Người cao tuổi thường cảm thấy cái lạnh đến sớm, rõ rệt và sức chống chịu cũng kém hơn người trẻ. Tuy nhiên, thay vì giữ ấm đúng cách, một số người già lại hạn chế ra ngoài, "đóng" quần áo nặng trịch, ngại uống nước và ít ăn hoa quả... do sợ lạnh.
Cái vòng luẩn quẩn
BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354 cho rằng, việc người già sợ lạnh và lười vận động như một cái vòng luẩn quẩn. Càng sợ lạnh thì người già càng có xu hướng ních thêm quần áo, co ro ngồi một chỗ, thậm chí nằm trên giường đắp chăn. Thế nhưng, lười vận động lại càng thấy cơ thể lạnh hơn, bởi máu huyết kém lưu thông, các mạch máu dẫn đến những mao mạch dưới da hoạt động yếu ớt nên chậm đưa máu nóng từ tim đến các vùng ngoại biên khiến cho cơ thể càng cảm thấy lạnh hơn. Việc "đắp" thêm quần áo lên người càng làm cơ thể nặng nề, ngại vận động hơn.
Một thực tế nữa là người già thường hay đau mỏi người, nhất là trong thời tiết mùa đông giá lạnh. Nguyên nhân cũng vì mặc quá nhiều quần áo nên cử động khó khăn. Hơn nữa, việc lười vận động cũng góp phần làm cho cơ, xương, khớp "chây ì", không được luyện tập, kéo dãn thường xuyên khiến tình trạng kém dẻo dai, các khớp kém linh hoạt, dễ bị đau cơ và dây chằng, chuột rút...
BS Đào Bá Vy khuyến cáo, người già nếu có sức khoẻ thì nên thường xuyên ra ngoài vận động để thay đổi không khí, nhưng nên tránh lúc sáng sớm hay tối muộn, khi sương xuống nhiều và có gió lạnh, tránh tập luyện ở những chỗ có gió lùa. Nếu sức khoẻ không cho phép thì nên duy trì các hoạt động trong nhà như vui chơi với con cháu, làm giúp các việc nhà đơn giản, nhẹ nhàng.
|
Người cao tuổi thường cảm thấy cái lạnh đến sớm hơn và rõ rệt hơn. |
Đột quỵ vì nhiệt độ chênh lệch
Nhiều gia đình lo ngại người cao tuổi kém chịu lạnh nên thường để máy sưởi hoặc bật điều hòa chế độ nóng cho ông bà, cha mẹ già. Cách làm này giúp giữ ấm không khí trong phòng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người già. Bên cạnh việc lạm dụng máy sưởi có thể gây khô da, khô niêm mạc mũi, họng, còn dễ khiến không khí trong phòng kín bí khiến hoạt động hô hấp ở người già trở nên khó khăn.
Ngoài ra, việc cơ thể đang quen với nhiệt độ ấm áp trong phòng, khi bước ra ngoài trời lạnh khiến cơ thể thay đổi đột ngột do sự chênh lệch nhiệt độ lớn gây ra, các phản ứng của cơ thể người già chậm hơn nên sẽ khó thích nghi ngay.
BS John Scurr, chuyên gia phẫu thuật mạch máu tại Bệnh viện Đại học London (Anh) cho rằng, nhiệt độ quá lạnh đột ngột có thể gây co mạch, dẫn đến đột quỵ, nhẹ hơn có thể gây ra bệnh tê buốt ngón tay, ngón chân, chóp mũi, tai... bởi các động mạch nhỏ cung cấp máu cho da bị hẹp, tạm thời co thắt, hạn chế lưu thông máu đến các đầu mút cơ thể.
BS John cũng khuyến cáo, để tránh sự thay đổi đột ngột thì nên giữ mức chênh lệch nhiệt độ so với bên ngoài khoảng từ 8 - 100C là vừa. Đối với người già, khi từ trong phòng bước ra ngoài cần chú ý có khoảng chờ nhiệt độ để cơ thể thích nghi dần, nên mặc ấm, đi tất, giầy, găng tay, che kín đầu, mặt với khăn mũ cẩn thận.
Chế độ dinh dưỡng sai lầm
Nhiều người già thường ngại uống nước, ít ăn hoa quả vào mùa đông vì sợ lạnh, nhưng lại tăng cường ăn nhiều dầu mỡ để giữ ấm cơ thể. Theo BS Đào Bá Vy, đây là những quan điểm hoàn toàn ” sai lầm. Mùa đông thì cơ thể tiết ra ít mồ hôi hơn nên dường như không cảm thấy khát, nhưng nước lại có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Vào mùa đông người già nên uống nước ấm, vừa giúp giữ nhiệt vừa giúp tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể. Các đồ uống thảo dược như trà gừng sẽ là gợi ý tốt cho người cao tuổi. Tương tự, rau, hoa quả với hàm lượng vitamin lớn sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lại giá lạnh. Vì vậy, đừng quên rau, hoa quả trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Đối với người già, việc bổ sung thực phẩm hằng ngày vào mùa đông cũng cần chú ý. Không nên ăn nhiều dầu mỡ để giữ ấm, bởi thực chất lượng mỡ tích tụ do ăn uống quá mức đồ ăn nhiều chất béo chỉ là các mô mỡ trắng, trong khi để giữ ấm cơ thể là vai trò của mỡ nâu, vốn chỉ có do di truyền. Thực chất phải tăng cường hàm lượng protein mới giúp giữ ấm cơ thể một cách đáng kể.
Chuyên gia dinh dưỡng Phạm Thị Minh Hương (nhà hàng Quê Việt)