Báo Tri thức và Cuộc sống xin trân trọng giới thiệu nội dung tham luận của ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 15/9 tới.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với hàng ngàn tổ chức thành viên là nơi tập hợp được hàng vạn nhà khoa học, từ thạc sĩ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, nhiều người trong số đó là những nhà khoa học danh giá tên tuổi trên danh đài khoa học của thế giới.
Đây thực sự là kho báu, kết tinh hội tụ những tinh hoa đông đảo nhất của dân tộc ta, đó là thực tế không thể chối cãi. Song, kho báu đó mang đặc thù khác với các báu vật vật chất khác như vàng bạc châu báu, mang giá trị trường tồn; trong khi kho báu tri thức mà VUSTA đang hội tụ lại mang đặc tính sẽ trở nên lạc hậu, phôi phai và có thể trở nên lạc hậu, lỗi thời, mất dần giá trị theo thời gian nếu không được sử dụng, phục vụ cho chính thời đại mà các học giả đang sống và ngược lại, nếu khối tri thức đó được ứng dụng phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước ở từng thời kỳ, đúng lúc, đúng thời đại, thì nó (khối tri thức) sẽ trở nên vô giá.
Bài viết này xin tập trung phân tích về sự cần thiết và một số giải pháp thiết thực để phát huy vai trò của VUSTA trong việc Tập hợp và Định hướng hoạt động của các tổ chức thành viên.
|
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
|
I. Sự cần thiết phải phát huy vai trò VUSTA trong việc tập hợp và định hướng hoạt động của các tổ chức thành viên, phục vụ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Lịch sừ phát triển của các dân tộc trên thế giới chứng minh sự phát triển hưng thịnh của các quốc gia, các triều đại đều gắn liền với các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Kỹ thuật gieo trồng đã giúp con người thoát ra thời kỳ săn bắn hái lượm, chấm dứt cuộc sống du canh du cư, thời kỳ nguyên thủy. Kỹ nghệ rèn đúc, cung tên, thuốc súng cùng với khoa học thiên văn sớm hơn các châu lục khác đã giúp cho châu Âu, Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha v.v… chinh phạt các châu lục xa xôi mở rộng thuộc địa để buôn bán và vơ vét châu báu, xây nên những kinh thành nguy nga tráng lệ còn tồn tại đến ngày nay. Máy hơi nước và phát minh ra dòng điện đã tạo nên cuộc cách mạng lần thức nhất của nền văn minh nhân loại. Rồi chỉ trong vòng chưa đầy hai thế kỷ sau, thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng, với khoảng thời gian giữa mỗi cuộc cách mạng ngày một rút ngắn, mà điển hình là cuộc cách mạng lần thứ tư đã ập đến như vũ bão, chỉ trong vòng 2 thập kỷ đã làm thay đổi toàn bộ thế giới, từ địa chính trị, địa kinh tế, mọi mối quan hệ, trật tự thế đang đảo lộn khó lường, sâu sắc.
Cũng qua các cuộc cách mạng đó, đã chứng minh, đất nước nào, dân tộc nào nắm bắt được tri thức nhân loại, theo kịp và nắm bắt được khoa học kỹ thuật của thời đại thì phát triển rực rỡ, bứt phá trở thành cường quốc. Các quốc gia phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động và vốn đều đừng lại ở mức độ nhất định, kẹt lại bởi bẫy thu nhập trung bình. Chỉ có nền kinh tế xây dựng vững chắc trên nền tảng khoa học công nghệ, dựa vào nguồn nhân lực có tri thức thì mới vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở nên thịnh vượng.
Nhưng tri thức là một quá trình tích lũy và thừa kế, không thể có trong một sớm, một chiều. Tri thức phải được ứng dụng, phải phục vụ nhu cầu cuộc sống đương đại. Tri thức bị ngủ quên, không được đánh thức thì trở nên vô dụng. Chỉ có môi trường ứng dụng thực tiễn mới là nơi thử thách thực sự của tri thức. Tri thức cũng phải đặt trong môi trường cạnh tranh thì mới được rèn giũa, mới đạt đến tinh hoa. Khoa học vị nhân sinh. Nếu chỉ dừng lại ở bằng cấp, học vị chỉ mới là vinh quang cá nhân, đó là khoa học vị khoa học – không phục vụ cho con người. VUSTA chính là nơi hội tụ và tạo ra sân chơi công nghệ cho các tinh hoa trí tuệ Việt Nam tham gia vào sự nghiệp chấn hưng đất nước.
