Việt Nam xây dưng hệ thống cảnh báo nhanh về ATVSTP

Google News

(Kiến Thức) - Thực phẩm có vai trò quan trọng đối với sự sống cho mỗi con người bởi vì nó cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sống và thực hiện các hoạt động của con người.

Từ xa xưa con người đã biết tận dụng các nguôn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên và chế biến chúng thành thực phẩm phục vụ cho nhu cầu cá nhân và cho cộng đồng thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người. 

Tuy nhiên, một thực tế không mong muốn đã và đang diễn ra ở mỗi quốc gia cũng như trên toàn thế giới đó là vấn đề ô nhiễm thực phẩm. Đó là sự xuất hiện các yếu tố (hóa học, sinh học, lý học) không mong muốn, hoặc chủ động cho thêm vào thực phẩm có khả năng gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người khi sử dụng thực phẩm ô nhiễm đó. 

Các yếu tố độc hại này luôn có nguy cơ xuất hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làm ô nhiễm thực phẩm được tạo ra. Hậu quả của sử dụng thực phẩm ô nhiễm, không an toàn này là việc xuất hiện ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm ô nhiễm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. 

Vì thế, ngày nay việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không chỉ bó hẹp trong mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ mà đã được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua các hoạt động đầu tư, hợp tác và giao thương quốc tế. Việc ô nhiễm một sản phẩm thực phẩm không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong quốc gia đó mà nó còn được lan tỏa đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau theo con đường giao thương thực phẩm quốc tế. 

Thực tế cho thấy, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều các sự cố về an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng (ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, ô nhiễm thực phẩm) không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, không chỉ ở các nước đang phát triển mà ở cả các nước phát triển. Vì vậy, an toàn thực phẩm đã và đang là một vấn đề lớn, vấn đề có tính chất toàn cầu, tác động sâu sắc tới phát triển kinh tế và hội nhập của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. 

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sự phát triển giống nòi, góp phần gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Bảo đảm an toàn thực phẩm là các biện pháp tổng hợp được triển khai nhằm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn thực phẩm suốt cả chuỗi cung cấp thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển đến khâu tiêu dùng thực phẩm (từ "trang trại" đến "bàn ăn" hay từ ""cái cày" đến "cái dĩa"). 

Cùng với sự phát triển kinh tế, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm triển khai các giải pháp bảo đảm và yêu cầu hợp tác chặt chẽ để kiểm soát một cách hiệu quả và bền vững. Một trong những thách thức lớn nhất làm công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trở nên bị động, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội do nguồn thông tin sự cố an toàn thực phẩm (nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm) không đầy đủ; việc xử lý thông tin không thường xuyên, không thành hệ thống. 

Để giải quyết vấn đề này yêu cầu phải phát hiện sớm, đầy đủ các sự cố an toàn thực phẩm, đánh giá được nguy cơ ảnh hưởng đối với cộng đồng; đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, khoa học, khả thi và cảnh báo sớm cho cộng đồng.  
 Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về ATVSTP sẽ ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn vào bữa ăn của người dân.

Ngày 27 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 518/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Đề án được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2013 đến năm 2015 và từ năm 2016 trở đi duy trì hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc với sự tham gia thực hiện và phối hợp của các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm được tổ chức thành 3 cấp độ: cấp Quốc gia, cấp Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Việc xây dựng Đề án dựa trên cơ sở tổ chức hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện có để bổ sung nhiệm vụ, chuẩn hóa các nội dung hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và bổ sung trang thiết bị phù hợp, đồng bộ.

Việc xây dựng thành công hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam sẽ tạo lập một công cụ hữu hiệu để phát hiện sớm, cảnh báo, dự báo sự cố an toàn thực phẩm cho các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm theo hướng hiệu quả và bền vững, góp phần chủ động bảo vệ sức khỏe con người, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đặc biệt trong điều kiện hội nhập và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam được xây dựng dựa trên những cơ sở lý luận về bảo đảm an toàn thực phẩm và điều kiện thực tiễn trong bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm của Nhật bản, EU, Mỹ, Thái Lan... Mục tiêu của Đề án tập trung vào việc: (i) Xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trong toàn quốc một cách thống nhất, thường xuyên trong hoạt động khai thác, tạo lập thông tin - tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo thông tin về sự cố an toàn thực phẩm; (ii) Nâng cao chất lượng thông tin sự cố an toàn thực phẩm phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh theo hướng chủ động và phải đạt chuẩn hóa (thông tin sớm và có giá trị khoa học); (iii) Phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với một số nhóm thực phẩm thông dụng ở Việt Nam.

TS. Lâm Quốc Hùng
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế


Bình luận(0)