Phát huy tối đa tiềm năng điện gió ngoài khơi

Google News

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm định hướng phát triển kinh tế biển và khai thác tiềm năng phát triển điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác ở vùng biển và ven biển Việt Nam, tuy nhiên lộ trình triển khai thực tế cần được cụ thể hóa, bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc Điều hành Tổ chức sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET) cho biết tại Toạ đàm trực tuyến “Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: các quy định đánh giá tác động môi trường và xã hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng VIET tổ chức.

Điện gió ngoài khơi - thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam
Bà Nhiên cho biết thêm, để nắm bắt cơ hội thúc đẩy điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần hiện thực hóa chiến lược phát triển thông qua Quy hoạch tích hợp không gian biển quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia và Quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng quốc gia; xây dựng lộ trình cụ thể và chi tiết cho từng Quy hoạch. Việt Nam cũng cần xây dựng cơ sở pháp lý để cấp giấy phép cần thiết cho các dự án điện gió ngoài khơi và các cơ chế hỗ trợ như: Cơ chế đấu thầu điện gió ngoài khơi phù hợp, Cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành và quy trình ra quyết định, Cơ chế kích thích sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi.
Phat huy toi da tiem nang dien gio ngoai khoi
Bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc Điều hành Tổ chức sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (ảnh st) 
Theo bà Nhiên đánh giá,với hơn 3.200km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi.
Vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100m có thể lên tới 9 – 10m/s tại nhiều vùng biển Việt Nam. Chỉ tính riêng các vùng biển xung quanh đảo Phú Quý hay Bạch Long Vĩ, công suất đặt có thể lên tới 38GW mỗi vùng.
“Với hơn 3.000km bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi” – bà Ngô Thị Tố Nhiên cho biết.
Như vậy, với nguồn vốn nước ngoài đang tăng lên, Việt Nam dự kiến vào năm 2021 sẽ lắp đặt các dự án điện gió cả ngoài khơi lẫn trong đất liền nhằm nâng công suất lên 1GW.
Bà Nhiên chia sẻ, năm 2019, Việt Nam có một dự án điện gió ngoài khơi được cấp phép khảo sát, đó là Dự án Kê Gà, tỉnh Bình Thuận. Việt Nam đang hoàn thiện các cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Để triển khai điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần xác định mục tiêu công suất năng lượng cho từng cụm dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng khung pháp lý và các tiêu chí đánh giá ảnh hưởng đến môi trường – xã hội. Đồng thời, thiết lập các cơ sở pháp lý cấp 4 loại giấy phép: Giấy phép thuê đáy biển để khảo sát; Giấy phép thuê mặt biển; Giấy phép quyền đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Giấy phép truyền tải vào hệ thống điện quốc gia.
Việc xét duyệt các dự án điện gió ngoài khơi trong quy hoạch cần có một cơ quan nhà nước phụ trách điều phối thực hiện, tránh tình trạng chồng chéo quy trình và kéo dài thời gian chuẩn bị thủ tục của các nhà đầu tư. Do đó, cần thành lập nhóm chuyên trách điện gió ngoài khơi, trực thuộc Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được thành lập theo Quyết định 203/QĐ-TTg, ngày 6/2/2020 của Thủ tướng).
Ngoài ra, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành liên quan, đảm bảo có được chính sách thống nhất về quy hoạch phát triển và quản lý biển, cảng biển, quy hoạch phát triển điện lực và vận hành hệ thống lưới điện, thủ tục đầu tư và các công cụ tài chính, điện gió ngoài khơi mới có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, theo bà nhiên, các dự án điện gió được triển khai đồng loạt trong thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Việc thực hiện các công trình xây lắp, trang thiết bị cơ khí, vận tải siêu trường siêu trọng và hàng hải đã tạo ra hàng vạn việc làm, kích thích dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế xanh. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án điện gió đất liền và gần bờ. Cùng với năng lực và kinh nghiệm triển khai các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành Dầu khí, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở phát triển điện gió ngoài khơi gắn liền với dịch vụ Logistic trong những năm tới.
Để có thể tận dụng nguồn lực trong nước và bắt kịp xu thế phát triển của điện gió ngoài khơi, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp sau: Việt Nam cần nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm khảo sát, xây dựng, phát triển và quản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng từ các nước phát triển; khảo sát và đánh giá năng lực hiện có và tiềm năng đáp ứng việc thiết lập chuỗi cung ứng trong nước; nghiên cứu các quy ước quốc tế và thiết lập cơ chế pháp lý tương thích, tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế.
Thiết lập cảng năng lượng nên được cân nhắc như là bước khởi động, tạo sân chơi cho các tập đoàn đa quốc gia và công ty trong nước cùng tham gia, từng bước hình thành chuỗi cung ứng. Đơn vị quản lý cảng năng lượng sẽ làm đầu mối điều phối việc cấp phép nhập khẩu công nghệ, thiết bị, phát triển các nhà máy, lắp đặt. Các hoạt động điều phối này sẽ góp phần phát triển chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, đồng bộ và giảm chi phí đầu tư… Cùng với đó, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế với một số nước thành công trong việc phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ ngoài khơi như Hà Lan và quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi như Vương Quốc Anh, Đan Mạch.
Cần chính sách quốc gia về điện gió
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có tổng công suất gió ước tính khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW).
Nhiều chuyên gia năng lượng tái tạo cùng chung ý kiến, Nhà nước cần phải có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi; sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác...
Nghị quyết số 55-NQ/TW được ban hành vào tháng 2/2020 chỉ rõ sự cần thiết phải xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Điện gió ngoài khơi cũng góp phần hỗ trợ đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contributions - NDCs) của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) mà theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện các chính sách về biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Việt Nam vào năm 2030 là giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước hoặc lên đến 27% nếu có sự hỗ trợ từ các mối quan hệ quốc tế. Vì vậy, việc có một khung pháp lý rõ ràng cho các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết và cấp bách, để đảm bảo rằng Việt Nam có thể triển khai dự án điện gió trên quy mô lớn, trở thành nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Theo PV/Vusta.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)