II. Một số giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả vai trò VUSTA trong việc tập hợp và định hướng hoạt động của các tổ chức thành viên vì sự phát triển kinh tế và xã hội, chấn hưng đất nước.
1. Nghiên cứu KHCN theo nhu cầu
Bám sát theo các yêu cầu phát triển đất nước đã được xác định trong chiến lược, Nghị quyết của Đảng theo từng thời kỳ, theo đặt hàng cụ thể của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lấy đó là định hướng các xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ cho đất nước.
2. Định hướng và tập hợp những tổ chức thành viên tham gia các đề tài nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Công nghệ đặt ra trong từng thời kỳ để tăng năng suất lao động, tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm dịch vụ của đất nước.
Ngoài những chuyên đề theo đặt hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, VUSTA hoặc các tổ chức thành viên của mình cần chủ động nhận diện, phát hiện những các vấn đề thách thức mới trong phát triển KTXH của đất nước theo từng thời kỳ, đề xuất các đề tài nghiên cứu ứng dụng KHCN cụ thể, thiết thực để các tổ chức thành viên thực hiện trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, công bằng; các đề tài mang lại hiệu quả cao hơn thì được đề xuất Chính phủ cho triển khai ứng dụng trên thực tế.
3. Ưu tiên nguồn lực cho các đề tài KHCN nhằm phát triển nền kinh tế tri thức, nâng cao hàm lượng hàm lượng “chất xám” trong mỗi sản phẩm hàng hóa dịch vụ của đất nước để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Lựa chọn các đề tài Phát triển và ứng dụng KHCN theo các tiêu chí góp phần tăng trưởng GDP, bám sát các yếu tố trực tiếp làm tăng GDP (theo phương pháp chi tiêu), làm căn cứ phân bổ ngân sách nghiên cứu KHCN, cụ thể:
GDP = G + I + C + (X-M), trong đó:
- Tăng G (chi tiêu chính phủ) nhờ mở rộng quy mô kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách; Chi tiêu của chính phủ phải ưu tiên dùng hàng hóa sản phẩm và dịch vụ từ đổi mới sáng tạo của các đề tài, đề án KHCN của Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm KHCN Việt Nam là cơ chế khuyến khích hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả nhất để xây dựng nền kinh tế tri thức;
- Tăng I (đầu tư khu vực tư nhân), ưu tiên các đề tài nghiên cứu về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư để khơi thông, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, tháo gỡ rào cản để các dự án đầu tư của khu vực tư nhân được triển khai nhanh chóng, rút ngắn thời gian quay vòng vốn, từ đó tăng I;
- Tăng C (chi tiêu dùng của xã hội), kết quả ứng dụng từ các đề tài R&D nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ made-in-Vietnam, cả về chất lượng và giá cả, được người Việt Nam tin dùng, sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm trong nước. Khi số người có việc làm tăng cao, mức chi tiêu khả dụng cũng tăng theo, tạo nền kinh tế tuần hoàn nội tại hiệu quả hơn;
- Tăng hiệu quả thương mại (X-M) (Xuất khẩu – Nhập khẩu), từ công thức này, ta thấy suất siêu càng cao, GDP càng tăng bấy nhiêu và nguợc lại. Hiện nay, một mặt chúng ta thu hút được rất nhiều dự án đầu tư FDI tạo nên nguồn xuất khẩu hàng trăm tỷ đô la, nhưng đồng thời chúng ta lại nhập siêu rất nhiều ở mảng hàng tiêu dùng, đặc biệt từ Trung Quốc. Cần tập trung phân tích các ngành hàng ta đang nhập siêu để nhận diện đó chính là dư địa, định hướng cho các đề tài nghiên cứu KHCN, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, để giảm nhập siêu.
