Nghị quyết 57: Xác định rõ trọng tâm trong phát triển công nghệ

Google News

Nghị quyết 57 lần đầu tiên xác định rõ các nội dung trọng tâm cốt lõi, đó là thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về trí tuệ nhân tạo ứng dụng, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh Nghị quyết số 57 vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực công nghệ, ông nhìn nhận như thế nào về phương hướng chỉ đạo thể hiện trong nghị quyết?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Đây là bước phát triển quan trọng và đột phá của Đảng và Chính phủ trong thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST & CĐS) thông qua việc ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia trong đầu tư các sản phẩm mũi nhọn, tạo thế và lực mới trong phát triển đất nước, bứt phá giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đưa dân tộc đến với kỷ nguyên vươn mình mới.
Trong Nghị quyết 57-NQ/TW có một điểm quan trọng là lần đầu tiên Đảng và Chính phủ đã xác định rõ ràng các nội dung trọng tâm cốt lõi, đó là thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược.
Đây là Nghị quyết tiếp nối các quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ về Chuyển đổi số như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; và Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”.
Nghi quyet 57: Xac dinh ro trong tam trong phat trien cong nghe
Thế hệ trẻ Việt đam mê khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Ảnh: N. Huyền 
Nghị quyết 57-NQ/TW vừa tổng kết các nghị quyết và quyết định trên, vừa cụ thể hóa, tạo thời cơ và cả thách thức mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên dựa trên lao động với hàm lượng chất xám cao làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Tôi cho rằng, tác động của nghị quyết này rất rõ ràng cho mọi ngành nghề, có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động.
Nghị quyết số 57 nhấn mạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp cận, nỗ lực, chủ động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời kỳ mới. Đây là những chỉ dấu cho thấy sự thành công của Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ đi vào thực tiễn một cách cụ thể và sâu rộng.
Kim chỉ nam định hướng cho các bộ ngành
Có ý kiến cho rằng, nghị quyết ban hành trong bối cảnh hiện nay được coi như kim chỉ nam để Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Quan điểm của PGS. TS về nội dung này?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ và các địa phương ban hành chương trình và kế hoạch chuyển đổi số mới, phù hợp với thực tiễn và với nhu cầu phát triển.
Thực tiễn cho thấy sau khi có các quyết định quan trọng của Chính phủ như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (QĐ 749), các bộ và địa phương cũng đã chủ động xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Bộ TT&TT có chủ trương luân chuyển các cán bộ cấp vụ và đột phá lần đầu tiên đưa cán bộ cấp phòng về địa phương, đảm nhận vị trí lãnh đạo các Sở TT&TT để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và nâng cao chỉ số Chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh.
Nhiều tỉnh cũng đã ban hành đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 và kế hoạch chuyển đổi số hằng năm góp phần tạo hiệu quả lớn trong chuyển đổi mô hình và cách làm việc qua môi trường số.
Nghi quyet 57: Xac dinh ro trong tam trong phat trien cong nghe-Hinh-2
PGS. TS Lê Hoàng Sơn. Ảnh: N. Huyền 
Ngoại trừ tại Hà Nội, TPHCM, và Đà Nẵng là những nơi có mức độ phát triển về công nghệ số cao, nhiều tỉnh thành ở trong các khu vực khó khăn hơn như tại Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang... cũng đã bước đầu mạnh dạn chuyển đổi số với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hà Giang đã triển khai thành công 53 dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia theo Đề án 06, với 172/215 trường học thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học; 60% học bạ số nộp thành công về Bộ GD&ĐT.
Lạng Sơn đã triển khai đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng số giai đoạn 2023-2025 thông qua việc phủ sóng di động 4G/ 5G và phổ cập Internet băng rộng, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Từ đó xây dựng các ứng dụng AI chuyên biệt như cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn với xe tự hành không người lái AGV trên mặt đất, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh, trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (Chatbot) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.
Nhiều tỉnh thành khác cũng đã xây dựng lộ trình phát triển hạ tầng và dịch vụ công toàn trình hỗ trợ người dân 24/7.
Mặc dù chưa có tổng kết về kết quả thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (QĐ 749) giai đoạn 2020-2025, nhưng có thể nói kết quả tại các địa phương và bộ, ban ngành tương đối cụ thể và hiệu quả. Nhận thức về chuyển đổi số không chỉ dừng ở lãnh đạo các cấp mà đã đến từng người dân thông qua việc sử dụng dịch vụ số.
Do đó, Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ lại là kim chỉ nam định hướng cho các bộ ngành địa phương trong việc xây dựng Đề án tổng thể chuyển đổi số và kế hoạch chuyển đổi số hằng năm phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển, theo hướng gắn kết kết quả nghiên cứu với phát triển ứng dụng và quay trở lại đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KH-CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.
Để Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực về phát triển AI
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số với ít nhất năm doanh nghiệp công nghệ ngang tầm quốc tế. Theo PGS. TS, chúng ta cần làm gì để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra?
PGS.TS Lê Hoàng Sơn: Theo báo cáo về "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, Việt Nam xếp thứ 5 Đông Nam Á về Chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu 2023.
