Đàn ông cũng có quyền nghỉ phép thai sản

Google News

Khi con thức giấc nửa đêm, khả năng chúng tìm đến cha hoặc mẹ là ngang nhau, và cả hai vợ chồng đều tìm thấy túi thay tã trong vòng 60 giây.

Sau bốn năm chính phủ Anh đưa chính sách chia sẻ ngày phép thai sản dành cho nam giới, chỉ có 1% những người đủ tiêu chuẩn đăng ký nghỉ phép. Đây là điều mới mẻ đầy thử thách, nhưng rất đáng giá. Nhà báo Anna Sbuttoni và chồng Alex Lawson chia sẻ những lợi ích của chính sách này mang lại cho họ và hai đứa con.
Dan ong cung co quyen nghi phep thai san
Điện thoại trên bàn làm việc của Anna sáng đèn với một loạt tin nhắn hình ảnh được gửi tới qua ứng dụng WhatsApp. Trong đó có một ảnh chụp Alex - chồng cô đang địu con gái trước ngực và dắt tay con trai hai tuổi. Một bức khác chụp bọn trẻ đang nghịch cát, và một bức ảnh cả ba cha con đang ăn kem. Sau đó, cô nhận được tin nhắn từ chồng: “Hôm nay em có về đúng giờ không?”.
Đó là thế giới của hai người đang chia sẻ quyền nghỉ thai sản. Khi Anna làm việc, Alex sẽ ở nhà chăm con. Đây cũng là chủ đề được các nhà chính trị đặt lên hàng đầu trong chính sách đổi mới của họ nhằm tranh thêm phiếu. Vài tháng trước, công ty Goldman Sachs đã thử cân bằng để cả cha và mẹ đều trải nghiệm chăm con, qua đó quyền nghỉ thai sản sẽ được chia đều cho cả hai.
Nghiên cứu của các trường đại học tại Bristol và Essex ra đời tháng Mười năm ngoái chỉ ra, khi phụ nữ làm mẹ thì con đường sự nghiệp sẽ bị cản trở đáng kể. Sau khi có con, nếu trước đó đàn ông là người phụ trách tài chính trong gia đình, thì điều này vẫn được duy trì. Nhưng nếu cả hai vợ chồng kiếm tiền bằng nhau, thì hơn 50% đàn ông sẽ trở thành trụ cột chính. Sau khi sinh con, có hơn một nửa phụ nữ sẽ không còn là người kiếm tiền chính trong gia đình.
Quyền được chia sẻ phép thai sản ra đời tháng 4/2015, nhưng chỉ có 1% số người đủ tiêu chuẩn chấp nhận quyền lợi của mình, tại sao thế?
Anna chia sẻ: “Khi mang thai lần thứ hai, ngay lập tức, tôi muốn chia phép thai sản với Alex. Khi sinh con đầu, tôi đã lấy phép một năm để ở nhà chăm con, và điều đó thật tuyệt vời (đồng thời cũng rất cực với đủ vui buồn). Lần sau, tôi quyết định Alex cũng nên được biết chăm con cực như thế nào, đồng thời, để anh cũng tận hưởng những giây phút đáng yêu của con”.
Ban đầu, Alex hơi lưỡng lự, anh không biết sếp của anh sẽ phản ứng thế nào. Trong khi với Anna - mọi việc diễn ra rất đơn giản khi cô lấy phép thai sản, thì Alex là người đầu tiên trong cơ quan đòi quyền chia phép thai sản với vợ.
Vì Alex và Anna kiếm tiền bằng nhau nên việc chia phép cũng đơn giản. Nhưng nếu người chồng có lương cao hơn (đây vẫn là điều phổ biến) thì việc họ phải nghỉ phép thai sản đồng nghĩa với việc cả gia đình sẽ bị ảnh hưởng tài chính.
Dan ong cung co quyen nghi phep thai san-Hinh-2
Ảnh minh họa. 
Nhưng vấn đề tài chính không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhiều người còn lo lắng nghỉ thai sản lâu sẽ ảnh hưởng đến sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Đây là điều phụ nữ đối mặt bấy lâu. Một người bạn của Anna đang làm việc trong ngành có nam giới chiếm đa số, đã thấy rất “không thoải mái” khi lấy phép thai sản cùng vợ. Khi anh ta vừa bắt đầu kỳ nghỉ năm tuần, thì cũng là lúc công ty rất bận rộn. Sếp anh nói thẳng ông ước gì anh không xin nghỉ phép. Dù cảm thấy rất khó xử, nhưng anh vẫn không cảm thấy hối tiếc.
Thêm vào đó, những định kiến lâu đời về giới tính cũng làm phái nam e dè khi nghỉ phép thai sản. “Anh ấy chăm con khéo nhỉ!” là lời khen dành cho chồng mà Anna phải nghe thường xuyên. Một điều khiến Anna cảm thấy khó chịu là Alex được xem như thánh sống, trong khi anh chỉ làm những việc mà phụ nữ vẫn làm hằng ngày. Ngay cả mẹ cô, cũng từng căn vặn cô: “Alex có cần phải nghỉ làm không con?”, cô trả lời: “Không phải cần hay không, mà là con muốn thế”.
Mẹ cô đã nghỉ làm mười năm sau khi sinh con, trong khi cha cô là trụ cột chính trong nhà. Ông làm việc chăm chỉ để lo cuộc sống gia đình khá đầy đủ, nhưng trong ký ức của cô, ông không hề biết thay tã. Trong khi đó, một đồng nghiệp nam của Anna lại chia sẻ, anh bị các bà mẹ trong công viên chế giễu khi dẫn con ra chơi. Tuy nhiên, anh cảm thấy khá tự hào và biết ơn vợ đã cho anh có cơ hội được chăm con một mình.
Anna quay lại làm việc sau lần sinh thứ hai dễ dàng hơn so với lần đầu. Cô trải qua mọi cảm xúc mà nhiều đàn ông đã từng trải qua khi vợ sinh con: rời khỏi nhà với đầu óc hoàn toàn tập trung cho công việc, biết rằng mọi việc ở nhà đã có Alex lo, dù cho hai con có tung hoành thế nào đi nữa.
Với Alex, thời gian chia sẻ với vợ để ở nhà chăm con giúp anh quý trọng thời gian dành cho con. Điều này cũng giúp anh nhận thức rõ sự mệt nhọc thể xác và đầu óc: sau một ngày chơi đùa và chăm sóc con, anh có thể dành đầu óc tập trung hoàn toàn cho công việc.
Dù có những giận dỗi và nước mắt, không chỉ đến từ hai đứa trẻ, vợ chồng cô đã đối xử tốt với nhau hơn khi cả hai hiểu và thông cảm trong việc ở nhà với con và đi làm. Việc dạy dỗ con cũng đã có sự đồng thuận với nhau nhiều hơn.
Khi con thức giấc nửa đêm, khả năng chúng tìm đến cha hoặc mẹ là ngang nhau, và cả hai vợ chồng đều tìm thấy túi thay tã trong vòng 60 giây. Cả hai đã tìm thấy tiếng nói chung khi họ đã hoàn toàn thấu hiểu sự vất vả của việc đi làm và ở nhà chăm con khi họ đều có những trải nghiệm như nhau.
Theo Phan Quỳnh Dao/Phụ nữ Online

>> xem thêm

Bình luận(0)