Ví dụ, một số lĩnh vực như cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, nếu đặt ra mục tiêu nghiên cứu R&D để công nghệ Việt Nam làm chủ các lĩnh vực này, không phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài hàng năm ta tiết kiệm hàng chục tỷ đô là cho nền kinh tế. Xa hơn thế, sau khi chinh phục thị trường trong nước, chúng ta có những doanh nghiệp vươn ra chinh phục các thị trường thế giới với quy mô hàng tỷ đô la. Đây không phải là lĩnh vực quá khó chính phục, quá viển vông đối với chúng ta. Thực tế, ta đang sở hữu công nghệ tiên tiến nhất thế giới về xử lý chất thải rắn, đã hoạt động ở quy mô thương mại, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đang phải nhường chỗ cho công nghệ đốt rác phát điện lạc hậu từ Trung Quốc và một số nước khác, ẩn chứa đầy rủi ro gian lận về môi trường. Đây là sự thất bại trong chính sách khuyến khích phát triển KHCN trong nước, một sự hổ thẹn về thái độ kỳ thị hàng nội địa từ chính một số nhà khoa học không chân chính của đất nước.
4. Lập lại trật tự, công bằng trong đánh giá KHCN với VUSTA phát huy và giữ vai trò đảm bảo khách quan, độc lập, công tâm.
Như mọi lĩnh vực khác trong đời sống, tham nhũng cũng tồn tại, hiện diện trong giới khoa học nước nhà. Đã xuất hiện không ít trường hợp, một số nhà khoa học, có thể đã bị cám dỗ của đồng tiền mà bẻ cong chân lý khoa học, vùi dập các đề tài sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo, thông qua các hội đồng đánh giá, thẩm định mà họ được mời tham gia. Đáng xấu hổ hơn là trong khi họ nặng tay, không nương tay phũ phàng phủ nhận thành quả lao động sáng tạo của công nghệ trong nước, thì họ lại dễ dàng buông tay, chấp nhận công nghệ ngoại nhập một cách như mặc định là hàng ngoại tốt hơn hàng nội, mở đường cho công nghệ ngoại thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường, cướp đi cơ hội phát triển của công nghệ trong nước, cũng là cướp đi cơ hội việc làm của hàng vạn đồng bào máu đỏ da vàng. Chắc cũng một phần họ, những nhà khoa học này, đã không thấy hết những hậu quả nặng nề đối với tăng trưởng kinh tế đất nước theo công thức GDP nói trên.
Khắc phục tình trạng trên, cần bỏ ngay thói quen trong đánh giá đề tài khoa học sang đánh giá sản phẩm công nghệ cụ thể. Đối với việc đánh giá một sản phẩm công nghệ cụ thể, cần bám theo các kết quả đo kiểm cụ thể của sản phẩm công nghệ, định lượng so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn có sẵn để thấy tính ưu việt, vượt trội. Không nên dựa theo các tiêu chí mang tính định tính, cảm tính kiểu như “đề tài công nghệ có tính mới, sáng tạo…”, hoàn toàn phụ thuộc và cảm tính của thành viên hội đồng, lâu dần vô tình cho họ một thứ quyền lực vô hình, quyền sinh quyền sát trong tay họ, tiền đề dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng kinh tế có thể là đánh mất tiền tỷ của đất nước. Tham nhũng khoa học làm mất cơ hội phát triển của cả một thế hệ của đất nước.
VUSTA cần đảm nhận vai trò trọng tài, khách quan, công minh và duy trì công lý trong KHCN, có thể thay đổi được vấn nạn trên.
5. Công khai và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận và tham gia các đề tài KHCN sử dụng vốn nhà nước.
Cũng như trong kinh tế, KHCN là một thị trường, cần có sự cạnh tranh bình đẳng minh bạch. Lấy kết quả đầu thầu hoặc kết quả đầu ra của đề tài là căn cứ thanh toán vốn ngân sách NN cho đề tài KHCN theo đặt hàng. Bình đẳng giữa tổ chức KHCN nhà nước và tổ chức KHCN công lập. Kết quả nghiên cứu KHCN của tư nhân, nếu được ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cụ thể thì được ngân sách nhà nước hoàn trả các khoản chi phí đo kiểm xét nghiệm có hóa đơn. Đây là những chi phí rất lớn đối với nghiên cứu của khu vực tư nhân.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: VUSTA gặp gỡ báo chí trong hệ thống