Bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia”, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự suy giảm nghiêm trọng các hệ sinh thái tự nhiên.
|
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Theo ông Thao, ĐDSH có thể chia thành hai loại giá trị: giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị kinh tế trực tiếp của tính đa dạng sinh học là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu cuộc sống của mình. Còn giá trị gián tiếp bao gồm những cái mà con người không thể bán, những lợi ích đó bao gồm số lượng và chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu và cung cấp những phương tiện cho tương lai của xã hội loài người.
Đa dạng sinh học giữ vai trò quan trọng để phát triển kinh tế xanh, bền vững, là giải pháp trước mắt, lâu dài để bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học là trực tiếp góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, bảo tồn đa dạng sinh học là quyền, trách nhiệm của cộng đồng.
PGS.TS Phạm Quang Thao cho rằng, việc bảo vệ ĐDSH là việc làm cấp thiết mà mỗi vùng quốc gia lãnh thổ, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi cá nhân nên có những biện pháp để phát triển. Việc thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng là điều kiện cần và đủ để việc nâng cao quản lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học được phát triển tốt nhất..
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Ông Nguyễn Xuân Quý, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã cho hay, quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được áp dụng xuyên suốt quan điểm bảo tồn vị nhân sinh, bảo tồn để phát triển; Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững; Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhien; Chú trọng phục hồi, nâng cấp chất lượng các đối tượng quy hoạch đang bị suy thoái; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ.
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia giúp hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nguồn vốn tự nhiên cho phát triển, bảo vệ đất nước. Đồng thời, tăng cường các biện pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học phục vụ bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh và bền vững đất nước…
Truyền cảm hứng cho người dân trong bảo vệ đa dạng sinh học
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Cảnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE – VUSTA) nêu thực trạng, việc khai thác quá mức và bất hợp pháp nguồn lợi sinh vật hoang dã, gồm gỗ rừng và động vật hoang dã phục vụ nhu cầu thực phẩm, giải trí hoặc thương mại làm suy giảm đa dạng sinh học, đẩy nhiều loài động vật nguy cấp của Việt Nam đến bờ vực của tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác, đồng thời làm suy thoái hệ sinh thái rừng.
|
PGS.TS Lê Xuân Cảnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Hầu hết nước mặt ở các sông, hồ, kênh, mương nội thành, nội thị ở Việt Nam đã bị ô nhiễm, nhiều hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm hữu cơ nặng, làm cá chết hàng loạt. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều loài động vật hoang dã cũng có nguy cơ khó thích nghi với nhiệt độ tăng.
Vai trò của VACNE là vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH vì Hội tập hợp được rất nhiều các tổ chức thành viên, nhiều cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và ĐDSH.
Kinh nghiệm trong bảo vệ ĐDSH, theo ông Cảnh, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho người dân. Ý thức bảo vệ ĐDSH của người dân luôn tiềm ẩn, vấn đề là phải khơi dậy sự tiềm ẩn ấy, biến thành hành động cụ thể. Một trong những hoạt động của VACNE là sự kiện “Cây di sản”. Đây đang là một hình thức truyền cảm hứng rất hiệu quả cho cộng đồng.
“Ta không nên nói chung chung là bảo vệ ĐDSH mà phải cụ thể bảo vệ cái gì. Khi được trang bị kiến thức, khi được truyền cảm hứng, cộng đồng sẽ hiểu, sẽ thấy việc bảo vệ ĐDSH có ích với người ta. Từ đó họ tự nguyện làm”, ông Cảnh nói.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn ĐDSH
Ông Nguyễn Bắc Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn ĐDSH. Trong đó có sử dụng công nghệ bay không người lái để giám sát động vật hoang dã sau tái thả rất hiệu quả. Việc ứng dụng này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức đi tìm; Có thể theo dõi nhiều cá thể cùng lúc; Động vật hiện rõ vị trí trên màn hình thời điểm bay;Tăng an toàn cho các các bộ nghiên cứu.
|
Ông Nguyễn Bắc Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Cùng với đó, Trung tâm cũng đã dùng máy bay với camera tầm nhiệt bay theo hệ thống để phát hiện các cá thể voi đi ra khu dân cư, kết hợp sử dụng kết hợp với camera tích hợp AI.
Kết quả, người dân địa phương tham gia rất nhiệt tình, thích thú việc xem voi trên màn hình. Người dân thường xuyên thông báo đến nhóm phản ứng nhan thông tin khi họ phát hiện voi. Các bức hình được chia sẻ rộng rãi giúp lan tỏa đến mọi người
Ông Thái cho hay, SVW sẽ đóng góp cho việc bảo vệ ít nhất 300,000 ha của 5 vùng sinh thái, qua đó bảo tồn trên 50% các loài động vật hoang dã có xương sống ở Việt Nam, đồng thời đóng góp cho sự đảo ngược sự suy thoái các hệ sinh thái và bảo vệ rừng trong cả nước.