Các chuyên gia cho biết, cũng giống như đèn huỳnh quang ống tuýp kiểu cũ, bên trong đèn compact có chứa thành phần bột huỳnh quang. Vì thế, người sử dụng cần chú ý khi xử lý bóng cũ, bóng hỏng, bóng vỡ để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bỏng do hóa chất.
Bỏng phốt pho do vỡ bóng đèn
Thông tin được dẫn từ các trang web kể về trường hợp một người đàn ông bị nứt toác chân sau khi dẫm phải mảnh vỡ bóng đèn huỳnh quang compact. Theo đó, người đàn ông này khi trèo lên ghế để thay bóng đèn huỳnh quang compact bị cháy thì tuột tay làm rơi cái bóng đèn xuống đất vỡ choang. Ông ta vội leo xuống ghế thì vô tình dẫm phải những mảnh vỡ của bóng đèn lẫn lớp bột trắng có ở trong bóng. Ít phút sau, ông cảm thấy gan bàn chân bỏng rát, sau đó đỏ rộp và có hiện tượng bị loét. Đi bệnh viện, sau 2 tuần hút hết các mô tế bào bị chết, vết thương mới liền lại, nếu không ông sẽ phải cưa chân.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến (số 6, Đội Nhân, Hà Nội) cho biết, sau khi đọc được thông tin này ông “sốc” vì không tưởng tượng được trong bóng đèn lại có nhiều chất độc đến thế. Ông cho biết, cũng giống như nhiều người khác, từ trước đến nay, khi sử dụng bóng đèn, ông chỉ lo ngại vấn đề bóng vỡ cứa vào tay, chân gây thương tích mà không nghĩ đến những hóa chất độc hại có trong bóng đèn.
Thực tế, đèn ống huỳnh quang hay đèn huỳnh quang compact tiết kiệm điện đều là đèn phóng điện plasma trong môi trường hơi thủy ngân áp suất thấp. Chúng có cấu tạo là ống thủy tinh, mặt trong ống có phủ lớp bột huỳnh quang, thành phần chủ yếu là hợp chất phốt pho. Hai đầu gồm hai điện cực vonfram phủ bột phát xạ điện tử gắn vào hai đầu của ống đèn. Bên trong ống được rút hết không khí ra và bơm vào hỗn hợp hơi thủy ngân và khí trơ (acgon, kripton). Khi đóng điện, có hiện tượng phóng điện ở hai điện cực của đèn tạo ra tia tử ngoại tác dụng vào lớp bột huỳnh quang trong ống phát ra ánh sáng như chúng ta nhìn thấy.
PGS. TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khẳng định, thành phần bột huỳnh quang bên trong bóng chủ yếu là bột phốt pho, tỉ lệ thủy ngân rất thấp. Việc gây thương tích như trong trường hợp này là do bỏng phốt pho. Khi bị bỏng kết hợp với bị thương do các mảnh vỡ gây ra lại không được vệ sinh đúng cánh nên dễ bị nhiễm trùng dẫn đến bị lở loét, hoại tử.
|
Chân bỏng, lở loét do dẫm phải bột phốt pho có trong bóng đèn. |
Sử dụng đèn huỳnh quang như dùng dao
Ông Phạm Huy Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM cho rằng, đèn ống huỳnh quang được sử dụng hàng trăm năm nay vẫn khẳng định sự an toàn và giá trị sử dụng tốt. Đèn huỳnh quang compact chỉ là một sự cải tiến để tăng tính năng tiết kiệm điện, còn về nguyên lý cấu tạo không khác gì đèn ống huỳnh quang kiểu cũ. Vậy thì không thể nói nó gây nguy hiểm cho người dùng. Ngoài ra, các loại đèn này khi thiết kế và chế tạo đều phải tuân theo những tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, cũng có điểm cần lưu ý vì trong bóng đèn có các hóa chất độc hại như hơi thủy ngân, bột huỳnh quang... Nếu đèn không bị vỡ, các thành phần hóa chất này không thể thoát ra ngoài thì đèn sẽ an toàn đối với người sử dụng, nhưng nếu bị vỡ thì lại là chuyện khác. Ông Phong so sánh vui rằng việc sử dụng đèn huỳnh quang cũng như dùng một con dao, nếu cẩn thận và đảm bảo các nguyên tắc an toàn thì nó hữu ích, ngược lại nó sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Trường hợp bóng đèn huỳnh quang hay đèn huỳnh quang compact bị rạn, nứt vỡ, thủy ngân, bột phốt pho thất thoát ra ngoài có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ông Phong cho rằng, nên có một đơn vị chuyên thu gom và xử lý bóng đèn huỳnh quang cũ, hỏng, để đảm bảo quy tắc xử lý an toàn. Ngoài ra cần khuyến cáo người sử dụng khi vứt bỏ bóng đèn cũ, tránh để bóng bị vỡ. Nếu chẳng may bóng đèn bị vỡ, cần mở ngay cửa phòng cho thoáng khí, dùng giẻ ướt thu dọn ngay các mảnh vỡ vào túi nilon. Khi thu dọn nên đeo khẩu trang, đi giày dép, găng tay, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với các mảnh vỡ trong bóng đèn.
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khi sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact cần lưu ý đến vấn đề bật, tắt vì tuổi thọ của chúng phụ thuộc rất nhiều vào việc bật, tắt. Bật, tắt liên tục sẽ khiến cho loại bóng đèn này rất nhanh bị hỏng. Thời gian tối thiểu giữa các lần bật, tắt là 30 phút.