Hoặc là, sử dụng mỗi tấn rơm rạ, bà con có thể trồng nấm, sau khi đã trừ chi phí trong thời gian 15 – 20 ngày có thể lãi từ 500.000 – 700.000 đồng. Bã rơm rạ sau khi trồng nấm có thể chế biến thành phân vi sinh cao cấp. Ngoài ra, bã nấm còn dùng để nuôi trùn, giun đất, lấy trùn, giun nuôi gia cầm, gia súc và tôm, cá.
Thành phần hóa học của rơm rạ gồm xenluloza (cellulose)-60%, linhin (lignin)-14%, đạm hữu cơ (protein)- 3,4%, chất béo (lipid)- 1,9%. Nhưng khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2…
Đốt rơm rạ lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường - khói bụi (hình 1), bụi nano từ đốt rơm rạ có khả năng chui sâu vào hệ thống hô hấp, ảnh hưởng đến cả nhân tế bào, có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí “nhà kính” thải vào bầu khí quyển. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm ho, hắt hơi, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... dẫn đến những tác động nguy hại đến sức khỏe con người.
Khi đốt rơm rạ ở ngoài đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ, nên tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. việc đốt cháy rơm rạ sẽ khiến cho đất trồng lúa bị khô cằn, mất nước và mất chất dinh dưỡng. Nếu đốt rơm rạ ở đồng ruộng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng.
Tác hại lớn khác của đốt rơm rạ ở ngoài đồng ruộng là gây ô nhiễm môi trường không khí. Bởi lẽ khi đốt rơm rạ, không chỉ có khí CO2 (dioxid cacbon) thải vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2, NO2 (dioxid sunfur, dioxid Nitrogen) và rất nhiều bụi, đặc biệt là bụi mịn cũng thải vào không khí xung quanh. Đây là những tác nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ trái đất tăng cao. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt rơm rạ 1ha (trung bình 7 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2; 798kg khí CO; 398kg các chất hữu cơ độc hại và 12kg tro bụi.
Hơn nữa, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính... khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sẽ dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, gây co thắt phế quản và không loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi.
Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong, là do khí CO trong khói rơm rạ khi kết hợp với hemoglobin trong máu sẽ khiến máu không thể tiếp nhận oxy. Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên. Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong.
Việc đốt rơm rạ gần đường giao thông không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ. Đặc biệt, ngày 17/9/2019, cảng vụ Hàng không miền Bắc đã phải có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay ngăn chặn việc người dân đốt rơm rạ sau 2 ngày liên tục bốc khói từ các đám cháy làm hạn chế tầm nhìn của phi công khi hạ cánh xuống sân bay.
Vì thế, theo ý kiến của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, để hạn chế và xóa bỏ việc đốt rơm rạ tràn lan trên đồng rộng thì trước hết cần phải tuyên truyền vận động người nông dân nâng cao hiểu biết về các tác hại rất lớn của việc đốt rơm rạ đó, mặt khác phải hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho họ biết cách xử lý, chế biến rơm rạ một cách hiệu quả, hợp vệ sinh và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Theo GS Đăng, có một số phương pháp đó là: trước tiên đó là phương pháp cày vùi rơm rạ để duy trì lượng đạm trong đất, trong phương pháp này nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý bằng cách cày vùi rơm rạ, để duy trì lượng đạm trong đất. Việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rễ tốt hơn. Việc cày xới đồng ruộng vùi rơm rạ có thể sử dụng máy lồng loại lớn. Tất cả rơm rạ trên đồng ruộng được băm nhỏ bằng các máy băm sơ dừa, rơm rạ, rau củ, cành cây, như giới thiệu ở hình 2.
Tuy nhiên để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, cần phải phun chế phẩm sinh học vào rơm rạ trước khi cày xới đất. Sau đó làm đất bình thường như những ruộng khác. Hiện nay có rất nhiều tổ chức sản xuất và bán các chế phẩm sinh học có khả năng tăng nhanh quá trình phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ, cũng như rơm rạ, như là chế phẩm chế phẩm sinh học Bima – compost, Trichoderma, Dascela, Sumitri… Chế phẩm Sumitri là chế phẩm vi sinh do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ phối hợp với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam sản xuất. Chế phẩm Sumitri có chứa nhiều chủng loại vi sinh như Trichodemar hazianum T22, Trichodemar viride, Trichodemar Parceramosum (T. longibrachiatum) có trong chế phẩm Bio-promote (Mỹ), Trichodemar. Sản phẩm được phân lập từ rừng Nam Cát Tiên.
Việc để lại rơm rạ trên đồng ruộng và cày vùi đất tuy có tốn thêm chi phi làm đất nhưng cuối cùng vẫn thực hiện được và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Thứ hai là phương pháp sử dụng rơm rạ trồng nấm, ở nước ta, từ lâu đời đã biết trồng nấm rơm ngay ở ngoài trời, tận dụng diện tích trống. Trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những hấp dẫn thị trường trong nước mà thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng. Bởi theo các nhà khoa học, nấm rơm là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng mà không làm tăng lượng cholesterol trong máu.
Hàm lượng protein trong nấm lên tới 5%, đặc biệt có 8 loại axit amin không thể thay thế trong số 19 axit amin có trong nấm. Nấm rơm có thành phần chất xơ cao và lipit thấp, phòng trừ bệnh huyết áp cao, chống béo phì, xơ cứng động mạch, chữa bệnh đường ruột,…Ngoài ra, bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng, làm cho đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ.
Ở nước ta nên phát triển mạnh các cơ sở sản xuất nấm rơm. Nếu người nông dân không thể tự làm nấm được thì thu gom rơm rạ bán cho các cơ sở làm nấm này. Cho đến nay việc trồng nấm đã phát triển ở khoảng 40 tỉnh thành, song chưa tương xứng với tiềm năng. Các nhà khoa học đã tính toán: Từ việc sử dụng 3 tấn rơm (của 1ha lúa) trồng nấm rơm có thể đem lại lợi nhuận từ 4,5-5,5 triệu đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển nghề trồng nấm. Khu vực này có đủ các điều kiện như chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng và tháng lạnh không đáng kể, có thể trồng nấm rơm quanh năm. Trung bình cứ một tấn lúa có 1,2 tấn rơm, rạ, ngoài ra còn mạt cưa, bèo tây, bã mía,… là nguồn nguyên liệu lớn để trồng nấm rơm. Thời kỳ nông nhàn nhiều, nhất là mùa lũ, hơn nữa trồng nấm rơm không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Nấm không chiếm nhiều diện tích, chủ yếu tận dụng diện tích trống, chi phí thấp. Giải quyết tốt các nguồn thu nhập cho nông dân. Ở miền Bắc: Thích hợp trồng nấm vào khoảng thời gian từ 15/4 đến 15/9 hàng năm.
Ngoài ra, còn có phương pháp sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ thành các loại phân bón hữu cơ; Dùng máy cuộn ép rơm rạ thành các thỏi nhiên liệu dùng để đốt lò sản xuất điện năng; Phơi khô rơm rạ, xử lý nấm mốc và phối trộn với các chất keo phụ gia nén ép rơm rạ thành các tấm vật liệu cách nhiệt, cách âm và vật liệu hút âm; Áp dụng các công nghệ hiện đại, một số cơ sở sản xuất công nghiệp trong ngành nông nghiệp còn sản xuất chế biến rơm rạ thành nhiều sản phẩm hữu ích như: dầu sinh học (bio-oil), nhiên liệu sinh học giá rẻ ethanol, các loại ván ép.