Trước sự việc “nhân bản” giấy xét nghiệm kết quả tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, phóng viên báo điện tử Kiến thức đã tìm gặp đến những nạn nhân trong vụ việc này, tất cả đều không tin vào mắt mình trước những chứng cứ rõ ràng.
Bé 3 tuổi trùng với người bị bệnh động kinh
Gia đình anh chị Phạm Văn Tuấn, Cao Thị Hưởng, bố mẹ của cháu Phạm Văn Đạt (3 tuổi) ở thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, một trong số những bệnh nhân bị trùng kết quả xét nghiệm với bệnh nhân khác. Đây chính là em bé bị trùng kết quả xét nghiệm với một bệnh nhân bị bệnh động kinh có tên là Nguyễn Công Thụ, 46 tuổi cũng ở Hoài Đức, Hà Nội.
|
Chị Cao Thị Hưởng và con trai Phạm Văn Đạt |
Theo chị Hưởng, nguyên nhân gia đình đưa cháu Đạt vào bệnh viện Đa khoa Hoài Đức chỉ là bị ho và viêm phế quản, nhưng lần nào vào viện cũng phải ở lại khoảng 1 tuần đến 10 ngày, và lần nào vào viện cũng được các bác sĩ cho xét nghiệm máu.
“Khi họ lấy máu xét nghiệm xong thì họ trả luôn về khoa, chứ tôi không hề được cầm kết quả xét nghiệm, nên kết quả xét nghiệm như thế nào, có trùng với người khác hay không thì tôi cũng không hề hay biết”, chị Hưởng cho biết.
Không chỉ có vậy, khi vào viện các bác sĩ còn tư vấn, “phải xét nghiệm máu thì khi ra mới được thuốc tốt, mới được cho nhiều thuốc(!)”, chị Hưởng kể lại.
Khi được hỏi về hai kết quả xét nghiệm trùng nhau của cháu Đạt và bệnh nhân Nguyễn Công Thụ bị bệnh động kinh, không chỉ chị Hưởng mà cả gia đình, hàng xóm có mặt ở nhà chị Hường đều rất “sốc” và vô cùng bức xúc trước hành động liều lĩnh của các "lương y".
|
Giấy xét nghiệm của cháu Đạt, cháu Khai trùng với bệnh nhân bị động kinh Nguyễn Công Thụ |
Không chỉ có gia đình anh Tuấn, chị Hưởng mà ở thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, gia đình anh Nguyễn Văn Vũ, bố cháu Nguyễn Đức Khải (3 tháng tuổi) cũng chịu chung số phận khi giấy xét nghiệm máu của cháu Khải cũng trùng khớp hoàn toàn với bệnh nhận bị động kinh Nguyễn Công Thụ (46 tuổi).
Chị Yến, mẹ cháu Khải cho hay: “Cháu khải nhập viện vì bị tiêu chảy, khi đưa vào viện thì được các bác sĩ lấy máu rồi phết lên một tấm kính mỏng. Nhưng có lần bị nặng, tôi đưa con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương thì các bác sĩ tại bệnh viện này lấy máu từ ven chứ không chích từ đầu ngón tay như bệnh viện Hoài Đức”.
Liên quan đến vấn đề này bà Hoàng Thị Nguyệt cho biết thêm, thông thường khi lấy máu xét nghiệm thì các bác sĩ phải lấy máu ở ven mới đủ lượng máu để xét nghiệm. Còn việc chích máu ở đầu ngón tay chỉ giúp thử máu đông và máu chảy. Tuy nhiên, theo đúng lý thuyết thì việc chích máu ở đầu ngón tay cũng có thể xét nghiệm được nhưng với điệu kiện máy móc phải rất hiện đại, mà hiện tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức không có loại máy móc đó.
Người dân mất niềm tin
Rất nhiều người được phỏng vấn ở hành lang khu xét nghiệm, bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, trong những ngày này đều tỏ ra không tin tưởng vào nơi mình đang đến khám.
Trao đổi với phóng viên Kiến Thức, bác Tạ Đăng Đán (53 tuổi) đưa mẹ là cụ Nguyễn Thị Mão (87 tuổi) ở thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội đến BV ĐK Hoài Đức để xét nghiệm cho biết: “Hôm qua tôi xem truyền hình, có biết về thông tin này, chúng tôi rất bất ngờ cũng như mất hết niềm tin vào bệnh viện, khi liên tiếp xảy ra hết vụ việc nọ đến vụ việc kia”.
|
Bác Tạ Đăng Đán và cụ Nguyễn Thị Mão (87 tuổi, đội khăn) tại trước của khoa xét nghiệm |
Bác Đán cho biết: “Chúng tôi đến đây xét nghiệm, khám bệnh chỉ là cho đủ thủ tục để chuyển lên tuyến trên, lên đó phải khám lại chứ bây giờ không thể tin tưởng bất cứ kết quả gì ở đây được”.
Chia sẻ về sự cố vừa qua của bệnh viện, bác Đán nói: “sau vụ việc nhớ đời này, hy vọng bệnh viện làm ăn cẩn thận hơn để cứu lấy mạng người, chứ không phải để giết người”.
Cũng giống như anh Đán, bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội, rất bức xúc cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà nhân dân trong huyện Hoài Đức rất bức xúc về vụ việc trên, mong cơ quan chức năng sớm đưa nhưng người sai phạm ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh”.
Theo bà Huệ, “không chỉ có việc xét nghiệm sai, tại bệnh viện này rất nhiều bác sĩ có thái độ hống hách, coi thường bệnh nhân, mắng bệnh nhân xơi xơi khi khám bệnh”.
|
Bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội |
Bà Huệ thẳng thắn nói: “Chúng tôi có bệnh, chúng tôi mới đến bệnh viện, khi đến đây chúng tôi chỉ mong lấy được đúng kết quả khám của chúng tôi, chứ không muốn lấy kết quả của người khác rồi chữa bệnh trên cơ thể mình, như thế chẳng khác nào ví chúng tôi là chuột bạch”.
Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, thuộc Đại học Y dược TP HCM, cho biết để chẩn đoán một bệnh, ngoài việc dựa vào xét nghiệm thì còn nhiều yếu tố khác như khám lâm sàng, kết quả các cận lâm sàng khác: X-quang, CT (XQ cắt lớp vi tính), MRI (cộng hưởng từ hạt nhân), siêu âm, nội soi… Tuy nhiên có những bệnh mà kết quả xét nghiệm đóng vai trò chính để quyết định cho việc chẩn đoán và điều trị. Chẳng hạn trong bệnh tiểu đường, bệnh thận, việc xét nghiệm đóng vai trò tiên lượng và chẩn đoán bệnh. Với bệnh tuyến giáp, xét nghiệm giúp xác định cường giáp hay suy giáp để có phương pháp điều trị khác nhau.
Theo phó giáo sư Thắng, những sai sót trong quá trình xét nghiệm sẽ khiến bác sĩ chẩn đoán sai bệnh; từ chẩn đoán sai đến điều trị sai, bệnh không khỏi mà nặng thêm dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh…