Nếu như trước đây, việc chống tham nhũng, tiêu cực chỉ được diễn thuyết tại các hội nghị hay gửi bằng văn bản, thì mấy năm gần đây, nó đã trở thành hiện thực, điển hình nhất là vụ việc bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, cùng hai cá nhân khác đã đứng lên tố cáo những việc làm sai trái tại bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Nhưng câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là, liệu sau khi tố cáo, sau khi nhận được giấy khen của cơ quan lãnh đạo cấp trên, cuộc sống của những “người hùng” này sẽ như thế nào? Liệu họ có bị trả thù? Công việc của họ có còn được như xưa, ánh mặt đồng nghiệp có còn thân thiện?
Thực tế, chính chị Nguyệt, sau khi gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng thì cuộc sống của chị gặp không ít nhưng khó khăn. Trao đổi với báo điện tử Kiến Thức, chị Nguyệt chia sẻ: “Từ trước khi tôi gửi đơn và đến khi đơn đã được gửi đi rồi, tôi gặp không ít những tin nhắn thị uy, hù dọa thậm chí cả chồng chị cũng nhận được những tin nhắn như vậy”.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/8/2013 trả lời phỏng vấn báo chí, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, sẽ tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho các chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phan Thị Nam Đông - những người dũng cảm tố cáo gian lận “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức thời gian qua.
Lãnh đạo cao nhất Sở Y tế Hà Nội đảm bảo không có bất cứ việc trù dập nào trong công việc đối với những cá nhân này. “Nếu các chị bị trù dập, người đứng đầu ngành y tế Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm” - ông Hiền khẳng định.
|
Những cá nhân dũng cám chống lại tiêu cực tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức |
Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về việc bảo vệ người tố cáo không bị trù dập, trả thù, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký văn bản giao Công an TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức có biện pháp bảo vệ những người tố cáo.
Trao đổi trên báo điện tử Kiến Thức, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết: "Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, chúng tôi đã có phương án và giao cho công an huyện thực hiện việc bảo vệ chị Nguyệt. Cho đến nay không có vấn đề gì và chúng tôi làm việc hết sức nghiêm túc”.
Một tình tiết mới trong vụ "nhân bản" xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh, người đã cung cấp các chứng cứ cho những người đứng đơn tố cáo vụ sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, là một trong 10 người bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can do có ký tên vào 18 bản kết quả xét nghiệm "khống". Trước khi công và tội được đặt ra trước pháp luật, liệu chị Oanh có được xem xét là người chống tiêu cực và được bảo vệ?
Qúa khứ từng có không ít trường hợp sau khi tố cáo thì liên tục bị đe dọa, bị trù dập, thậm chí vì áp lực mà phải xin nghỉ việc mặc dù trước đó đã được chính tư lệnh ngành lên tiếng bảo vệ.
Đó là trường hợp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, sau khi thầy lên tiếng tố cáo những tiêu cực trong thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006, thì chính bản thân thầy chịu không ít áp lực thậm chí là còn bị cả đầu gấu về tận nhà "hỏi thăm", phá hoại tài sản.
Ngay sau những hành động gây hấn trên, chính Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (thời điểm năm 2008), đã khẳng định, Bộ sẽ vào cuộc để bảo vệ thầy giáo Đỗ Việt Khoa - người vừa bị lăng mạ, đe dọa vì tố cáo tiêu cực; đồng thời yêu cầu Công an huyện Thường Tín vào cuộc.
Tuy nhiên, sau khi vụ việc chìm xuống, người gánh chịu hậu quả nhiều nhất vẫn chính thầy Khoa, không chỉ bởi vụ scandal năm 2006 mà còn một số vụ tố cáo của thầy sau này, dai dẳng đến khi cuối cùng, thầy phải viết đơn xin ra khỏi ngành giáo dục. Khi có quyết định quay lại với nghề, thì thầy Khoa phải chuyển nơi công tác, hiện thầy đang dạy tại trường THPT Thường Tín.
Chia sẻ với báo điện tử Kiến Thức về những tháng ngày phải một mình vượt qua những khó khăn thử thách, thầy Khoa cho biết: Có những lúc nghĩ lại cũng thấy "chùn", nhưng mình đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý thì không việc gì phải sợ cả.
Một gương mặt chống tiêu cực nổi tiếng nữa qua báo chí là kỹ sư Lê Văn Tạch, người một mình đứng lên tố cáo những sai phạm về kỹ thuật trong lắp ráp hàng nghìn chiếc xe tại Công ty Toyota Việt Nam. Anh từng được coi là một “người hùng” khi dám đứng lên tố cáo nơi mình đang làm việc và cũng theo sự việc đến cùng. Sau vụ việc, dư luận chỉ còn thấy những vụ kiện lùm xùm của kỹ sư Lê Văn Tạch và những phát ngôn quá chặt chẽ của lãnh đạo Toyota Việt Nam, về những mâu thuẫn và nghi vấn bị "trù dập" của người kỹ sư ở công ty này.
Tuy nhiên, trước làn sóng dư luận, đặc biệt là từ phía Bộ Giao thông Vận tải, ngay sau đó anh Tạch đã bắt đầu lại công việc tại Công ty Toyota Việt Nam, nhưng chắc hẳn anh vẫn gặp rất nhiều khó khăn sau những vụ kiện "bất thành".
Bằng những ví dụ cụ thể trên, dư luận có lý do để băn khoăn về những "tấm giáp" bảo vệ người chống tiêu cực liệu có tác dụng thực tế và có "thời hạn bảo hành" vĩnh viễn. Để, khi vụ việc đã chìm xuống thì người từng tố cáo vẫn phải được ngẩng cao đầu mỉm cười mỗi khi bước chân ra đường, vào cơ quan, bản thân họ và người thân không bị hù dọa, phân biệt đối xử, càng không bị vì áp lực mà xin nghỉ việc hoặc về hưu “non”...