Xét nghiệm khống: "Cháy nhà mới ra mặt... nhân bản"

Google News

(Kiến Thức) - Thực tế là, nếu không bị "chỉ tận tay, day tận mặt", các kết quả xét nghiệm đến bác sĩ cũng khó phát hiện đúng sai, nói gì đến người bệnh.

Thực tế ở nước ta hiện nay, người bệnh cứ đến bệnh viện khám bệnh, bác sĩ kết luận thế nào thì tin như thế. Bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm gì thì làm xét nghiệm đó, kết quả thế nào tốt hay xấu hầu như người bệnh đều đặt niềm tin 100% vào bác sĩ
Tuy nhiên, niềm tin của người dân thật sự đổ vỡ khi hàng loạt vụ việc được phanh phui.
Sự việc hàng nghìn kết quả xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức bị giả mạo chưa nguội, thì thông tin một giáo sư nguyên là giám đốc một bệnh viên tư nhân phát hiện một vụ nhân bản kết quả xét nghiệm nước tiểu trong đợt khám bệnh cho một công ty tiếp tục làm dư luận bàng hoàng. Hài hước là, kết quả xét nghiệm được "nhân 8" lại là của một phụ nữ mang bầu. Kết quả "đen đủi" (hay măy mắn) này bị phát hiện khi ông giám đốc công ty tá hỏa vì tưởng nhân viên đồng loạt dính bầu, nhân viên ấm ức đi xét nghiệm lại mới "cháy nhà ra mặt... bệnh viện". 
 Người bệnh khó có thể tự phát hiện kết quả xét nghiệm có vấn đề
Nhiều người tố rằng họ đi khám bệnh ở các phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân, bệnh viện địa phương, nhận kết quả mắc bệnh nan y. Họ khóc mếu dắt nhau lên viện Trung ương khám lại với hi vọng còn nước còn tát thì mới té ngửa ra mình chẳng có bệnh gì trong người.
Những thông tin trên về sự gian dối của nhiều bệnh viện, phòng khám phòng xét nghiệm khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Người trong tình huống tương tự không biết mình có từng bị lừa dối như hàng nghìn bệnh nhân ở Hoài Đức? Kết luận bệnh tật có được từ kết quả xét nghiệm có chính xác hay không? Làm thế nào để có thể biết kết quả xét nghiệm của mình có vấn đề? Từ giờ biết đi xét nghiệm ở đâu cho chuẩn?...
“Hầu như các kết quả xét nghiệm bệnh nhân đưa tới đều có sai số”
Trao đổi với phóng viên Kiến Thức, bác sĩ Bạch Quốc Khánh- PGĐ Viện Huyết học và Truyền máu TƯ cho biết: “Thực tế hiện nay ở hầu hết các bệnh viện, khi người bệnh vào khám bệnh thường được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm. Bởi lẽ, qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ có cơ sở để chẩn đoán bệnh đúng hơn, chính xác hơn và phát hiện được bệnh sớm hơn.
Do đó, các kết quả xét nghiệm này đòi hỏi phải rất chính xác. Nếu các xét nghiệm mà lai bị cố tình làm sai lệch là không thể chấp nhận được. Vì hậu quả của nó là rất nặng nề và nghiêm trọng. 
Với các loại bệnh khác nhau nhưng lại dùng chung một kết quả xét nghiệm thì hậu quả khó lường. Do kết quả sai lệch đó, các bác sĩ không thể chẩn đoán đúng bệnh, dẫn đến điều trị sai, có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân”.
Theo bác sĩ Khánh trong quá trình khám chữa bệnh, ông chưa gặp phải trường hợp người bệnh không có bệnh nhưng bị xét nghiệm nhầm thành có hay có bệnh mà bị xét nghiệm nhầm thành không. Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch nhất định giữa kết quả xét nghiệm của bệnh nhân thực hiện ở các viện địa phương, các phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân với kết quả xét nghiệm của Viện Huyết học.
 Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh Trưởng khoa Điều trị tích cực và chống độc – Phó Giám đốc Viện HH – TMTƯ
Ông Khánh lý giải: “Những sai số giữa các kết quả xét nghiệm của bệnh viện này với bệnh viện kia chỉ là những sai số nhỏ. Các chỉ số chỉ thay đổi một chút và không ảnh hưởng tới kết quả khám chữa bệnh.
Tôi đơn cử với xét nghiệm máu những chỉ số xét hoàn toàn có thể thay đổi và khác nhau nếu thời điểm lấy máu khác nhau, quá trình bảo quản, chạy máy thậm chí thao tác lắc máu sau khi lấy máu.
Nếu việc lấy mẫu không đúng cách, hay vận chuyển, bảo quản mẫu không đảm bảo, hoặc máy quay ly tâm không được kiểm tra, không chuẩn thì sẽ đưa đến sai số trong xét nghiệm. Khi thực hiện phân tích, làm xét nghiệm... nếu như hóa chất có vấn đề cũng sẽ có nguy cơ làm sai số. Rồi tới gia đoạn sau xét nghiệm gồm xuất kết quả xét nghiệm, xem xét biện luận, trả kết quả... bị sai cũng làm sai số.
Một giờ trước mình lấy máu để xét nghiệm nhưng 1 giờ sau mình lấy máu xét nghiệm lại đã có sai số rồi.
Đặc biệt những người có bệnh về máu khoảng cách của 2 xét nghiệm chỉ cách nhau 1 tuần thôi đã khác nhau một trời một vực rồi. Những chỉ số sẽ thay đổi rất nhanh với khoảng cánh lớn. Những khác biệt đó là bình thường, thể hiện đúng tình trạng người bệnh và diễn biến của bệnh”.
Người bệnh không thể tự phát hiện kết quả xét nghiệm có vấn đề
Theo ông Khánh sẽ rất khó để bệnh nhân có thể biết được kết quả xét nghiệm của mình là đúng hay sai, có bị nhân bản hay không. Ngay cả bác sĩ nếu chỉ xem kết quả xét nghiệm mà chưa biết tình trạng của người bệnh thì khó có thể phát hiện được.
Thực tế hiện nay nhiều bệnh viện tư nhân, phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân và nhiều bệnh viện địa phương, các loại máy móc phục vụ xét nghiệm cũ kĩ, các kĩ thuật viên thiếu kinh nghiệm nên việc thực hiện xét nghiệm không được chuẩn xác.
Nếu có nghi ngờ về kết quả xét nghiệm thì người bệnh vẫn nên đi xét nghiệm lại. Nếu liên quan tới máu thì có thể mang tới viện huyết học và truyền máu để thực hiện.
Bác sĩ Khánh cho biết, Bộ Y tế đang thực hiện thí điểm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm ở Hà Nội (ĐH Y Hà Nội) và TP.HCM. Đây sẽ là đầu mối kiểm tra lại kết quả xét nghiệm của các bệnh viện nếu có nghi ngờ. Các điểm kiểm chuẩn sẽ đưa ra mẫu chuẩn để so sánh với kết quả xét nghiệm của bệnh viện, từ đó đánh giá nguyên nhân không chuẩn là do đâu.
Ngoài ra, người dân nếu có nhu cầu cũng có thể gửi kết quả xét nghiệm để kiểm định lại tại các điểm kiểm chuẩn này.
(Thông tin từ Bộ Y tế, hiện trong tổng số hơn 1.000 BV trên cả nước ta, chỉ có hơn 20 BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn theo ISO 15189- PV).
Thu Nguyên

Bình luận(0)