng ra tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu liên tục như vậy là có cái lý của họ.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Màn hô tên gây cười của thí sinh Hoa hậu Hòa bình Việt Nam:

Nguồn: Zingnews



Hải Ninh (thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)