Phát biểu khai mạc tọa đàm, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA cho biết, năng lượng từ biển của Việt Nam có một tiềm năng vô cùng lớn, có thể khai thác phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đảng và Nhà nước ta đã đề ra mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cho phát triển kinh tế biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, đó là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Chủ tịch VUSTA cho rằng, những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
|
TSKH Phan Xuân Dũng chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến về điện gió ngoài khơi. |
Chủ tịch VUSTA cũng cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều giải pháp trong đó có “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, thời gian qua VUSTA đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn, tọa đàm nhằm tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống VUSTA để tham mưu, đề xuất cho Đảng và Nhà nước về các giải pháp để thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Có thể kể đến các Diễn đàn thường niên về Khoa học và công nghệ Biển (từ năm 2019), Diễn đàn chuyên nghiệp của trí thức tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (từ năm 2015). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của VUSTA cũng đã đưa kinh tế biển là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong kế hoạch 5 năm tới (2021-2025) của VUSTA.
“Tôi đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề tọa đàm ngày hôm nay, đó là xem xét các khía cạnh về đánh giá tác động môi trường và xã hội trong phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đây là các nội dung quan trọng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự phối hợp giữa các ngành, các bên liên quan để hướng tới hình thành và phát triển bền vững một ngành công nghiệp mới có nhiều tiềm năng của Việt Nam” – Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Buổi tọa đàm trực tuyến đã thu hút hơn 300 các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, môi trường và các lĩnh vực liên quan để cùng trao đổi nội dung “Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Các quy định đánh giá tác động môi trường và xã hội”.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc VIET đã trình bày tổng quan phát triển năng lượng tái tạo, điện gió thế giới và Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh đến tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo biến thiên, đặc biệt là điện gió ở Việt Nam; Tiêu chuẩn kỹ thuật phát triển dự án và đấu nối vào lưới điện quốc gia nhằm giảm thiểu các rủi ro.
Nhóm nghiên cứu của VIET, do ThSKH Cao Thu Yến và ThSKH Phạm Quốc Đạt đại diện cũng đã chỉ ra xu hướng phát triển, các tác động môi trường và xã hội trong vòng đời của dự án điện gió ngoài khơi; một số kinh nghiệm quốc tế; các đánh giá về văn bản chính sách quy định về đánh giá tác động môi trường và xã hội Việt Nam cho điện gió ngoài khơi; khuyến nghị chính sách quy định, đánh giá tác động môi trường xã hội và các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực theo vòng đời nhà máy điện gió ngoài khơi.
Tại phiên thảo luận của tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về chiến lược của Việt Nam đối với phát triển năng lượng gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Qua đó, đưa ra những phân tích đa chiều về các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của điện gió đối với môi trường xã hội, giúp khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.
Đáng chú ý, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV đã chỉ ra những điều cần lưu ý cần thiết khi tích hợp các nội dung hướng dẫn – quản lý – giám sát hoạt động đánh giá tác động môi trường xã hội của nhà máy, dự án điện gió ngoài khơi vào hệ thống luật và các văn bản dưới luật của Việt Nam.
Đánh giá kết quả của buổi tọa đàm, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA cho rằng, vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi là mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng vì ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Các đại biểu tham dự tọa đàm đã có sự chuẩn bị tài liệu, bài tham luận kỹ lưỡng, chi tiết và có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, sâu sắc, thiết thực. Các nội dung trao đổi đều thể hiện rất rõ việc tác động của điện gió ngoài khơi đối với môi trường xã hội trước, trong và sau khi có dự án.
“Những câu hỏi, ý kiến phát biểu và bài tham luận tại tọa đàm cần phải được tập hợp thành tài liệu và dự kiến gửi các cơ quan có thẩm quyền về việc phát triển điện gió ngoài khơi trong tổng thể sự phát triển kinh tế biển Việt Nam” – Chủ tịch Phan Xuân Dũng đề nghị và đánh giá buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Top 10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam 2020