TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA; ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì Hội thảo.
|
TSKH Phan Xuân Dũng và ông Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết,
Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng ngày nay.
Trước yêu cầu cấp thiết kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013 để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, với một thế giới rất năng động, biến đổi nhanh chóng cùng với sự tiến bộ vượt bậc của KHCN, nhất là trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của doanh nghiệp, của xã hội và từng người dân trong môi trường sống, lao động và sinh hoạt. Vì thế, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.
Chính vì lẽ đó, VUSTA tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, đóng góp cho dự thảo Luật. Những ý kiến quý báu này, VUSTA sẽ tổng hợp để gửi tới Ủy ban KH,CN&MT cả Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp tới.
|
TS Trần Đức Lai. |
Tham gia góp ý tại Hội thảo, TS Trần Đức Lai, Chủ Tịch Hội Vô Tuyến-Điện tử Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: Lĩnh vực KHCN về điện tử-viễn thông-CNTT đã có sự phát triển vượt bậc, tác động mạnh mẽ tới các hoạt động về giao dich, kinh doanh, quản lý trên môi trường điện tử, đặc biệt chữ ký số chống giả mạo cao hơn chữ ký tay, nhận dạng khuôn mặt bằng máy có độ chính xác cao hơn mắt thường, các cơ sở dữ liệu số đã trở thành cốt lõi, các nền tảng số trở nên phổ biến hơn và đặc biệt hiện nay các nền tảng số phục vụ kinh doanh, giao dịch điện tử đã được phát triển khá mạnh mẽ và được sử dụng khá rộng rãi song chưa có luật nào quy định tính pháp lý một cách đầy đủ và đồng bộ.
"Nhiều nội dung trong luật 2005 chưa phù hợp với thực tế hiện nay cả về phạm vi điều chỉnh (Luật 2005, Phạm vi điều chỉnh đã đưa ra các loại trừ khá lớn như: Chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng nhà, văn bản thừa kế, khai sinh, khai tử...) và trong các điều khoản đã được quy định tính pháp lý chưa cao", TS Trần Đức Lai nói và cho rằng cần xem xét tên gọi nên là “Luật Giao dịch điện tử ( sửa đổi)” hoặc “Luật Giao dịch điện tử 2023” để sau này khi tra cứu tránh nhầm lẫn với luật 2005, hoặc trong quá trình giao thời Luật 2005 vẫn áp dụng.
Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam cho biết đây là luật khá mới và rất chuyên ngành đối với toàn xã hội. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung vào điều này một số thuật ngữ tương đối mới, lạ được sử dụng trong Luật, đồng thời đề nghị xem xét đưa các nội dung có tính chất định nghĩa trong các điều lên phần giải thích từ ngữ, trong các điều chỉ nêu các hành vi có quy quy phạm pháp luật, cụ thể như: Hạ tầng công nghệ, Chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy…
Để xây dựng, phát triển, quản lý các hoạt động về giao dịch điện tử, TS Trần Đức Lai cho rằng Luật chưa đề cập hoặc có nêu nhưng không rõ như: các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu, các vấn đề liên thông dữ liệu…; trách nhiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý, cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch điện tử…Nên xem xét để có một số điều nêu nguyên tắc để thuận lợi cho hướng dẫn của Chính phủ sau này.
|
TS Phan Tùng Mậu. |
TS Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA khóa VII cũng cho biết, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Đó là, cần hạn chế những bất cập trong quá trình sử dụng Luật Giao dịch điện tử năm 2005; xây dựng quy định cụ thể tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại là vấn đề quan trọng mà xã hội có nhu cầu về hành lang pháp lý cụ thể; ban hành các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu...
"Trước hết cần Tổng kết đánh giá kết quả 17 năm qua luật ra đời và đi vào cuộc sống, xem xét những gì đạt được, vấn đề chưa được cần sửa đổi. Xem xét tác động cụ thể của luật diễn ra như thế nào, đặc biệt việc chuyển giao dịch thực sang giao dịch ảo trong 17 năm qua đã đảm an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng chưa, độ tin cậy đến đâu, trình độ của dân về ứng dụng công nghệ thông tin đến mức độ nào, có thể mở rộng khả năng ứng dụng giao dịch điện tử đến mức độ nào?", TS Phan Tùng Mậu nói và nhận định đây là vấn đề mấu chốt quan trọng cần nghiên cứu đánh giá cụ thể để hoàn thiện, bổ sung cho Luật mới. Vấn đề này được nêu trong tờ trình, nhưng chưa thật đầy đủ, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, độ tin cậy của người sử dụng giao dịch điển tử.
Nguyên Phó Chủ tịch VUSTA khóa VII cũng đề nghị xem xét đánh giá quá trình thực hiện luật có những nội dung trùng lắp với các văn bản luật khác, hoặc cản trở việc thực hiện các luật khác cần nghiên cứu để khắc phục và hoàn thiện trong luật mới.
Trên cơ sở Dự thảo 6 và các tài liệu được tiếp cận, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam góp ý cân nhắc thêm tên gọi “Dịch vụ tin cậy” do tên gọi này khá trừu tượng, dễ gây nhầm lẫn khi đi vào cuộc sống, nhất là theo quy định dự thảo Luật, cung cấp dịch vụ này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong thực tiễn có vô vàn dịch vụ được cung cấp và việc cung cấp dịch vụ nào thì đều dựa vào sự cần thiết và tin cậy. Xem xét tên gọi là “Dịch vụ giao dịch điện tử tin cậy”.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, sau khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, Chính phủ đã ban hành khoảng 10 Nghị định và văn bản hướng dẫn dưới Luật. Tuy nhiên, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử hiện nay chưa được quy định rõ ràng ở một văn bản luật, văn bản dưới luật nào (hiện nay, việc giao kết các hợp đồng điện tử đang căn cứ theo pháp luật về thương mại điện tử) dẫn tới tình trạng việc sử dụng hình thức hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu vẫn chưa phổ biến và chưa phát triển theo đúng tầm (chưa được áp dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực lao động việc làm, giáo dục, y tế, tài chính, logistics,...) do chưa có các Nghị định hướng dẫn cho các ngành này...
"Do vậy, để thúc đẩy niềm tin của xã hội để việc giao kết bằng Hợp đồng điện tử bùng nổ trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời gian tới, Nghị định về giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cần sớm hoàn thiện ngay sau khi Luật mới có hiệu lực để theo kịp các thay đổi của cuộc sống", ông Vũ Kiêm Văn nhấn mạnh.
|
Các nhà khoa học, chuyên gia tham gia Hội thảo. |
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.