Theo đó, Việt Nam được đánh giá thứ hạng trên do có sự tham gia mạnh mẽ của Chính phủ qua các quy định và chính sách, cũng như có sự đầu tư công nghệ mạnh mẽ và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng cao.
Thực tế hiện nay ngoài Việt Nam, một số quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia,.. cũng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh số.
Tại Singapore, từ lâu chính phủ đã xác định phát triển KHCN, ĐMST & CĐS phải bắt đầu từ con người. Chính phủ Singapore có chương trình thu hút nhân tài là các giáo sư, chuyên gia công nghệ nổi tiếng thế giới về làm việc tại các đại học lớn và các doanh nghiệp với chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình lớn của Singapore như A*STAR cung cấp nhiều lựa chọn tài trợ khác nhau để hỗ trợ cá nhân, nguồn lực, ý tưởng và sáng kiến lớn, kết nối giữa kết quả nghiên cứu tại các đại học với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chủ lực.
Tại Thái Lan, Chính phủ đã công bố chiến lược AI (trí tuệ nhân tạo) quốc gia với ngân sách 1,5 tỷ baht (42 triệu USD) nhằm thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế, trong đó đặt mục tiêu phát triển 30 nghìn lao động có kỹ năng AI gồm kỹ sư và người mới bắt đầu.
Nghi quyet 57: Xac dinh ro trong tam trong phat trien cong nghe-Hinh-3
 PGS. TS Lê Hoàng Sơn trong một lần thuyết giảng. Ảnh: N. Huyền
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng tập trung vào một số sản phẩm AI mũi nhọn như mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Thái (ThaiLLM), tạo ra nền tảng ThaiLLM nguồn mở và chatbot để cung cấp thông tin về sức khỏe, du lịch và môi trường, cũng như xây dựng trung tâm kiểm tra AI nhận dạng sinh trắc học.
Tại Malaysia, Chính phủ đi đầu trong đổi mới công nghệ ở Đông Nam Á, với hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ. Khi đất nước này đón nhận cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), AI nổi lên như một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và tiến bộ xã hội.
Khung AI quốc gia, được đưa ra vào năm 2019, phác thảo lộ trình của Malaysia trong việc áp dụng AI trên các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, tài chính và giao thông vận tải.
Các trường đại học và tổ chức nghiên cứu hàng đầu tại Malaysia, chẳng hạn như Universiti Malaya và Universiti Teknologi Malaysia, đi đầu trong nghiên cứu AI. Các tổ chức này hợp tác với đối tác trong ngành và cơ quan chính phủ để thúc đẩy đổi mới AI và phát triển nhân tài.
Bên cạnh đó, Malaysia có một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động với trọng tâm là các giải pháp do AI thúc đẩy. Các trung tâm công nghệ như Cyberjaya và Penang là nơi có số lượng công ty khởi nghiệp AI ngày càng tăng, phát triển ứng dụng trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, chẩn đoán chăm sóc sức khỏe và công nghệ thành phố thông minh.
Do đó, tôi cho rằng để đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và năng lực cạnh tranh số, sẽ cần rất nhiều nỗ lực:
Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả cho phát triển KHCN, ĐMST & CĐS tại Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030, trong đó tập trung điều chỉnh Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Theo đó, cần xác định rõ ràng mức độ đồng sở hữu của các chủ thể và cơ chế khai thác tài sản là nhiệm vụ KHCN. Ngoài ra, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15) vào Nghị định 70/2018/NĐ-CP cho phép thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ. Cuối cùng, cần xây dựng quy định về quản lý, xây dựng và khai thác sản phẩm AI bảo đảm an toàn và có trách nhiệm.
Thứ hai, cần tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và AI tại Việt Nam giai đoạn 2025-2026 trong đó cần đẩy mạnh phân cấp đầu tư và tăng tự chủ trong xây dựng sản phẩm cuối. Chính phủ sẽ đầu tư vào các nền tảng dùng chung, các địa phương sẽ đầu tư vào các chương trình và sản phẩm AI chủ lực theo nguồn vốn đối ứng.
Doanh nghiệp cần liên kết với các Viện nghiên cứu và Trung tâm xuất sắc (CoE) trong xây dựng sản phẩm mẫu (PoC- Proof of Concept) đáp ứng đầu bài của địa phương và triển khai trên diện rộng. Yêu cầu của các sản phẩm về hàm lượng công nghệ AI cần định lượng rõ ràng và chứng minh hiệu quả qua người sử dụng cuối.
Thứ ba, cần thay đổi trong tiếp cận về phát triển KHCN, ĐMST & CĐS, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực cho các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE), viện nghiên cứu và trường đại học với các đặt hàng cụ thể theo những chương trình trọng điểm quốc gia như Chương trình quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (KC 4.0), Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Chương trình Chip bán dẫn theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Cần ưu tiên và tạo cơ chế mở cho các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE), viện nghiên cứu và trường đại học thuê, tuyển dụng và bổ nhiệm chuyên gia, giáo sư giỏi nước ngoài về làm việc như bài học của Singapore. Liên kết các nhóm nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) với các khu công nghệ cao để khai thác cơ sở hạ tầng.
Nếu làm được những điều này, KHCN Việt Nam sẽ có nhiều bước phát triển mới và đạt được các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Xin cảm ơn PGS. TS!
Theo N. Huyền/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)